(GD&TĐ) - Đang ngồi trong lớp học tập trung nghe thầy giáo giảng bài, bỗng dưng một học sinh nữ lăn ra ngất xỉu khiến nhiều nữ sinh khác trong lớp hoảng hốt khóc lên rồi ngất theo hàng loạt. Hiện tượng này vừa xảy ra tại trường THPT Yên Thành 3, xã Quang Thành, huyện Yên Thành, (Nghệ An). Và trước đó, cũng đã xảy ra ở nhiều trường THCS, THPT khác, nạn nhân chủ yếu là… teen nữ!
“Bỗng dưng” không… ít
Chuyện ở Yên Thành là vầy: Trong giờ học Lý tại lớp 12C1, trường THPT Yên Thành 3 bỗng dưng bạn Nguyễn Thị H. lăn ra ngất xỉu ngay tại chỗ mà không rõ vì lý do gì. Các bạn nam trong lớp lập tức đưa H. xuống phòng y tế của trường để sơ cứu. Tiếp đó, một số teen nữ trong lớp cũng tự dưng ngất theo. Đến giờ học môn Sử hầu hết các bạn nữ trong lớp đều bị ngất khiến lớp học vô cùng hoảng loạn. Ngay sau đó nhà trường phải cho các bạn nghỉ học.
Hội chứng này trước đó cũng đã xảy ra khá nhiều. Xin kể một số vụ tiêu biểu: năm 2004, ở trường Nguyễn Hiền (phường Hòa Cường, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) đang học thì tự nhiên một bạn nữ ngất xỉu, bất động hoàn toàn. Sau đó tất cả 30 học sinh đều là nữ, tuổi từ 14-18, đặc biệt có một số học sinh trong vòng 3 tiếng đồng hồ đã có đến 3 lần bị ngất xỉu.
Tại Đồng Tháp, năm 2008, tại các trường THPT Sa Đéc, Cao Lãnh 1 có gần 200 học sinh bỗng dưng bị ngất xỉu lai rai trong mấy ngày liền. Nhiều nhất là trường THPT thị xã Sa Đéc, có hơn 100 học sinh, đa số là nữ, liên tục bị ngất xỉu, cá biệt có một bạn bị tình trạng này hơn 10 lần.
Năm 2010 rồi, nổi đình nổi đám là tập thể nữ sinh ở nhiều lớp khác nhau tại trường phổ thông cấp 2-3 Sơn Thành (Phú Yên) đồng loạt lăn ra ngất xỉu và có hiện tượng co giật. Tất cả các bạn này đều có chung triệu chứng là mệt, mắt đứng tròng, co giật và ngất dây chuyền. Rồi hàng chục nữ sinh trường THPT Trần Hưng Đạo (Lệ Thủy - Quảng Bình) cũng đồng loạt… xỉu trong giờ học.
Bệnh dễ bị… mang tiếng oan
Theo thuật ngữ mà các chuyên gia y tế gọi, bệnh này là một dạng rối loạn phân ly, có nơi gọi là Hysteria. Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết, Hysteria như một phản ứng trước sức ép từ sự căng thẳng quá mức. Cơ chế sinh bệnh thường để bảo vệ thần kinh khỏi những cú sốc hay những sang chấn tâm lý. Ở tuổi mới lớn, bệnh thường rơi vào nữ nhiều hơn nam và chỉ thường xảy ra ở nơi đông người. Bệnh thường hết ngay sau vài phút cấp cứu. Nguyên nhân gây bệnh do hoạt động của hệ thống vỏ não chưa ức chế được hoạt động của hệ thống dưới vỏ não khiến hoạt động dưới vỏ não bùng phát dẫn đến không kiểm soát được hành vi.
Ngày nay các nhà tâm thần học đều thống nhất rằng: Bệnh tâm căn Hysteria phát sinh ở những người có loại hình thần kinh yếu, không thăng bằng, không linh hoạt. Nói chung Hysteria là kết quả cảm ứng những nét tiêu cực của các nhân cách trong cùng một môi trường do có sự tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Vì thế, trong một thời gian ngắn có thể lôi cuốn nhiều người trong cùng một “nhóm” vào một trạng thái bệnh lý giống nhau
Trong dân gian, nhiều người đặt tên cho bệnh này rất… kỳ. Một tên gọi mà các bạn nữ mới nghe rất… mặc cảm là bệnh… thiếu hơi trai. Có lẽ là do từ xa xưa, Plato thấy bệnh xuất hiện chỉ ở phụ nữ nên cho rằng bệnh xuất phát từ tử cung và do tử cung di chuyển trong cơ thể... qua não, vì thế bệnh mới có tên “Hysteria” - tiếng Hy Lạp nghĩa là tử cung. Và trong thực tế, cũng có nhiều ca teen nữ bỗng dưng ngất xỉu, có sự động chạm của bạn khác phái là… tỉnh.
