Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Hội đồng - chủ trì Phiên họp. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn - Phó Chủ tịch Hội đồng; các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nguyễn Hữu Độ, Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh; các Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026 và nhiều chuyên gia giáo dục.
Tổ chức đánh giá học sinh đi vào nền nếp
Trình bày báo cáo chuyên đề về đổi mới kiểm tra, đánh giá trong giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trong quá trình chỉ đạo triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hệ thống văn bản pháp lý để chỉ đạo kiểm tra, đánh giá học sinh (các quy chế đánh giá, xếp loại học sinh). Đồng thời, chỉ đạo, triển khai một số hoạt động trong phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, hoặc theo năng lực của học sinh (thiết kế ma trận đề kiểm tra, biên soạn câu hỏi; xây dựng ma trận, bản đặc tả đề kiểm tra định kỳ; xây dựng ngân hàng câu hỏi,...).
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng, phát triển một số tài liệu hướng dẫn phương pháp, kỹ thuật kiểm tra, đánh giá trong lớp, đánh giá quốc gia, quốc tế. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn tăng cường năng lực cho đội ngũ giáo viên về năng lực triển khai các hoạt động kiểm tra, đánh giá.
Việc kiểm tra, đánh giá học sinh được triển khai ở các cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông được cải tiến theo từng giai đoạn; trên cơ sở tiếp thu về khoa học đo lường đánh giá; kinh nghiệm triển khai kiểm tra, đánh giá của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, có tính đến các yếu tố phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, theo đúng quy định của Luật Giáo dục...
Ở tiểu học, với các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006, việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BGD ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 30. Với các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học.
Qua báo cáo định kỳ của địa phương và từ kết quả khảo sát trực tiếp tại các cơ sở giáo dục cho thấy học sinh tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp. Các em trình bày được ý kiến cá nhân, hứng thú với việc học, học được và học tốt các môn học. Giáo viên nắm bắt được tiến trình học tập của học sinh, đánh giá và thúc đẩy được sự tiến bộ của từng học sinh. Cha mẹ thường xuyên theo dõi, cập nhật được tiến độ học tập và tham gia vào quá trình phát triển năng lực, hình thành nhân cách học sinh.
Ở trung học, với Chương trình giáo dục phổ thông 2006, việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT quy định về đánh giá, xếp loại học học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 58 để triển khai đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực người học và hướng tới đánh giá vì sự phát triển và sự tiến bộ của người học. Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc kiểm tra, đánh giá tại các trường trung học thực hiện theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT.
Thông tư 22 đã được triển khai thực hiện đối với lớp 6 năm học 2021-2022. Qua phản hồi của giáo viên, các cơ sở giáo dục cho thấy học sinh hứng thú với việc học, được thể hiện bản thân và học tốt các môn học theo năng lực của từng em. Giáo viên nắm bắt được tiến trình học tập của học sinh, đánh giá và thúc đẩy được sự tiến bộ của từng học sinh. Cha mẹ học sinh thường xuyên theo dõi, cập nhật được tiến độ học tập và tham gia vào quá trình phát triển phẩm chất, năng lực học sinh…
Những điều này cho thấy, việc tổ chức đánh giá học sinh ở tiểu học, trung học đã và đang đi vào nền nếp; được các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh thực hiện chất lượng, hiệu quả; bước đầu giúp đánh giá được quá trình học tập, sự phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, cũng như bước đầu đầu đáp ứng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài thực trạng về kiểm tra, đánh giá, giải pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá trong thời gian tới cũng được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ tại Phiên họp.
Khắc phục từ gốc vấn đề còn tồn tại trong kiểm tra, đánh giá
Nêu giải pháp khắc phục vấn đề còn bất cập trong kiểm tra, đánh giá ở giáo dục phổ thông, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần giải quyết tận gốc ở vấn đề đào tạo, tăng cường năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.
Đối với giáo viên, cần tăng cường khối lượng học tập các học phần về đo lường và đánh giá trong giáo dục - hiện nay nội dung này chỉ chiếm khoảng 1,5 đến 2% tổng thời lượng. Trong đó, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các hình thức đánh giá mới, như đánh giá theo trải nghiệm thực tế (expreriatial learning), đánh giá thực thi (performance-based assessment), đánh giá thích ứng (có sử dụng trí tuệ nhân tạo),…
Bên cạnh đó, cần xây dựng được các công cụ đánh giá cho những miền (domain) khác trong thang Bloom, như miền xúc cảm (effective domain) và miền tâm động (Psychomotor domain), không chỉ tập trung vào miền nhận thức (cognitive domain) như hiện nay. Các nhà trường cần được hướng dẫn xây dựng ma trận môn học đối chiếu theo chuẩn đầu ra. Chính ma trận này sẽ là căn cứ xây dựng cấu trúc, dạng thức đánh giá định hình hay tổng kết.
