Ông Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam khẳng định điều này khi trao đổi với phóng viên báo Giáo dục & Thời đại.
* Ông đánh giá như thế nào về các tác phẩm tham dự Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2020?
- Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2020 nhận được sự tham gia tích cực của giới báo chí cả nước. Các tác phẩm tham dự giải lần này phản ánh sống động về hoạt động của ngành Giáo dục trong năm học 2019 - 2020.
Theo dòng chảy đó, báo chí nói chung, các tác phẩm tham dự Giải năm nay nói riêng đã phản ánh đa chiều, sâu sắc về những hoạt động, những vấn đề thời sự giáo dục. Trong đó có cả những vấn đề “nóng”, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ.
Đó là Lễ khai giảng đầy xúc động trên đỉnh Ngọc Linh – một lễ khai giảng đơn sơ nhưng vô cùng ấm cúng, thấm đượm tình thầy – trò và chạm đến tận cùng của cảm xúc. Đó là câu chuyện về tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục, mà ở đó vẫn còn nhiều bất cập, rất cần có giải pháp căn cơ.
Đó còn là “Năm học đáng nhớ” với vô vàn khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, nhưng toàn ngành Giáo dục đã chủ động, nỗ lực quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học, sẵn sàng các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới…
Đó còn là câu chuyện về trường chuyên với những cuộc đua khốc liệt và tốn kém. Với cái nhìn đa chiều, sắc bén, tác giả đã phản ánh sâu sắc về công tác tuyển sinh vào trường chuyên và những cuộc bàn luận “nảy lửa” trên cộng đồng mạng cũng như trên báo chí về mô hình trường chuyên.
Có thể nói, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” đã có sức lan tỏa sâu rộng trong “làng báo” nói riêng và xã hội nói chung. Qua đó đã thu hút đông đảo các phóng viên, nhà báo chuyên và không chuyên trên mọi miền của Tổ quốc gửi tác phẩm tham gia dự Giải.
* Từ những tác phẩm dự thi, ông đánh giá như thế nào về quá trình tác nghiệp của các phóng viên, nhà báo?
- Năm nay là một năm rất đặc biệt đối với Việt Nam và ngành Giáo dục khi phải đương đầu, vượt qua đại dịch Covid-19. Toàn ngành giáo dục đã chuyển sang dạy – học trực tuyến với phương châm “Tạm dừng đến trường, nhưng không dừng việc học”. Trong điều kiện khó khăn, nhưng các nhà giáo vẫn nỗ lực khắc phục, vượt qua để việc học của học sinh không bị gián đoạn.
Các tác phẩm được trao giải thể hiện tinh thần lao động sáng tạo, tinh thần trách nhiệm rất cao của nhà báo đối với nền giáo dục nước nhà. Báo chí đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm đồng hành cùng với ngành Giáo dục; đồng thời nhân lên niềm tin của xã hội với giáo dục.
Đó là trách nhiệm rất lớn đối với báo chí, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, với rất nhiều nhiệm vụ mới.
Xin cảm ơn ông!