Giải bài toán sinh viên đáp ứng chưa tốt yêu cầu vị trí việc làm

GD&TĐ - Một số trường đại học gắn đào tạo với thực tế, để doanh nghiệp đồng hành trong hoạt động giảng dạy… đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Giờ thực hành của sinh viên Khoa Y Dược - Trường ĐH Trà Vinh. Ảnh: TG
Giờ thực hành của sinh viên Khoa Y Dược - Trường ĐH Trà Vinh. Ảnh: TG

Tuy nhiên, không nhiều trường làm được điều này nên doanh nghiệp dường như vẫn đứng ngoài, chỉ tuyển dụng sau tốt nghiệp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới sinh viên đáp ứng chưa tốt yêu cầu vị trí việc làm.

Điểm cao chưa đủ

Trường Đại học Ngoại thương nằm trong tốp đầu đào tạo các ngành học kinh tế. PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo cho hay: Trường có những đổi mới, đầu tư trong xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, rèn luyện… Điều này để đảm bảo sinh viên khi tốt nghiệp không chỉ sở hữu thành tích học tập tốt mà còn có khả năng tiếp cận nhanh môi trường công việc, trên nguyên tắc xuyên suốt: Căn bản, mở, linh hoạt.

Cách thức cởi mở và thúc đẩy sự sáng tạo trong triển khai mọi hoạt động của nhà trường góp phần tạo ra những sinh viên xuất sắc, năng động, trách nhiệm, bản lĩnh, học hỏi và thích ứng nhanh môi trường làm việc hiện đại trong nước và quốc tế. Trong hoạt động đào tạo, giảng viên và sinh viên luôn đồng hành để cùng đạt hiệu quả cao nhất.

Điểm tốt nghiệp cao có quyết định chất lượng làm việc tốt sau này không? Bởi thực tế điểm cao chỉ là một trong những tiêu chí bảo đảm thành công khi ra trường. Ở Trường Đại học Trà Vinh, quan điểm, chất lượng sinh viên tốt nghiệp phản ánh hiệu quả công việc thông qua 3 yếu tố quan trọng: Kiến thức, kỹ năng và thái độ người học được trang bị. Điều này được nhà trường xác định rõ trong chuẩn đầu ra từng chương trình đào tạo cũng như học phần giảng dạy cho sinh viên.

Để thực hiện, nhà trường xây dựng triết lý: Trên cơ sở năng lực được đào tạo phù hợp thực tế, có đạo đức, trách nhiệm, người học sẽ phát triển cá nhân và xã hội tốt hơn; còn điểm số là giá trị định lượng, đo mức độ đạt chuẩn đầu ra của người học. Nhưng các kỹ năng mềm trong đó có sự đồng hành của doanh nghiệp sẽ giúp các em có khả năng thích ứng nhanh với môi trường và công việc. Điều này chỉ doanh nghiệp tham gia mới giúp các em có được.

Sự đồng hành của doanh nghiệp, yếu tố làm nên thành công của sinh viên. Ảnh minh họa: TG

Sự đồng hành của doanh nghiệp, yếu tố làm nên thành công của sinh viên. Ảnh minh họa: TG

Doanh nghiệp đồng hành

GS.TS Phạm Tiết Khánh - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Trà Vinh cho biết: Để sinh viên tốt nghiệp có thể tiếp cận và duy trì khả năng làm việc lâu dài còn chịu tác động bởi các yếu tố khác và cần phải được trang bị. Như trong thời kỳ hội nhập, việc thành thạo ngoại ngữ giúp ứng viên để lại ấn tượng ban đầu tốt, cơ hội có được vị trí mà đang ứng tuyển cao hơn. Kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ thành thạo, khả năng ứng dụng và xử lý các tình huống nghề nghiệp thực tế giúp sinh viên duy trì việc làm.

Kỹ năng mềm cũng là một trong những yếu tố đáng quan tâm. Sinh viên được trang bị kỹ năng mềm sẽ tự tin, năng động hơn và xác suất có việc làm sau khi tốt nghiệp cao hơn. Mặt khác, thái độ nghề nghiệp, ý thức trong công việc nhất là tính kiên nhẫn, trung thực, cầu thị, không ngừng nỗ lực và linh hoạt thích ứng trong mọi hoàn cảnh cũng là những yếu tố quyết định chất lượng công việc và sự nghiệp lâu dài của sinh viên sau tốt nghiệp.

Theo GS.TS Phạm Tiết Khánh, điểm số cao chỉ là một trong các yêu cầu đặt ra, thực tế sinh viên cần có sự đồng hành của doanh nghiệp để quen việc. Thấy được yêu cầu này, thời gian qua, Trường Đại học Trà Vinh đã ký kết hợp tác với hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện trường có 15 chương trình đào tạo được triển khai theo mô hình Co-op, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp; sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp chiếm tỷ lệ cao (có ngành chiếm tỷ lệ 100%).

“Ở Trường Đại học Trà Vinh, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí và trực tiếp tham gia vào hoạt động tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, xây dựng, chỉnh sửa chương trình đào tạo định kỳ, đánh giá chất lượng sinh viên, hỗ trợ học bổng trong quá trình học, tọa đàm theo kế hoạch của khoa và tham gia hướng dẫn, đánh giá sinh viên khi thực tập tại doanh nghiệp. Sinh viên được trải nghiệm nghề nghiệp thực tế tại doanh nghiệp như một nhân viên sẽ tăng khả năng thích nghi; cơ hội tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp cũng cao hơn”, GS Phạm Tiết Khánh cho biết.

Nói về sự đồng hành của doanh nghiệp với nhà trường, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội chia sẻ: Để đưa doanh nghiệp vào trường đòi hỏi sự nỗ lực của hai bên. Cũng may nhiều doanh nghiệp lĩnh vực này là sinh viên cũ của trường nên hiểu và nhiệt tình đồng hành.

“Chúng tôi chủ động đưa sinh viên đến với doanh nghiệp. Đặc biệt các nhà khoa học của trường khi nhận đề tài, đề án bên ngoài đều đưa trò theo vừa để học hỏi vừa làm quen với công việc. Điều này lý giải vì sao sinh viên của trường tốt nghiệp có thể vào việc ngay.

Tôi cho rằng, doanh nghiệp nên đồng hành cùng nhà trường, có thế mới đưa hoạt động đào tạo sát yêu cầu đặt ra. Về phía Nhà nước cũng cần có quy định để doanh nghiệp khi sử dụng lao động phải trả mức phí cho sản phẩm đào tạo của các trường. Như hiện nay, doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động mà không có trách nhiệm với hoạt động đào tạo của các trường”, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cho biết.

Doanh nghiệp tham gia cùng nhà trường trong quá trình đào tạo là chủ trương được Bộ GD&ĐT đưa ra nhiều năm nay. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn lực chất lượng cao theo nhu cầu mà nhà trường còn giải quyết việc làm cho sinh viên, cập nhật chuẩn đầu ra phù hợp cho từng chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động thực tế.

Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp chưa có sự đồng hành đúng nghĩa, để cùng nhà trường tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu. Khó trường nào đảm bảo sinh viên tốt nghiệp là giỏi việc ngay bởi đây là yêu cầu khó đáp ứng. Đồng hành với nhà trường và có trách nhiệm khi dùng lao động là yêu cầu cần đặt ra với doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.

Tin đăng tài xế tại Vieclam24h du học nhật bản Bí quyết tìm việc nhanh