Đồng thời, xây dựng trường mới cũng phải quan tâm đến bố trí giáo viên; trong khi biên chế bị khống chế, thậm chí phải tinh giản.
Thừa, thiếu chỗ học cục bộ
Năm học 2023 - 2024, Hà Nội tuyển 78.623 học sinh vào các trường THPT công lập (chiếm tỷ lệ 60,9%), tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học trước. Con số này dù cao nhưng vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu học tập tại trường THPT công lập nội đô của một bộ phận không nhỏ phụ huynh và học sinh.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Thành phố có đa dạng loại hình học tập ở cấp THPT gồm: Trường công lập, trường tư thục, trung tâm GDNN-GDTX và trường nghề. Nếu tính tổng chỗ học/số lượng học sinh thì Hà Nội không thiếu chỗ học.
Tuy nhiên, do phân bố dân cư không đồng đều, trong 12 khu vực tuyển sinh tại Hà Nội, dễ dàng nhận thấy: Khu vực tuyển sinh nào thuộc nội thành, sức cạnh tranh cũng luôn mạnh và điểm chuẩn vào các trường THPT cũng rất cao với nhiều trường thuộc tốp đầu.
Điển hình, khu vực tuyển sinh số 3 (Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa) hàng chục năm qua được đánh giá là nóng nhất vì trên địa bàn 3 quận này có nhiều chung cư, dân số đông, nhu cầu học tập cao. Kế đến, là các khu vực tuyển sinh số 1 (Ba Đình, Tây Hồ), khu vực tuyển sinh số 2 (Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm); khu vực tuyển sinh số 4 (Hoàng Mai, Thanh Trì).
Còn lại, các khu vực tuyển sinh thuộc ngoại thành, việc vào lớp 10 khá đơn giản vì diện tích rộng, có điều kiện xây nhiều trường lớp trong khi dân số thưa. Đặc biệt, ở vị trí xa trung tâm, khu vực tuyển sinh số 8 (Ba Vì, Phúc Thọ, Sơn Tây) thường xuyên có trường phải áp dụng chính sách tràn tuyến do không tuyển đủ chỉ tiêu.
Tỷ lệ phân bố trường THPT công lập ở nội thành và ngoại thành không đồng đều; chất lượng giáo dục ở các khu vực này cũng khác nhau dẫn đến khoảng cách về điểm chuẩn giữa các trường ngày càng lớn. Tâm lý chung của phụ huynh là muốn con học trường công lập nhưng lại không cho con em đi học xa. Đây là lý do dẫn đến việc nhiều học sinh nội thành trải qua kỳ thi rất áp lực mà vẫn không vào được trường công.
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ: Hà Nội là địa phương hằng năm đầu tư rất lớn cho phát triển trường lớp. Tuy nhiên, song song với việc đầu tư xây dựng mới trường lớp thì còn phải nâng cấp, sửa chữa, từ đó kinh phí đầu tư bị san sẻ khiến cho phần đầu tư mới chưa tương xứng với nguồn lực.
Bên cạnh đó, cần phải có quỹ đất để đầu tư xây dựng trường học, đây là điều không đơn giản ở đô thị lớn như Hà Nội. Đồng thời, khi xây dựng trường mới cũng phải quan tâm đến bố trí giáo viên; trong khi biên chế giáo viên bị khống chế, thậm chí phải tinh giản. Những bài toán này làm cho việc phát triển thêm trường lớp tại Hà Nội không đơn giản.
Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội được đánh giá là căng thẳng hơn thi đại học. |
Đề xuất cơ chế đặc thù
Để giải quyết tình trạng thừa thiếu chỗ học cục bộ trong bối cảnh học sinh tốt nghiệp THCS vẫn tiếp tục tăng mạnh qua từng năm, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của thành phố và các cấp, các ngành còn rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu, định hướng cho con chọn lựa ngôi trường phù hợp từ phía các phụ huynh.
Để công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT trong thời gian tới được thuận lợi, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép thành phố áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tại các quận và một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành từ năm học 2023 - 2024.
Cụ thể, cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường); cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp); cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh... Về lâu dài, ưu tiên đầu tiên là dành quỹ đất để xây thêm trường công lập, nhất là tại khu vực nội đô, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Cùng với đó là đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm GDNN-GDTX; đầu tư, phát triển trung tâm GDNN-GDTX thành Trung tâm đào tạo học tập suốt đời, chất lượng cao; cho phép thí điểm liên kết đào tạo với trường đại học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân Thủ đô.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc đầu tư xây dựng trường THPT công lập đã và đang được thành phố Hà Nội quan tâm. Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đã phê duyệt 7 dự án xây dựng và thành lập mới các trường THPT tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
Bên cạnh giải pháp tăng cường đầu tư xây dựng và thành lập mới, cải tạo sửa chữa các trường học, đẩy nhanh tiến độ triển khai 7 dự án trường liên cấp, Sở GD&ĐT Hà Nội tập trung tham mưu thành phố rà soát các ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học và trong các khu đô thị; tham mưu thành phố cho thu hồi các dự án chậm tiến độ trong việc xây dựng trường học giao lại cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường công lập.
Giải pháp xây thêm trường, cải tạo trường đã có, song đi cùng với đó luôn là áp lực tăng dân số khi các “đại đô thị” đang trong quá trình xây dựng và sẽ đưa vào sử dụng trong tương lai gần. Nếu Hà Nội không đồng bộ triển khai quyết liệt các giải pháp, bao gồm cả xây thêm trường và thực hiện phân luồng sau THCS thật tốt, câu chuyện hàng ngàn học sinh 7 điểm mỗi môn vẫn trượt công lập tiếp tục sẽ tái diễn.
UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo các trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư cấp thành phố có 139 dự án với tổng mức đầu tư 8.873 tỷ đồng, trong đó có 16 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT, 123 dự án đầu tư cho các trường hiện có.