Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới:

'Giải mã' thành công và thách thức

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khuyến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, thách thức mà ngành Giáo dục đang đối diện.

Cô – trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG
Cô – trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG

Bên cạnh những kết quả đạt được sau 3 năm triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đưa ra khuyến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, thách thức mà ngành Giáo dục đang đối diện.

Cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới

- Sau 3 năm thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bà đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được?

- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được công bố cách đây 5 năm. Đến thời điểm này, thực hiện chương trình được gần 3 năm và có thể tính là nửa chu trình. Việc đánh giá kết quả một cách toàn diện, tổng thể cần có đủ thời gian kiểm chứng, nhất là đối với sản phẩm của việc đổi mới trong lĩnh vực giáo dục. Nhìn lại chặng đường gần 3 năm qua, có thể ghi nhận một số kết quả bước đầu:

Chương trình tổng thể cùng hệ thống các chương trình bộ môn được xây dựng với quy trình bảo đảm tính khoa học, có nhiều đổi mới về nội dung, môn học. Thời gian học và phương pháp giảng dạy theo hướng vừa hình thành kiến thức vừa phát triển năng lực, phẩm chất người học. Đồng thời phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của giáo viên. Đây là những yếu tố cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo như mục tiêu đã đề ra.

Kết quả tiếp theo phải kể đến là sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Bộ GD&ĐT. Song song với khâu chuẩn bị Chương trình và sách giáo khoa, việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được Bộ triển khai bài bản, chặt chẽ, tạo hành lang pháp lý cho tổ chức thực hiện. Cùng với đó, việc tổ chức hội nghị đánh giá hằng năm đã thể hiện đúng tinh thần lắng nghe, đồng hành cùng cơ sở để có chỉ đạo kịp thời, sát sao.

Tôi có theo dõi Hội nghị tổng kết 1 năm tổ chức vào tháng 8/2021 và gần đây là Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022 - 2023, có nhiều phản hồi tích cực từ địa phương nhưng cũng không ít trăn trở, khó khăn được đặt ra để cùng trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ;

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chủ trương đổi mới giáo dục. Chính phủ sớm phê duyệt triển khai các đề án nhằm bảo đảm đồng bộ điều kiện về đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất… Địa phương cũng nỗ lực trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với điều kiện thực tế.

Nhiều địa phương đã ưu tiên nguồn lực cho đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị triển khai theo từng lớp, cấp học. Cũng có nơi chủ động, linh hoạt trong triển khai các môn học mới, môn học tích hợp và có cách làm hiệu quả trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên...

Nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cơ sở giáo dục phổ thông và toàn ngành Giáo dục là điều đáng ghi nhận. Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới mục tiêu đổi mới “căn bản”, “toàn diện” giáo dục là áp lực lớn đối với giáo viên trong bối cảnh nguồn lực và các điều kiện bảo đảm hầu như đều thiếu, lại đối mặt với đại dịch Covid-19… Có thể nói, các thầy, cô đã vượt lên thách thức, góp phần quan trọng vào những kết quả đáng ghi nhận của quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Học sinh tham gia Triển lãm sách giáo khoa năm 2022 và hào hứng với sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Ảnh: IT

Học sinh tham gia Triển lãm sách giáo khoa năm 2022 và hào hứng với sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Ảnh: IT

Khó khăn, thách thức chờ phía trước

- Theo bà, trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đâu là khó khăn, thách thức mà các cơ sở giáo dục phổ thông nói riêng và ngành Giáo dục nói chung phải đối diện?

- Bất cứ công cuộc đổi mới nào cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Đổi mới giáo dục càng khó khăn muôn phần. Qua phản ánh từ thực tiễn, tôi thấy hiện đang nổi lên một số vấn đề:

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai qua nhiều khâu, công đoạn, lại thêm bối cảnh dịch Covid-19, do đó có tình trạng gấp gáp, chậm trễ ở khâu biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; vừa làm sách vừa triển khai nên khó tránh sai sót. Chậm trong lựa chọn, cung ứng sách giáo khoa ở một số địa phương. Sách giáo khoa không kịp ngày khai trường gây khó khăn, lúng túng nhất định cho các cơ sở giáo dục, nhà giáo và học sinh.

Mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất lớn, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về nội dung, phương pháp dạy học; đòi hỏi đầu tư lớn về nguồn lực, bao gồm cả nhân lực và vật lực. Tuy nhiên, phản ánh từ các địa phương cho thấy, điều kiện bảo đảm hầu như chưa đáp ứng: Nguồn lực dành cho đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông còn hạn chế.

Việc mua sắm thiết bị dạy học gặp khó khăn, thiếu phòng học bộ môn và thiết bị dạy học tối thiểu; thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới, giáo viên dạy môn tích hợp… Trong khi đó, triển khai Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên hiện còn vướng mắc trong thực hiện.

Đối với đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp, dù đã có tập huấn, bồi dưỡng nhưng khó để bảo đảm chất lượng và khó để xã hội yên tâm khi giáo viên dạy môn này đi dạy môn khác. Do đó, các trường sư phạm cần sớm mở mã ngành đào tạo giáo viên tích hợp.

