Mục đích hướng tới nhằm trang bị cho HS những phẩm chất chủ yếu và các năng lực cốt lõi theo xu thế phát triển giáo dục quốc tế hiện nay.Quy hoạch mạng lưới gắn với đảm bảo chất lượng
Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, một trong những điều kiện cơ bản đó là việc mở rộng mạng lưới trường học, giảm sĩ số học sinh/lớp. Là địa phương có áp lực về mức độ tăng dân số khá cao, nên để đáp ứng yêu cầu dạy học tiên tiến, ngành GD-ĐT Thủ đô đã có những quyết sách để phát triển hệ thống trường lớp.
Ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Năm học 2016 - 2017, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục được ổn định và phát triển mạnh. Mạng lưới trường lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.
Cũng theo ông Chử Xuân Dũng, năm học 2017 - 2018, GD Thủ đô tiếp tục rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GD phổ thông. Đối với khu vực nội thị, quy hoạch trường, lớp theo hướng mở rộng ra khu vực ngoại thành để khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông do thiếu quỹ đất.
Đặc biệt để giảm tải bớt áp lực về trường lớp và sĩ số học sinh, ngành GD-ĐT Thủ đô cũng sẽ chú trọng tăng cường xã hội hóa để thành lập mới các trường tư thục chất lượng cao; phát triển trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư.
Riêng đối với các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ngành sẽ có lộ trình sắp xếp điểm trường, lớp hợp lý, trong đó chú ý đối với cấp học mầm non và tiểu học: Phát triển số lượng trường học đạt chuẩn, phù hợp với quy hoạch để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Đồng thời, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác dự báo về phát triển trường lớp, đội ngũ phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền trong toàn thành phố.
Đội ngũ giáo viên làm nòng cốt quá trình đổi mới
Ngành GD-ĐT Thủ đô đã có sự chuẩn bị trong vấn đề phát triển về số lượng và chất lượng của đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Hà Nội là địa phương đi tắt đón đầu trong việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới vào năm học 2018 - 2019, xác định nhiệm vụ then chốt là tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.
Trao đổi về vấn đề này, ông Chử Xuân Dũng cho biết: Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhà giáo, ngành.
GD-ĐT Hà Nội đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quyết định số 2315/QĐ-UBND phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.
Đặc biệt Sở GD-ĐT Hà Nội chú trọng tới công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với chức danh nghề nghiệp được chú trọng, tập trung vào một số nội dung như: Nâng cao chuẩn về trình độ đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, bồi dưỡng tin học theo chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, bồi dưỡng ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Trong năm học 2017 - 2018, ngành GD-ĐT Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.
Cụ thể Sở GD&ĐT sẽ rà soát, điều chỉnh và tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng đội ngũ; Tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu đào tạo nhân lực của ngành và đáp ứng nhu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông.
Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng thường xuyên đến từng nhà trường, từng giáo viên. Quan tâm phát triển đội ngũ tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán các bộ môn, giáo viên chủ nhiệm lớp, của tổ chức Đoàn, Hội, Đội, gia đình và cộng đồng trong việc quản lý, giáo dục toàn diện.
Tăng cường các hình thức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học: Tiếp tục mở rộng liên kết đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy song ngữ đối với các môn khoa học tự nhiên trong trường THPT; Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý và giáo viên. Thực hiện đầy đủ kịp thời chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục…