“Giải cứu” mặt cầu Thăng Long: Cần “thuốc” đặc trị từ... “gốc”

GD&TĐ - Hơn 1.800m2 bề mặt bị hư hỏng trên mặt cầu Thăng Long được Cục Quản lý Đường bộ I (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) sửa chữa xong vào ngày 10/6 vừa qua. Đây không phải là lần đầu tiên được sửa chữa, nhưng mặt cầu Thăng Long vẫn liên tiếp xuất hiện vết lún, nứt, xuống cấp nghiêm trọng khiến việc lưu thông gặp nhiều khó khăn…

Mặt cầu Thăng Long liên tục được sửa chữa nhưng vẫn bị xuống cấp
Mặt cầu Thăng Long liên tục được sửa chữa nhưng vẫn bị xuống cấp

Nhiều vị trí bị hỏng trên mặt cầu Thăng Long được “vá víu” trong những ngày đầu tháng 6/2019

Sửa xong… lại hỏng

Trước đó, Báo GD&TĐ số 137 ra ngày 8/6/2019 có bài viết “Mặt cầu Thăng Long lại xuống cấp nghiêm trọng” phản ánh mặt cầu Thăng Long xuất hiện hàng loạt vết nứt, “ổ gà”, “sống trâu” khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, tại vị trí ô lan can số 81, 83 và 85 (giữa cầu), mặt nhựa đường nhiều đoạn bị xô lệch, trồi lên tạo thành “ổ gà” ứ đọng nước mưa. Với đoạn qua ô lan can số 83, nhiều vị trí nhựa đường bị xô lệch, lộ bản thép dầm cầu bên dưới.

Lớp bê tông nhựa mặt cầu bị xô dồn, nứt ngang mặt do độ dính bám giữa bê tông nhựa mới và bản thép phía dưới không đạt yêu cầu. Vào tháng 9/2018, Bộ GTVT đã mời đoàn chuyên gia Nga tham gia trực tiếp khảo sát mặt cầu để tìm ra giải pháp xử lý phù hợp.

Liên quan đến sự việc trên, thông tin với Báo GD&TĐ, ông Trần Hưng Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ I (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) - Đơn vị được giao quản lý, bảo trì mặt cầu đường bộ cầu Thăng Long cho biết, những vị trí hư hỏng này đã được đơn vị sửa chữa xong.

Công việc này chỉ là giải pháp trước mắt nhằm bảo đảm êm thuận cho mặt cầu và ATGT. Về lâu dài, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang giao Ban Quản lý dự án 3 lập dự án, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để sửa chữa tổng thể mặt cầu Thăng Long, trong đó có sự tham gia “hiến kế” của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng vừa báo cáo Bộ GTVT đề xuất chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng (Hà Nội) bằng nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương trong 2 năm 2019 - 2020.

Theo đó, tổng mức đầu tư Dự án nhóm B này vào khoảng 195 tỷ đồng, trong đó chi phí sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông trong năm 2019 là 15 tỷ đồng và 180 tỷ đồng chi phí phục vụ sửa chữa toàn bộ mặt cầu trong năm 2020.

Theo các chuyên gia thì việc mặt cầu Thăng Long đã 2, 3 lần “đại tu” nhưng bị hư hỏng ngay sau đó là do công nghệ không phù hợp với kết cấu cầu bản mặt thép. Do đó, với đề xuất sửa chữa lần này cũng không hy vọng sửa được tận gốc nếu chưa tìm được phương thuốc “đặc trị”.

Cần xử lý từ gốc

Liên quan đến việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, đơn vị đã giao nhiệm vụ thực hiện công tác chuẩn bị cho các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, chưa thể đưa ra thời điểm hoàn thành việc sửa chữa hư hỏng mặt cầu Thăng Long vì dự án đang trình duyệt. Trước mắt, các đơn vị chịu trách nhiệm duy tu, sửa chữa, khai thác sẽ thực hiện sửa chữa nhỏ để bảo đảm ATGT trên cầu.

Lý giải về nguyên nhân mặt cầu Thăng Long xuống cấp, PGS.TS Vũ Hoài Nam, Trưởng bộ môn Đường ô tô - đường đô thị (Khoa Cầu đường - Trường Đại học Xây dựng) cho rằng, đó là sự yếu đi của bản mặt cầu thép cùng với thời gian cầu Thăng Long được xây dựng đến nay. Theo PGS.TS Vũ Hoài Nam muốn giải quyết mấu chốt được vấn đề này phải làm cứng được bản mặt cầu thép bị yếu, biến dạng.

“Giống như chúng ta dán 2 thứ vào nhau hay như viên đá trong khay chúng ta muốn tách ra phải vặn thì sẽ bong ra ngay, chưa kể các vết nứt, nước có thể thấm xuống làm cho liên kết giữa nhựa bê tông và bản mặt cầu thép có thể bị hỏng theo. Phải đánh giá lại toàn bộ hệ kết cấu dầm và bản mặt thép, để có giải pháp cứng hóa bản mặt thép trước. Bởi ngày xưa các chuyên gia Liên Xô xây dựng cầu vẫn bản mặt thép mới còn tốt, mặt thép còn vững chắc thì vấn đề nứt, gãy bê tông như vừa qua không xảy ra. Nếu không giải quyết được vấn đề trên, có bao nhiêu tiền để thảm lại bề mặt thì làm xong nó lại hỏng…”, PGS.TS Vũ Hoài Nam nhấn mạnh.

PGS.TS Vũ Hoài Nam cũng nêu quan điểm: “Tổng cục Đường bộ Việt Nam nên lập một đánh giá nghiên cứu bao gồm: Hiện trạng của cầu Thăng Long, độ cứng của hệ thống cầu. Trên cơ sở đánh giá, phân tích thì đưa ra những giải pháp gia cố hệ thép. Hệ thép đã cứng hóa thì chúng ta dải bê tông nhựa lên trên.

Với công nghệ hiện nay và sử dụng nguyên liệu cao cấp của bê tông nhựa và lớp dính bám cùng với việc thi công cẩn thận sẽ giải quyết được vấn đề xuống cấp của mặt cầu Thăng Long. Thành lập một dự án đánh giá lại chứ không nên dùng những giải pháp như vừa qua để xử lý, bởi cứ hỏng rồi đi thảm sẽ không giải quyết được hết”.

PGS.TS Vũ Hoài Nam tin tưởng, với trình độ của các chuyên gia, kỹ sư trong nước việc đánh giá hiện trạng của cầu Thăng Long không khó. “Các chuyên gia đều sẵn sàng nếu có những yêu cầu. Họ sẽ tham gia phân tích kết cấu, đo thiết kế để đánh giá về biến dạng của bản mặt cầu dưới tác động của tải trọng, khả năng làm việc của bản mặt cầu thép. Họ sẽ đưa ra được những phương án tối ưu để xử lý sự xuống cấp của cây cầu…”, PGS.TS Vũ Hoài Nam nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