Với cán bộ quản lý, theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, cần tập trung đào tạo cho bộ phận quản lý chất lượng từ trung ương đến địa phương và cơ sở. Hiện nay bộ phận này rất thiếu nhân lực được đào tạo cơ bản về đo lường và đánh giá trong giáo dục. Chính vì thiếu nhân lực có những hiểu biết sâu về các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá lớp học nên sẽ khó có được các chính sách, chỉ đạo hiệu quả.
Từ thực trạng triển khai kiểm tra, đánh giá ở phổ thông, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị, cần đầu tư nghiên cứu xây dựng đạt chuẩn đánh giá tương ứng về mục tiêu, yêu cầu cần đạt về các môn học, tiến tới đề xuất các ma trận kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ. Xây dựng các ngân hàng câu hỏi minh họa để từ đó giáo viên có thể phát triển lên. Khuyến khích các tổ nhóm chuyên môn thử nghiệm hình thức đánh giá giữa kỳ qua sản phẩm, qua dự án.
GS.TS Nguyễn Văn Minh cũng cho rằng, cần đầu tư nghiên cứu xây dựng các thang bậc phát triển năng lực, đặc biệt là các năng lực chung đối với từng cấp học, từng lớp học; quan hệ giữa năng lực chung và năng lực đặc thù. Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá; công tác tập huấn về nội dung này phải thường xuyên, liên tục và có kế hoạch…
Nhấn mạnh tầm quan trọng của kiểm tra, đánh giá trong giáo dục, PGS.TS Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương thì nhấn mạnh việc cần chú trọng đánh giá phẩm chất người học; chú ý đến đánh giá diện rộng để góp phần điều chỉnh chính sách; quan tâm đầu tư nghiên cứu, xây dựng đội ngũ có năng lực về đánh giá; tập huấn giáo viên về kỹ năng đánh giá và xây dựng các tổ chức dánh giá độc lập của Việt Nam.
Từ thực tế phổ thông, cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) mong muốn xây dựng được các tiêu chí đánh giá, chỉ báo năng lực cụ thể, để thuận lợi hơn cho giáo viên trong tổ chức đánh giá học sinh.
Cần phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học về giáo dục
Sau các ý kiến trao đổi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện báo cáo chuyên đề về đổi mới kiểm tra, đánh giá trong giáo dục phổ thông, để tới đây đưa vào nội dung báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo.
Nêu rõ một trong những nhiệm vụ của Hội đồng là giúp chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TW khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Hội đồng cần lần lượt đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW khoá XI.
Trong đó có khung hệ thống giáo dục quốc dân; khung chương trình bảo đảm hội nhập phù hợp với khung chương trình của ASEAN, tiệm cận với quốc tế; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phương thức dạy và học; đánh giá, kiểm tra; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT và quản trị cơ sở giáo dục, nhất là quản trị trong trường phổ thông; nghiên cứu về khoa học giáo dục; thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương; hợp tác quốc tế…
Phó Thủ tướng đề nghị mỗi phiên họp của Hội đồng bàn sâu về từng chuyên đề, trong đó cần phát huy hiệu quả, thực chất vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học về giáo dục thông qua các tiểu ban chuyên môn, bao gồm cả các thành viên Hội đồng nhiệm kỳ mới và nhiệm kỳ cũ. Hội đồng có trách nhiệm kết nối các hội chuyên ngành, cơ quan chuyên môn để thống nhất những định hướng lớn trong giáo dục.
Theo Phó Thủ tướng, xã hội, người dân luôn rất quan tâm đến giáo dục. Trong thời đại thông tin, các vấn đề giáo dục cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bàn bạc thấu đáo, có định hướng ra công luận, đúng theo tư tưởng đổi mới mà Nghị quyết 29-NQ/TW khoá XI đã đề ra.
Đổi mới giáo dục là quá trình liên tục, phải phù hợp với xu thế thế giới, tính đến điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá của Việt Nam. Từng bước đi phải kiên trì; điều chỉnh tiến độ, cách làm nhưng kiên định xu thế, mục đích. Nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng đồng thời đề nghị xây dựng chương trình làm việc cả nhiệm kỳ của Hội đồng theo các nhóm vấn đề, có thể bổ sung, điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, định hình những nét lớn, bảo đảm tính liên tục trong từng năm.