Lại có ý kiến kỳ thị rằng bệnh này là bệnh… giả vờ. Vì theo hiện tượng, người bị bệnh hơi… khôn. Cũng một vài triệu chứng giống bệnh động kinh nhưng bệnh này khi ngã thì… chọn chỗ sạch, ít nguy hiểm, giãy giụa là chính chứ không hoàn toàn co giật như động kinh. Sau cơn Hysteria, bệnh nhân nhớ chính xác toàn bộ sự việc vừa xảy ra, đặc biệt họ không bao giờ đái dầm như động kinh.
Ứng xử thế nào?
Dù rằng biểu hiện của bệnh như giả vờ, nhưng theo các bác sĩ, thái độ trung dung của người xung quanh là cần thiết. Việc chiều chuộng quá mức hay giễu cợt đối với bệnh nhân Hysteria là không nên vì dễ làm những người đang bất ổn tâm lý có thể vùng lên và bệnh sẽ nặng hơn. Những suy nghĩ và cái nhìn thiếu thiện cảm về bệnh (cho rằng… thiếu hơi trai) cũng có thể tạo thêm sự căng thẳng cho người bệnh, vì thế chứng Hysteria có nguy cơ tái phát. Nên để người bệnh nằm trên giường rộng, tránh bị ngã khi xoay trở. Tránh nằm gần những vật cứng, dễ vỡ. Nơi nằm nên có không khí thoáng mát.
Nên giải thích, trấn an cho bệnh nhân và khuyên họ hít thở đều.
Gặp người đang bị Hysteria, bạn không cần quá lo lắng, tránh tụ tập xung quanh người bệnh. Nên để họ nghỉ ngơi một thời gian ngắn hoặc đưa vào cơ sở y tế điều trị nếu bị những cơn kích động mạnh. Phương pháp khắc phục rất đơn giản, chỉ cần bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý tác động đến bệnh nhân hoặc dùng các biện pháp đặc biệt như thôi miên, cơn bệnh sẽ qua đi trong thời gian ngắn. Nếu trong trường học cần có sự phối hợp ăn ý giữa nhà trường và phụ huynh để tránh gây tâm lí hoang mang, hoảng loạn khiến căn bệnh có cơ hội tái diễn. Trong một số trường hợp khó khăn hơn, cần sử dụng ngay benzodiazepin, sau đó dùng thuốc chống trầm cảm liều thấp, ví dụ như elavil, hoặc các thuốc mới như prozac, remeron, sertralin…
Theo các chuyên gia tâm lí, Hysteria là tâm bệnh nên không chữa trị như các bệnh thực thể khác. Tốt nhất là các teen nữ cần được hỗ trợ để có tâm lý vững chắc, biết cách chia sẻ, giải quyết khi gặp bế tắc, khó khăn. Cũng có khuyến cáo rằng, những đứa trẻ thường được chiều chuộng quá mức, chúng muốn gì được nấy nên hình thành tính vị kỷ cao. Khi lớn dần lên, nhân cách này càng trở nên đậm nét. Vì thế nếu đòi hỏi không được đáp ứng sẽ phát sinh những phản ứng tức giận quá mức, thất vọng nặng nề hay lo sợ cao độ... và triệu chứng Hysteria sẽ xuất hiện. Vì thế, nếu bạn là một teen nữ được chiều chuộng quá đáng thì… cũng rất dễ bị bệnh lôi kéo!
Trong bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD-10), Hysteria xếp là rối loạn phân ly. Tỷ lệ mắc bệnh từ 0,3-0,5% dân số, thường gặp ở nữ giới. Biểu hiện bệnh rất đa dạng: Những dấu hiệu dạng cơ thể như mệt mỏi hụt hơi, khó thở, đau nhức... nhưng không có bằng chứng xác đáng về bệnh cơ thể; những biểu hiện về tâm thần kinh như khóc cười, sợ hãi vô cớ, la hét, mất hoặc tăng cảm giác..., ý thức chỉ bị ảnh hưởng. Đặc điểm quan trọng là bệnh nhân rất dễ tự ám thị và bị ám thị ly kỳ hóa hiện tượng, kịch tính hóa, thích được mọi người chú ý. |
Hoa Cát