Mới đây nhất, ông đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng tìm kiếm những nhà cung cấp vũ khí từ Trung Quốc, Nga phục vụ cho cuộc chiến chống ma túy và các nhóm vũ trang nổi dậy.
Tập trung vào vấn đề nội tại?
Trong một động thái chuyển hướng khác, ông Rodrigo Duterte cũng cho biết rằng, Philippines sẽ ngừng các cuộc tuần tra chung với Hải quân Mỹ trên biển Đông, để tránh ảnh hưởng đến mối quan hệ với Bắc Kinh. Thay vào đó, ông cho biết quân đội quốc gia sẽ chỉ tập trung vấn đề chống ma túy và khủng bố.
Tuyên bố đó của ông Duterte là diễn biến mới nhất trong chuỗi hành động gây tranh cãi kể từ khi ông nhậm chức. Với cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte đã làm cho 2.956 người thiệt mạng và đôi khi ông đã có lời lẽ xúc phạm Đức Giáo hoàng, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và Tổng thống Mỹ.
Trong bài phát biểu hôm 13/9, người đứng đầu Philippines đã nói về những ưu tiên nước này cần thực hiện. Theo đó, thay vì thực hiện cuộc tập trận trên biển Đông, ông Duterte cho rằng quân đội nên tập trung vào việc chống buôn lậu ma túy và quân nổi dậy.
Cho đến nay, Philippines chủ yếu mua các thiết bị quân sự từ các nước đồng minh Hàn Quốc và Mỹ. Nhưng vào hôm 13/9, ông Duterte đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tìm kiếm các nhà cung cấp vũ khí từ Nga và Trung Quốc, ông nói rằng họ có thể cung cấp vũ khí với giá ưu đãi và thời hạn trả nợ từ 20 đến 25 năm.
“Tôi muốn các loại vũ khí, quân trang... Chúng ta không cần máy bay phản lực F-16, chúng tôi không cần sử dụng đến nó” - ông nói khi đề cập đến các máy bay do Mỹ chế tạo – “Chúng tôi không có ý định chống lại bất cứ nước nào. Hãy nhìn vào những chiếc máy bay cánh quạt kiểu cũ, chúng ta có thể sử dụng rộng rãi vào cuộc chiến chống quân nổi dậy”.
Sự đoạt tuyệt nguy hiểm
Quân đội Philippines dường như cũng bị bất ngờ bởi tuyên bố của Tổng thống. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng nước này cho biết: “Chúng tôi đang chờ hướng dẫn cụ thể về những thay đổi chính sách của Tổng thống”.
Mặc dù, đại diện từ Bộ Quốc phòng Philippines cho biết, nước này sẽ không bãi bỏ các hiệp ước quốc phòng đã ký với Mỹ, nhưng ông Duterte có thể gây nguy hại cho mối quan hệ đồng minh quan trọng với Mỹ.
Trong giai đoạn từ 2002 - 2013, Mỹ đã cung cấp viện trợ quân sự cho Philippines có giá trị lên đến 441 triệu đô la. Chỉ tính riêng trong năm nay, chính quyền của Tổng thống Obama đã dành một gói viện trợ kỷ lục trị giá 120 triệu đô la cho nước này. Ngoài ra, Mỹ còn là quốc gia cung cấp viện trợ đáng kể cho Philippines sau bão Haiyan tàn phá đất nước hồi năm 2013.
“Chúng tôi sẽ không cắt đứt quan hệ với các đồng minh, nhưng chúng tôi sẽ thực hiện một chính sách đối ngoại độc lập”, ông Duterte nói với các tướng lĩnh và quân nhân tại một căn cứ không quân của Philippines vào hôm 13/9.
Với nhiều tuyên bố và hành động vừa qua, ông Duterte cho thấy một sự rõ ràng ông đang nghiêng về đối thủ chiến lược của Washington là Bắc Kinh và Moscow. “Tôi không thích những người Mỹ. Chỉ đơn giản đó là vấn đề nguyên tắc đối với tôi” - ông Duterte cho biết.
Nên biết rằng các hiệp ước an ninh ký kết năm 2014 là một trong những sáng kiến ngoại giao của cựu Tổng thống Benigno Aquino III, nhằm mục đích bảo đảm sự ủng hộ Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trong các tranh chấp ở biển Đông.
Hiệp ước được xem như một quân bài quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy – gây đe dọa đến lợi ích của Mỹ trong khu vực. Sau đó, hai nước đã bắt đầu tuần tra chung trên biển từ tháng 4/2016.
Các nhà lãnh đạo Philippines thường chỉ trích các chính sách của Mỹ trên mảnh đất của họ. Oán hận Mỹ đã cai trị nước này gần một nửa thế kỷ như một thuộc địa và một số khu vực còn để lại nhiều dấu ấn mạnh mẽ.
Tuy nhiên, xã hội Philippines nói chung tỏ ra khá thân với Mỹ. Một cuộc khảo sát hồi tháng 6, cho thấy 72% số người được hỏi vẫn có thiện cảm với Mỹ, trong khi đó chỉ 24% có thiện cảm với Trung Quốc.