Trẻ có sân chơi, cha mẹ bớt lo
Mải mê với trò xích đu tại điểm sinh hoạt, vui chơi ở nhà văn hóa, cậu bé Lò Quốc Minh (8 tuổi), bản trung tâm, xã Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông) quên luôn là đã quá giờ ăn trưa. Minh say sưa với từng món đồ chơi còn thơm mùi sơn, như: Bập bênh, cầu trượt, nhún nhảy… Nhưng chiếc xích đu làm em hào hứng nhất.
“Em rất thích trò chơi này. Vì càng đẩy xích đu lên cao, gió thổi càng mạnh, mát lắm. Trước chưa có, nghỉ hè chúng em thường tự chơi ở nhà hoặc chiều ra sông tắm. Từ khi có khu vui chơi này, ngày nào chúng em cũng ra chơi. Nhưng đông bạn nên phải chia nhau lần lượt chơi các trò”, Minh bộc bạch.
Đứng nhìn con vui vẻ bên những trò chơi mới, chị Lò Thị Piếng cũng vui lây. Chị bảo: “Từ hôm có sân chơi, ngày nào cháu cũng về nhà muộn. Nhưng tôi lại thấy yên tâm hơn, vì biết con có điểm vui chơi an toàn và phù hợp với lứa tuổi”.
Chị Piếng có 3 con đều trong độ tuổi đi học. Mỗi dịp nghỉ hè, gia đình lại lo nơm nớp. Bởi người lớn đều bận bịu với công việc đồng áng nên không có nhiều thời gian giám sát, quản lý con. Trong khi đó, các cháu còn nhỏ tuổi, hiếu động, thường rủ nhau chơi nhiều trò mạo hiểm, nguy cơ tai nạn, thương tích cao, như: Trèo cây, nghịch dao, tắm sông…
Chia sẻ về điểm vui chơi này, ông Lường Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, cho biết: Công trình do Tỉnh đoàn Điện Biên trao tặng và được đặt tại Nhà văn hóa xã. Đây là khu vực tập trung nhiều trẻ và thuận tiện trong đi lại. Đoàn thanh niên xã được giao nhiệm vụ quản lý và bảo quản duy trì điểm vui chơi.
Theo phân tích của ông Thế, trên địa bàn xã có sông Mã chạy qua, cùng hệ thống ao hồ dày đặc nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra đuối nước. Do vậy, quản lý, đảm bảo an toàn cho trẻ mỗi dịp hè không còn là việc riêng của mỗi gia đình, mà là nỗi lo chung của chính quyền địa phương. Trên thực tế, những năm qua đã ghi nhận nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra.
“Từ ngày được bàn giao, khu vực này luôn thu hút đông đảo trẻ em các lứa tuổi tham gia. Mặc dù giá trị không lớn, song chúng tôi đánh giá cao ý nghĩa của công trình. Vừa giúp trẻ em địa phương có điểm chơi an toàn, tránh xa các nguy cơ tai nạn thương tích. Đồng thời, cũng giúp nhiều phụ huynh yên tâm hơn để tập trung lao động sản xuất”, ông Thế nói.
Còn theo anh Quàng Văn Thiêm, Phó Bí thư Đoàn xã Nà Nhạn (TP Điện Biên Phủ), 2 khu vui chơi cho trẻ em mới được bàn giao tại bản Nà Ngám và Nà Nhạn. Các công trình đều đặt tại sân nhà văn hóa bản, tập trung đông dân cư, có nhiều học sinh, trẻ em.
“Đây là 2 bản đầu tiên của xã có điểm vui chơi. Trước đây, vào dịp hè, trẻ ở 2 bản này thường chạy nhảy ở các khu vực gần sông suối, đường quốc lộ rất nguy hiểm. Từ khi lắp đặt khu vui chơi, các em rất thích, hàng ngày đều tập trung về chơi đông vui. 12 bản còn lại đều mong muốn có được điểm vui chơi an toàn như vậy”, anh Quàng Văn Thiêm bộc bạch.
Lực lượng đoàn viên, thanh niên lắp đặt công trình điểm vui chơi tại xã Nà Nhạn (TP Điện Biên Phủ). |
Từng bước hạ nhiệt
Theo anh Hạng A Giàng, Chánh Văn phòng Tỉnh đoàn Điện Biên, đây là công trình vui chơi dành cho trẻ em thứ 6 được khánh thành từ đầu năm đến nay. Mỗi công trình được xây dựng với nguồn kinh phí khoảng 15 – 20 triệu đồng, cùng công sức thiết kế, lắp đặt của lực lượng đoàn viên thanh niên địa phương.
“Tại nhiều địa bàn trong tỉnh, nhất là ở vùng cao hiện còn thiếu trầm trọng sân chơi cho trẻ, đặc biệt vào mỗi dịp hè. Đó là lý do thời gian qua các cấp đoàn địa phương tập trung đầu tư xây dựng công trình điểm vui chơi mới đặt tại khu dân cư. Với mong muốn tạo ra sân chơi lành mạnh, an toàn để thu hút, giúp các em tránh xa mối nguy hiểm khác”, anh Hạng A Giàng cho hay.
Không chỉ tranh thủ nguồn đầu tư hoặc tự nguyện đóng góp và huy động tổ chức, cá nhân, các cấp đoàn Điện Biên còn linh hoạt sáng tạo bằng nhiều hình thức, để thiết kế các đồ dùng, khu vui chơi an toàn, lý thú cho trẻ. Đơn cử như: “Hành trình thứ 2 của lốp xe” do Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp triển khai. Các mô hình điểm vui chơi đơn giản, an toàn, của Huyện đoàn Mường Ảng…
“Từ năm 2018 đến nay, chúng tôi thực hiện 12 điểm vui chơi cho trẻ tại nhà văn hóa các tổ dân phố, bản; 2 sân bóng đá (san mặt bằng, lắp khung thành, lưới, tài trợ bóng và đèn thắp sáng) tại khu vực vùng cao. Mặc dù, kinh phí còn hạn chế, các điểm vui chơi chưa có nhiều thiết bị nhưng cũng tạo sức hút với nhiều trẻ em đến sinh hoạt, vui chơi”, chị Ngô Thị Hải Yến, Bí thư Huyện đoàn Mường Ảng cho hay.
Tùy vào nguồn lực huy động được mà các công trình khu, điểm vui chơi cho thiếu nhi có tổng kinh phí đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, sân chơi được công nhận phải đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn về an toàn, có tối thiểu từ 5 hạng mục, thiết bị vui chơi.
Chia sẻ điều này, anh Lò Xuân Hạnh, Trưởng ban Thanh, thiếu nhi trường học (Tỉnh đoàn Điện Biên) đồng thời thông tin: Các sân chơi hiện có tại địa phương gồm cầu trượt, bập bênh, thú nhún, xích đu, cầu lắc, xà đơn xà kép... Mỗi điểm đều được lực lượng đoàn viên thanh niên bỏ công sức, kinh phí để láng nền xi măng hoặc tạo mặt bằng đảm bảo an toàn. Mặc dù mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu thực tế, song đã giúp trẻ em ở mỗi địa bàn có công trình thêm những mùa hè ý nghĩa và an toàn hơn.
Từ năm 2017 đến nay, các cấp đoàn Điện Biên đã thực hiện và phối hợp thực hiện, đưa vào sử dụng trên 160 sân chơi cho thanh, thiếu nhi khắp địa bàn trong tỉnh. Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, có thêm 6 sân chơi được hoàn thành, bàn giao tại các huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Điện Biên, TP Điện Biên Phủ.