Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về đổi mới giáo dục phổ thông

GD&TĐ - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về đổi mới giáo dục phổ thông trong phiên họp Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội tổ chức sáng 19/10 tại Bắc Ninh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Tốc độ nhanh, kỳ vọng lớn, thực hiện phi truyền thống

“Tốc độ nhanh, kỳ vọng lớn, thực hiện phi truyền thống” là các từ khóa được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tóm lược lại khi nói về những thách thức triển khai đổi mới giáo dục phổ thông.

Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng nhận định đây là một cuộc cải cách, thậm chí là một cuộc cách mạng trong giáo dục. Chúng ta thực hiện cải cách này khi Việt Nam đã được đặt trong nhóm khoảng 50 quốc gia có giáo dục phổ thông tốt trên thế giới. Do đó, mức độ thách thức cho sự thay đổi sẽ cao hơn.

Cũng theo Bộ trưởng, cải cách giáo dục phổ thông lần này được triển khai với mức độ điều chỉnh và thay đổi rất sâu sắc. Cụ thể, chuyển trọng tâm từ trang bị kiến thức sang định hướng phát triển năng lực; đặt tự chủ cao cho giáo viên, cơ sở giáo dục. Trong đó, trọng tâm là phát triển nhân cách, đạo đức, kỹ năng, phát triển con người và trên nền tảng phát triển con người để có nguồn nhân lực chất lượng cao. Cách tiếp cận trên là một thay đổi rất sâu so với trước đây.

Cùng với đó, đối tượng tác động của đổi mới lần này vô cùng lớn. Đặc biệt, với lực lượng phụ huynh là một thế hệ trẻ hơn, hỗ trợ được ngành rất nhiều, nhưng đòi hỏi cũng cao hơn. Đó vừa là thuận lợi, vừa là thách thức.

Tính đa mục tiêu của lần đổi mới này cũng được Bộ trưởng nhắc đến. Theo đó, vừa kỳ vọng giải quyết được những vấn đề về con người, về nhân lực, quản trị, về hệ thống; vừa giải quyết được những mục tiêu về nhân lực trong nước, hội nhập quốc tế và chuẩn bị nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0…

Tính phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương; giữa bộ GD&ĐT, các sở ngành và các tỉnh được thực hiện mạnh mẽ hơn trong lần đổi mới này.

Về cách thức tổ chức, Bộ trưởng nhấn mạnh đến sự khác biệt khi đặt trọng tâm ở chương trình giáo dục phổ thông; một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa và xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa - điều chưa từng có trong giai đoạn trước. Đây chính là một bước ngành Giáo dục tham dự sâu vào kinh tế thị trường với tất cả tính thử thách và phức tạp. Những vấp váp trong bước đi ban đầu là rất khó tránh khỏi nên rất mong được chia sẻ, thấu hiểu ở góc độ này.

“Những điều đó đặt cho cả hệ thống, từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lực lượng cán bộ quản lý, giáo viên hai thách thức lớn: Thách thức về chuyên môn và thách thức về quản trị, cùng phương diện về truyền thông, giải trình xã hội”. Chia sẻ điều này, Bộ trưởng đồng thời đề cập thêm thách thức khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai với tốc độ nhanh, tuần tự trong từng cấp học; một lúc phải kiểm soát nhiều lớp, thay đổi nhiều bộ sách giáo khoa.

Đặc biệt nhấn mạnh đến tính mở của Chương trình, Bộ trưởng cho biết điểm nào khi đi vào thực tế chưa phù hợp thì sẵn sàng điều chỉnh.

Phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Tái thiết giáo dục sau dịch bệnh

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề cập đến vấn đề tái thiết giáo dục sau dịch bệnh - một vấn đề mang tính toàn cầu.

Bộ trưởng thông tin: Tháng 9 vừa rồi, Bộ GD&ĐT được ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về chuyển đổi giáo dục.

Tại Hội nghị, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã đưa thông điệp với 5 nội dung quan trọng, mong muốn các quốc gia cam kết thực hiện. Trong đó, thiếu giáo viên đang là vấn đề mang tính toàn cầu sau dịch bệnh. Đặc biệt, ở các nước khó khăn, tình trạng thiếu giáo viên càng trầm trọng. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc khẳng định vai trò quan trọng của nhà giáo trong giáo dục và kêu gọi các quốc gia cần phải cam kết mạnh mẽ trong bù đắp về số lượng và hỗ trợ cho lực lượng giáo viên.

Cùng với vấn đề giáo viên, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi các quốc gia cam kết bảo đảm ngân sách chi cho giáo dục, phục vụ tái thiết thì phải tập trung đầu tư ngân sách lớn hơn nữa cho giáo dục-đào tạo. Đồng thời, lưu ý hơn đến việc dịch bệnh có thể làm gia tăng bất bình đẳng trong giáo dục giữa các quốc gia và giữa các nhóm trong một quốc gia…

Trong khó khăn chung có tính toàn cầu đó, theo Bộ trưởng, Việt Nam còn thêm thách thức nữa là đang trong thời điểm rất hệ trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Trong đó có việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chuyển đổi hệ thống giáo dục đại học theo hướng tự chủ và xã hội hóa…

Những thách thức này đặc biệt đặt ra trong năm học 2022-2023. Bởi vì, đây là năm trọng tâm, trọng điểm, then chốt trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; cũng là năm ngành Giáo dục phải giải quyết nhiều vấn đề hậu dịch bệnh Covid-19. Năm học này, lộ trình tăng học phí bị gác lại, trong khi chi thường xuyên các trường đã bị cắt nên đặt thêm một thách thức lớn trong lộ trình thực hiện tự chủ đại học cho các trường đại học...

Một số công việc quan trọng của ngành Giáo dục được Bộ trưởng chia sẻ thêm trong năm học 2022-2023 là chuẩn bị cho triển khai tổng kết Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo; giải trình thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; bắt tay vào xây dựng Luật Nhà giáo…

Ngày 19/10, tại tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ tư. Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phiên họp tập trung thảo luận báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 và dự kiến công tác năm 2023 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

Phiên họp cũng xem xét 4 báo cáo kết quả khảo sát chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống đuối nước trẻ em (giai đoạn 2016-2021).

Tại phiên họp, một số vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo được các thành viên Ủy ban nêu ý kiến, trao đổi, gồm: Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; thừa - thiếu giáo viên; tuyển dụng, sử dụng giáo viên tại địa phương; sách giáo khoa phổ thông; sáp nhập trường lớp; tự chủ đại học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