Theo phản ánh, mặt cầu Thăng Long xuất hiện hàng loạt vết nứt, "ổ gà", "sống trâu" khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại vị trí ô lan can số 81, 83 và 85 (giữa cầu), mặt nhựa đường nhiều đoạn bị xô lệch, trồi lên tạo thành "ổ gà" ứ đọng nước mưa. Với đoạn qua ô lan can số 83, nhiều vị trí nhựa đường bị xô lệch, lộ bản thép dầm cầu bên dưới.
Lớp bê tông nhựa mặt cầu bị xô dồn, nứt ngang mặt do độ dính bám giữa bê tông nhựa mới và bản thép phía dưới không đạt yêu cầu. Vào tháng 9/2018, Bộ Giao thông - Vận tải đã mời đoàn chuyên gia Nga tham gia trực tiếp khảo sát mặt cầu song đến nay vẫn chưa đưa ra giải pháp xử lý phù hợp.
Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, diện tích mặt cầu phải sửa chữa những năm qua khoảng trên 10.500m2, tương đương khoảng 40% diện tích toàn mặt cầu.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng tại vị trí km6+300, lúc đầu nằm trong Tổng thể đầu mối đường sắt khu vực Hà Nội do Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ xây dựng quy hoạch, và hiện nay thì nằm trên vành đai 3, nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm của Hà Nội, thủ đô của Việt Nam.Cây cầu này có quy mô lớn vào loại bậc nhất Đông Nam Á thời bấy giờ và là công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt-Xô.
Cầu Thăng Long có 2 tầng, đi chung cả đường sắt và đường bộ, được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9-5-1985, do Liên Xô (cũ) hỗ trợ xây dựng. Vào năm 2009, mặt cầu Thăng Long đã được trải lại toàn bộ lớp thảm mặt cầu tầng 2 bằng công nghệ của Mỹ.