Quy hoạch mạng lưới trường, lớp để tạo bước phát triển cho GD

GD&TĐ - Cùng với các địa phương khác trong cả nước, ngay từ đầu năm học 2016 - 2017, thực hiện Chỉ thị năm học của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tỉnh Sơn La đang tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp học cho phù hợp với điều kiện của một tỉnh miền núi khó khăn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong tỉnh.

Quy hoạch mạng lưới trường, lớp để tạo bước phát triển cho GD

Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện “Quy hoạch phát triển GD&ĐT giai đoạn 2008 - 2020” có điều chỉnh, bổ sung, trong đó “Tổ chức lại các trường PTDTNT THCS và THPT cấp huyện giai đoạn 2016 - 2020 và các năm tiếp theo”. Không chỉ là một Đề án trọng điểm, đó còn là “kim chỉ nam” để định hướng phát triển cho GD&ĐT Sơn La giai đoạn này.

Nỗ lực đưa HS về trường trung tâm

Thực hiện chủ trương này, Sở GD&ĐT Sơn La đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong giáo viên, phụ huynh HS và nhân dân thấy rõ được việc rà soát, quy hoạch, sáp nhập nhằm giảm các điểm trường lẻ để tạo điều kiện cho HS được học tập trong môi trường giáo dục tốt nhất, tạo ra những điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Hoàng Tiến Đức – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh - cho biết: Trong học kỳ 1 năm học 2016 – 2017 với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, Sở đã sắp xếp, bố trí về trung tâm 111 điểm trường lẻ của bậc học mầm non, tiểu học, THCS (giảm 4,2% so với tổng số điểm trường, lớp lẻ của tỉnh) với 2.985 HS được chuyển về. Về đội ngũ, đã điều động 145 giáo viên từ các điểm trường lẻ tăng cường cho các trường trong khu vực huyện, thành phố. Đặc biệt quan trọng trong công tác này là không có trường hợp giáo viên nào bị mất việc; Tư tưởng của cán bộ, giáo viên rất yên tâm, tập trung công tác và đồng tình với chủ trương này.

Về phía HS và phụ huynh đã nghiêm túc thực hiện và phấn khởi, tin tưởng vào công tác sắp xếp, sáp nhập trường, lớp của ngành. Mặc dù phải đi học xa nhà hơn và ở bán trú tại trường nhưng HS được hưởng lợi về các điều kiện cơ sở vật chất, được sự quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ giúp đỡ nhiều hơn của giáo viên và các tổ chức chính trị - xã hội.

Sau khi thực hiện đưa các lớp học mầm non, phổ thông từ các điểm lẻ về điểm trường chính; công tác giáo dục, chăm sóc trẻ được thuận tiện hơn, HS được học tập trong một môi trường tốt hơn, đầy đủ hơn về cơ sở vật chất; tạo điều kiện tốt cho công tác giáo dục toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường này. “Qua đó có thể thấy rằng, đây là giải pháp căn cơ, toàn diện nhất để nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn của các huyện miền núi trong tỉnh” - Ông Đức khẳng định.

Từ nay đến năm 2020, Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tuyên truyền cho phụ huynh và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hiểu và nắm được hiệu quả, tác dụng tốt trong công tác này nhằm thực hiện tốt hơn nữa việc giảm điểm trường lẻ, giảm số HS phải học ở điểm trường lẻ để từ đó tiết kiệm được biên chế giáo viên, tăng cường việc HS được học 2 buổi/ngày tăng cường chất lượng nuôi dạy bán trú nhằm nâng cao đời sống của HS tại trường trung tâm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại trường, từng bước nâng chất lượng giáo dục đại trà, tạo nền tảng vững chắc cho giáo dục mũi nhọn phát triển đồng đều ở các vùng, miền toàn tỉnh.

Củng cố hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú

Ông Hoàng Tiến Đức chia sẻ: Thực hiện điều chỉnh, bổ sung “Quy hoạch phát triển GD-ĐT giai đoạn 2016 - 2020” của tỉnh Sơn La đã mở ra cơ hội mới, đó là: Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCHT.Ư Đảng Khóa XI, tạo ra bước phát triển mới cả về qui mô và chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng Tây Bắc và cả nước.

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, mạng lưới trường lớp học của tỉnh sẽ được hoàn thiện với 294 trường mầm non (tăng 31 trường), 573 trường phổ thông (tăng 23 trường). Thành lập thêm 8 trường PTDTBT cấp tiểu học và 10 trường PTDTBT cấp THCS tại trung tâm xã, cụm xã ở địa bàn có nhiều khó khăn, giao thông cách trở; nâng tổng số toàn tỉnh lên 70 trường PTDTBT. Mở rộng quy mô, tăng chỉ tiêu tuyển sinh các trường PTDTNT tỉnh và huyện phù hợp với nhu cầu đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số của địa phương. Nâng cấp 11 trường PTDTNT huyện đang đào tạo trình độ THCS lên cấp THPT, đảm bảo 100% huyện có trường PTDTNT THPT để tăng tỷ lệ HS người dân tộc thiểu số được học trong các trường PTDTNT theo chủ trương của Chính phủ tại Quyết định số 1379/QĐ-TTg về phát triển GD&ĐT và dạy nghề các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 – 2020.

Trung ương cần gỡ “nút thắt” cho giáo dục Sơn La phát triển

Theo ông Hoàng Tiến Đức: Trong quá trình thực hiện các chương trình, đề án quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp học, ngoài chương trình mục tiêu GD&ĐT, Sơn La đã lồng ghép hiệu quả nhiều nguồn vốn khác để tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học cho các trường PTDTNT. Từ giai đoạn khi bắt đầu khởi động Đề án tổ chức lại các trường PTDTNT, Sơn La mới có 2 trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia, cho đến nay đã có 7 trường đạt chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đề ra trong “Quy hoạch phát triển GD&ĐT giai đoạn 2016 - 2020”, khó khăn lớn nhất của tỉnh Sơn La là còn thiếu nhiều nguồn lực đầu tư. Theo kế hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho GD&ĐT Sơn La đến năm 2020 cần trên 23,6 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, là một tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn nên Sơn La rất cần Trung ương hỗ trợ đầu tư hàng năm cho các đề án trong quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp học.

Trong giải pháp huy động nguồn lực, đầu tư bổ sung cơ sở vật chất để thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ này, Sơn La đã đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ tỉnh thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đến năm 2020; tiếp tục thực hiện Đề án phát triển giáo dục ở 5 huyện nghèo của tỉnh theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ; Triển khai các dự án đầu tư công, các Chương trình mục tiêu cho giáo dục giai đoạn 2016 - 2020. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm ưu tiên đầu tư để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học và tiếp tục chỉ đạo giải quyết về tình trạng thiếu biên chế giáo viên ở các cấp học; bổ sung các chính sách ưu tiên cho giáo dục tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