Đáp ứng nhu cầu
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại Bắc Ninh - thủ phủ công nghiệp tại miền Bắc có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn ở các lĩnh vực thuộc công nghiệp số như: Điện tử, vi mạch bán dẫn, tự động hóa, cơ khí chính xác, công nghiệp sửa chữa bảo dưỡng chăm sóc ô tô… Đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp lớn như: Samsung, Goertek, Luxshare-ICT, Canon, Foxconn, Fushan, LG display…
Theo TS Vũ Quang Khuê, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), bám sát cơ cấu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, nhà trường là chủ lực chính đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực về công nghiệp, công nghiệp điện tử, tự động hóa. Đây là cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang đào tạo hai nghề chuẩn quốc tế theo định hướng tiêu chuẩn của CHLB Đức. Đó là nghề gắt gọt kim loại (cơ khí chính xác) và nghề điện tử công nghiệp với hai lớp chất lượng cao (CLC), khoảng 35 - 50 sinh viên/lớp/khóa học.
Các lớp CLC được xây dựng với mô-đun chương trình đào tạo chuyển giao từ bang Erfurt, thông qua tổ chức hợp tác quốc tế GIZ, học tập theo chương trình chuẩn CHLB Đức. Tại đây, sinh viên được học tập với phương pháp đào tạo dự án. Mỗi mô-đun đào tạo tương ứng với tổ hợp năng lực đáp ứng ngay vị trí việc làm, công nghệ tại doanh nghiệp.
Đơn cử, sinh viên hoàn thành mỗi mô-đun thì các em thiết kế và lắp đặt, điều khiển được các trạm cơ điện tử, kết nối Internet để điều khiển và giám sát, vận hành qua mạng.
“Năm nay, trường tổ chức tốt nghiệp cho khóa đầu tiên nghề cắt gọt kim loại với 30 sinh viên, 100% các em có việc làm, thu nhập 12 - 15 triệu đồng/tháng...”, TS Khuê nói.
Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh kết hợp với doanh nghiệp như: Goertek, Hitachi ABB, Symkos… cùng tuyển sinh, mở lớp đào tạo cho doanh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp sinh viên được doanh nghiệp ký hợp đồng (lương bậc 2) so với ứng viên khác. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tại chỗ, nhà trường vẫn dành nguồn lực cung ứng nhân lực CLC cho các doanh nghiệp lớn như: Samsung, Luxshare-ICT, Canon, Foxconn, LG display…
TS Vũ Quang Khuê chia sẻ, đối với các lớp đào tạo cho doanh nghiệp tuyển sinh từ đầu khóa, doanh nghiệp yêu cầu học lực và hạnh kiểm ứng viên học sinh THPT từ khá, tốt trở lên. Lý do, ngành công nghệ cao đòi hỏi kiến thức nền tảng, ý thức, tác phong công nghiệp.
Lĩnh vực robot công nghiệp, thị giác robot được doanh nghiệp công nghệ, bán dẫn quan tâm, sử dụng đòi hỏi nhân sự trình độ cao. Ví dụ, Công ty Goertek sản xuất và lắp ráp tai nghe không dây, loa điện thoại, thiết bị điện tử trên ô tô có kích thước bé, yêu cầu độ chính xác cao. Vì vậy, công ty yêu cầu vị trí việc làm phải vận hành được quy trình công nghệ tự động hóa tiên tiến, từ đó tăng năng suất, tiết giảm chi phí, giảm sản phẩm lỗi…
TS Vũ Quang Khuê trao đổi với Báo GD&TĐ. |
Chuyển đổi số thành công
ThS Bùi Xuân Đoàn, Trưởng phòng Quan hệ công chúng (Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh), hiện hệ thống GDNN chưa có mã ngành bán dẫn, vi mạch. Bởi cơ sở vật chất khó đáp ứng được yêu cầu cho đào tạo, cũng như doanh nghiệp chưa phối hợp cùng đào tạo.
Trường chủ động đáp ứng các ngành phụ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, ví dụ như: Điện, điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử. Hiện, trường có 70% đội ngũ nhà giáo đảm bảo tiêu chuẩn giảng dạy trình độ CLC và phấn đấu tốp các cơ sở GDNN CLC của Việt Nam.
Theo ThS Đoàn, để chuyển đổi số cũng như đáp ứng yêu cầu công việc, xa hơn là đảm nhiệm tổ trưởng, trưởng xưởng, sinh viên cần được đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng về năng lực số, thiết kế CV và portfolio. Đơn cử năm 2023, hơn 2.000 sinh viên (khoảng 90% tổng số sinh viên) đạt chứng chỉ công dân số trên nền tảng của Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB &XH.
TS Vũ Quang Khuê, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh cho biết thêm, nhà trường triển khai đổi mới về quản trị trường học như quản lý hành chính, quản lý đào tạo và vận hành quy trình số hóa các việc như tuyển sinh, xét đánh giá, khảo thí, đảm bảo chất lượng, thi kiểm tra đánh giá chất lượng, vật tư, tuyển sinh…
“Khi gia nhập thị trường lao động, làm việc ở nhà máy, sinh viên có thể học lại các mô-đun làm việc lưu trữ trên nền tảng đám mây (cloud) máy chủ của nhà trường mà không phải quay lại trường học, tiết kiệm chi phí, thời gian… Đây cũng là cách để nhà trường hỗ trợ, đồng hành doanh nghiệp khi yêu cầu công việc sẽ thay đổi…”, TS Vũ Quang Khuê nói.
Để chuyển đổi số, TS Vũ Quang Khuê lưu ý đến phát triển từng bước trong cơ sở đào tạo. Đơn cử, từ khuyến khích các đề tài nghiên cứu khoa học đến nâng số đề tài số hóa. Năm 2022 tất cả các đề tài đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Năm 2023 là mô-đun đào tạo được số hóa. Năm 2024 hệ thống số các bài giảng và ngân hàng câu hỏi trên nền tảng đào tạo số.
“Trong quá trình cải cách, trường chuyển đổi kép (chuyển đổi số và chuyển đổi xanh). Ví dụ, với nghề hàn, lĩnh vực cơ khí, công nghệ ô tô sinh viên được học qua hệ thống số, hiểu các bước trước khi áp dụng thực tế. Việc này giúp tiết giảm chi phí, vật tư, giảm thiểu carbon thải ra môi trường. Đây mới là phát triển bền vững…”, TS Vũ Quang Khuê cho biết.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Bắc Ninh nhấn mạnh, luôn quan tâm đến hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói riêng và nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào địa phương. Bắc Ninh đang xây dựng, hoàn thiện nghị quyết về chính sách hỗ trợ nhà giáo, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp số giai đoạn 2024 - 2030.