Bí quyết chinh phục Olympic Vật lý của nam sinh Bắc Giang

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đạt huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á khi đang học lớp 11, Thân Thế Công khiêm tốn: đó là nhờ sự chỉ bảo của thầy cô và học tập từ bạn bè.

Thân Thế Công sôi nổi thực hiện bài tập trong giờ học.
Thân Thế Công sôi nổi thực hiện bài tập trong giờ học.

Đam mê từ hàng vạn câu hỏi vì sao

Thân Thế Công lớp 12 chuyên Lý (năm học 2023 -2024), trường THPT Chuyên Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) bày tỏ, em đã trải qua nhiều tháng học áp lực, khó khăn nhưng cũng đầy đáng nhớ khi được tiếp xúc với kiến thức mới, rèn luyện dưới sự chỉ bảo của thầy cô giỏi và học tập kinh nghiệm từ bạn bè.

“Ngoài đạt huy chương, em còn học được kinh nghiệm làm bài, cách trình bày rõ ràng, vẽ hình đầy đủ, liệt kê số liệu và khắc phục thói quen làm tắt trước đây. Ngoài ra, thầy cô cũng nhắc nhở, góp ý, giúp em tự tin hơn, bình tĩnh đọc kỹ đề và đưa ra cách giải nhanh chóng…”, Thân Thế Công bộc bạch.

Theo Công, để học tốt môn Vật lý, mọi người cần nền tảng toán tốt, tư duy vật lý. Hiểu các hiện tượng vật lý, cần nhạy bén. Ngay từ cấp 2, em đã tò mò, thắc mắc về các hiện tượng tự nhiên và tìm cách trả lời các câu hỏi tại sao trời mưa, tại sao có cầu vồng, làm thế nào để có điện…

Bên cạnh kiến thức sách vở, hỏi thầy cô, em tự đọc thêm tài liệu, xem clip giải thích trên mạng. Dần dần, đam mê với Vật lý lớn dần trong em.

Thân Thế Công (áo đỏ) trong giờ học.

Thân Thế Công (áo đỏ) trong giờ học.

“Ngoài các môn trên lớp, em luôn dành thời gian cho môn Vật lý. Lên cấp 3, em dành thời gian ôn thi vào đội tuyển Olympic. Có nhiều hôm, gặp bài khó, kiến thức mới, đến 3 giờ sáng, em không ngủ được, cố gắng nghĩ cách giải nhưng sau đó mệt quá thiếp đi lúc nào không biết.

Không bỏ cuộc, sáng hôm sau, em tới lớp rất sớm, nhờ thầy cô giải đáp. Em cố gắng học tập, trau dồi tiếng Anh để sau này trở thành nhà nghiên cứu vật lý hoặc kỹ sư điện…”, Thân Thế Công chia sẻ.

Bản lĩnh Việt trước các cường quốc học thuật

Bất ngờ xem lẫn vui mừng, thầy Nguyễn Văn Đóa, giáo viên chuyên Lý, trường THPT Chuyên Bắc Giang, cho biết việc Thân Thế Công đoạt huy chương Đồng chứng tỏ khả năng chịu áp lực, kiến thức rất tốt và bản lĩnh thi tài trước các thí sinh đến từ các cường quốc như: Trung Quốc, Nhật Bản, Nga…

Đánh giá Thân Thế Công trẻ tuổi nhất nhưng lại xuất sắc giành huy chương châu Á, thầy Đóa cho biết điều đó đạt được do sự nhanh nhạy trong các hiện tượng vật lý, nắm bắt được vấn đề và giải quyết toán học tốt của học sinh này.

“Tuy nhiên, như nhiều bạn học, Công cũng còn đôi lúc tính toán nhầm, đọc lướt những câu dễ dẫn tới mất điểm. Sau đó, tôi sẽ ngồi lại trao đổi, góp ý để em hoàn thiện hơn”, thầy Vật lý nói.

Thân Thế Công hứng thú chinh phục với những bài học khó.

Thân Thế Công hứng thú chinh phục với những bài học khó.

Thầy Đoá cho biết, môn Vật lý không đơn giản là làm nhiều bài tập mà còn phải có niềm đam mê và nền tảng tư duy toán học, liên tục đặt câu hỏi vì sao. “Hiện tượng vật lý đã có, các em phải làm bài tập kiến thức chung rồi mới đào sâu vào tiểu tiết. Quan trọng nhất là ghi nhớ kiến thức tổng quát và bản chất vật lý, cộng thêm rèn luyện tư duy toán học để nhanh chóng đưa ra kết quả…”, thầy Đóa nói.

Từ câu chuyện của Công, thầy Đóa cho biết thời gian tới, các thầy cô sẽ động viên em phấn đấu học tập, đổi màu huy chương. Đánh giá nền tảng tâm lý và kiến thức của Công rất tốt, thầy giáo dạy Vật lý này kỳ vọng em cải thiện được những thiếu sót, phát huy phẩm chất và trở thành tấm gương cho các bạn xung quanh.

Trương Hồng Vân, bạn học của Thân Thế Công, chia sẻ, Công thông minh, tư duy logic, có cách giải bài rất hay, đồng thời còn dành thời gian giảng bài, phụ đạo cho các bạn khác trong lớp. “Từ thành tích của Công, em và các bạn có động lực phấn đấu học hành, giành được nhiều kết quả cao trong học tập…”, Vân nói.

Vinh danh công dân ưu tú

Trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy Trần Duy Phương, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Bắc Giang, khẳng định xác định các kỳ thi HSG là mũi nhọn của trường nên các kế hoạch bồi dưỡng đội tuyển có ngay từ đầu năm học. Trên cơ sở đó, nhà trường, thầy cô sẽ có phương án hỗ trợ các đội thi. “Ngay từ đầu, các đội phấn đấu, quyết tâm đạt giải cao để có động lực phấn đấu…”, thầy Phương nói.

Thầy Trần Duy Phương - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bắc Giang chia sẻ với Báo GD&TĐ.

Thầy Trần Duy Phương - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bắc Giang chia sẻ với Báo GD&TĐ.

Thầy Phương đánh giá, Thân Thế Công thông minh, giản dị, thật thà, đam mê với môn Vật lý. Ngoài giờ trên lớp, các thầy cô quan sát em thường tự tìm tòi kiến thức, mở rộng ngoài bài tập thầy cô giao qua các khoá học trên mạng.

“Công được gia đình, nhà trường ở bên động viên, hỗ trợ em vượt qua khó khăn, để được thành tích tốt nhất…”, thầy Phương bày tỏ.

Vừa qua, cả hai thầy trò (thầy Nguyễn Văn Đóa và em Thân Thế Công) vinh dự được tặng danh hiệu: Công dân Bắc Giang ưu tú năm 2023. Cụ thể, thầy Nguyễn Văn Đóa là giáo viên xuất sắc trong bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG). Năm học 2022 - 2023, có 9/9 học sinh đoạt giải quốc gia. Đặc biệt có 1 học sinh đoạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương và 1 học sinh đoạt Huy chương Bạc Olympic Vật lý châu Âu. Thầy Đóa vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen.

Còn em Thân Thế Công đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi chọn HSG. Năm học 2022 - 2023, đoạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương; được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.