Bất cập về giáo viên, sách giáo khoa, trang thiết bị dạy học trong đổi mới giáo dục phổ thông cũng giống như bước vào 1 trận đánh lớn. Nếu từ quân số tới khí tài chưa sẵn sàng thì dù có quyết tâm cao nhưng việc giành được chiến thắng là rất khó. Xin được chia sẻ với ngành Giáo dục và các thầy, cô giáo.

- Bà nhìn nhận như thế nào trước thực trạng thiếu giáo viên và giáo viên nghỉ việc ở nhiều địa phương?

- Hiện nay, dư luận quan tâm, làm sao có đủ số lượng và chất lượng giáo viên để dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn chưa đủ về số lượng giáo viên chứ chưa nói chất lượng. Cùng với đó, tình trạng giáo viên nghỉ việc xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Điều này tạo thêm áp lực cho các địa phương khi triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Đó là thực tế mà ngành Giáo dục cũng như các địa phương đang phải đối mặt. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng giáo dục phổ thông cũng như mục tiêu của công cuộc đổi mới giáo dục. Tôi cho rằng, thiếu giáo viên ở mức độ đáng quan ngại. Vì thiếu biên chế trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản nên việc bổ sung là khó khả thi; thậm chí có biên chế nhưng không có nguồn giáo viên đủ chuẩn để tuyển.

Khi câu chuyện thiếu giáo viên chưa có lời giải thì tại nhiều địa phương, làn sóng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc đang không ngừng gia tăng… Giáo viên không đủ thì điều cần ưu tiên trước hết là bổ sung số lượng trước khi cân nhắc yếu tố chất lượng. Đây đang là thách thức lớn trong mấy năm tới vì nguồn tuyển không có sẵn.

Để giải quyết bài toán đội ngũ giáo viên về cả số lượng và chất lượng trong những năm tới, thiết nghĩ cần thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp. Theo đó, về lâu dài, cần mở thêm mã ngành và bổ sung nguồn tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo giáo viên, nhất là những môn mới, môn tích hợp. Muốn vậy, cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về đấu thầu, định mức, cơ chế quản lý trong triển khai Nghị định 116, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động đặt hàng đào tạo giáo viên theo yêu cầu.

Trước mắt, phải tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên đang có nhằm cung cấp đủ nguồn giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong những năm tiếp theo. Hơn hết, cần cải thiện chính sách cũng như môi trường làm việc đối với nhà giáo, để có thể hạn chế thấp nhất số giáo viên nghỉ việc. Đồng thời, tạo sức hút để ngày càng nhiều sinh viên có năng lực chọn học ngành sư phạm và gắn bó với nghề giáo.

Một lớp học của Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: NTCC

Một lớp học của Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: NTCC

Cần xác định khâu quan trọng và thiết yếu

- Theo lộ trình, từ năm học 2023 - 2024, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11 và năm học 2024 - 2025 áp dụng đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Vậy bà có khuyến nghị gì cho quá trình thực hiện?

- Tôi cho rằng, cần xác định đâu là khâu quan trọng, thiết yếu để có giải pháp can thiệp kịp thời. Sách giáo khoa phải chuẩn, đội ngũ thầy cô cũng phải chuẩn – không chỉ là chuẩn đào tạo, mà quan trọng hơn phải là chuẩn về phẩm chất, năng lực. Cần quan tâm thêm việc đánh giá thực tiễn, tạo diễn đàn đối thoại với các nhà giáo, nhà khoa học để lắng nghe nhiều hơn, ở phạm vi rộng hơn. Đồng thời, đánh giá một cách khách quan, thực chất hiệu quả quá trình triển khai trong thực tiễn. Từ đó, có giải pháp khắc phục. Đây cũng là mong muốn, nguyện vọng của các thầy, cô; giúp các nhà giáo có thêm động lực tiếp tục cống hiến cho ngành.

- Năm 2023 Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội. Việc thực hiện giám sát chuyên đề này có ý nghĩa như thế nào cho ngành Giáo dục?

- Giám sát là chức năng của Quốc hội. Qua hoạt động giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra mục tiêu đánh giá toàn diện, đồng bộ về công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, thành phố giai đoạn 2014 – 2022.

Đồng thời, làm rõ kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân; xác định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và các địa phương. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp, kiến nghị hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới. Hoạt động giám sát cũng thể hiện rõ sự quyết tâm của Quốc hội trong việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bắt đầu từ bậc học phổ thông.

- Nhân dịp năm mới, bà có thông điệp gì nhắn gửi đến đội ngũ nhà giáo trên cả nước?

- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có ý nghĩa quan trọng, đó là thực hiện mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông. Cái lõi của đổi mới là góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực mỗi học sinh.

Mục tiêu rất lớn và thực hiện đổi mới bao giờ cũng khó, đòi hỏi đầu tư lớn, quyết tâm cao, bởi đó là hành trình đầy khó khăn, thử thách. Trách nhiệm nặng nề và vinh quang ấy thuộc về các nhà giáo nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương.

Năm mới đang tới, một mùa xuân tươi đẹp đang về mang theo bao niềm tin và hy vọng. Xin chúc các nhà giáo có nhiều niềm vui và thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục đầy gian khó nhưng vô cùng cao đẹp này.

- Xin cảm ơn bà!

“Chúng ta phải tính đến những thành công trong công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, với sự vào cuộc tích cực của các nhà xuất bản. Qua đó làm nên sự phong phú của hệ thống tài liệu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018” – bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.