Việc chuyển hướng đào tạo từ “cung” sang “cầu”, gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp được xem là một trong những giải pháp bảo đảm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chuyển từ “cung” sang “cầu”
Tham luận tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”, TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm hạn chế đối với nguồn nhân lực hiện nay. Theo đó, nước ta hiện có nguồn cung lao động dồi dào, khả năng thích nghi cao và được đánh giá là tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và kỹ năng quản lý.
Bên cạnh đó, cơ cấu lao động đang chuyển dịch theo hướng tích cực, khi tỷ lệ lao động tham gia thị trường việc làm trong độ tuổi vẫn duy trì ở mức cao. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp so với khu vực. Từ đó chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động Việt Nam đều đặn được tăng lên.
Theo TS Phạm Xuân Khánh, thị trường lao động vẫn còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động đã qua đào tạo, thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực. Dẫn đến, nhiều doanh nghiệp đã phải thuê lao động nước ngoài.
“Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất nghiệp ngày càng gia tăng của nước ta hiện nay. Các nguồn đầu tư FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu không có sự thay đổi kịp thời về chất lượng đào tạo. Đất nước sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực, mất đi lợi thế về chi phí lao động giá rẻ...”, TS Phạm Xuân Khánh bày tỏ.
Là đơn vị có số lượng lao động chủ yếu là sinh viên, bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Công ty Cổ phần Dịch vụ giải trí Hà Nội (Công viên nước Hồ Tây) cho biết, hàng năm giải quyết việc làm cho từ 200 - 300 người trong độ tuổi lao động.
“Do bị chi phối bởi tính thời vụ, mở cửa từ giữa tháng 4 cho đến cuối tháng 9 (hoạt động chính là tháng 6 và tháng 7). Vì vậy, lực lượng lao động phần lớn là lao động trẻ tuổi như học sinh, sinh viên đang học và mới ra trường làm việc mang tính chất tạm thời và kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn ưu tiên nhân sự có chất lượng cao, đặc biệt nhân sự muốn ổn định gắn bó công việc lâu dài. Nhân sự dài hạn tại công ty đều là những cán bộ, nhân viên có trình độ cao và tâm huyết với công ty”, bà Hồng nói.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I/2024 khoảng 933 nghìn người, tăng 26,4 nghìn người so với quý trước và tăng 47,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
TS Phạm Xuân Khánh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Đặc biệt là các doanh nghiệp đòi hỏi lao động tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Trong đó, áp dụng đồng thời nhiều giải pháp như: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Thường xuyên đổi mới chương trình, giáo trình, đưa các chương trình quốc tế vào giảng dạy. Đổi mới mô hình quản lý, áp dụng CNTT trong toàn bộ quá trình quản lý, đào tạo. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc đồng bộ, hiện đại đảm bảo đủ cho sinh viên, học sinh vừa học, vừa hành, vừa nghiên cứu, sản xuất...
Ảnh minh họa. |
“Thực chiến” trong đào tạo
Trực tiếp đào tạo và phối hợp với nhà tuyển dụng, bà Trần Thị Sim, Trưởng khoa Ngoại ngữ (Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội) cho biết, hiện nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn việc học gắn với doanh nghiệp. Lý giải về điều này, bà Sim lấy ví dụ, sinh viên 9+ (học văn hóa kết hợp học nghề) cơ bản có việc làm sau tốt nghiệp.
“Nhà trường ký kết với các doanh nghiệp, tập đoàn tại Hàn Quốc để đưa học sinh, sinh viên đến làm việc hoặc nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp tại Việt Nam. Mức lương làm việc tại các công ty Hàn Quốc từ 10 - 30 triệu đồng/tháng, mức lương làm thêm du học ở Hàn Quốc từ 39 - 50 triệu đồng/tháng. Làm việc ở Hàn Quốc có các ngành công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, kỹ thuật, làm đẹp lương 50 - 70 triệu đồng, đây là thông tin được các bạn trẻ quan tâm...”, bà Trần Thị Sim chia sẻ.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nhân lực chất lượng cao, TS Phạm Xuân Khánh đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ. Trong đó, chú trọng đầu tư đồng bộ, mở các ngành, nghề mới theo hướng công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn 4.0, ngân sách hỗ trợ mở các nghề mới theo nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Bên cạnh đó, chia sẻ dữ liệu tuyển sinh đại học, xây dựng các chương trình đào tạo cho phép liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức đào tạo.
“Chính phủ xem xét cho phép thành lập doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Khoản 2 Điều 25 Thông tư 15/2021 của Bộ LĐ-TB&XH nhằm gia tăng nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần gia tăng nguồn thu để góp phần giúp các cơ sở đào tạo.
Thành lập trường trong trường, thêm chức năng dạy văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS vừa học nghề, vừa học văn hóa THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…”, TS Phạm Xuân Khánh kiến nghị.
Bên cạnh đó, TS Phạm Xuân Khánh cho rằng, cần thiết thành lập hội đồng kỹ năng ngành, nghề (Industrial Skills Board) trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời chú trọng dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu ngành, nghề, giới tính và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn. Qua đó làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Có thể thấy, trong xu thế hội nhập quốc tế, người lao động - chủ thể tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất phải không ngừng trau dồi, tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề để thích ứng công việc. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc.