Giấc ngủ không chỉ giúp chúng ta khỏe mạnh, mà nó còn giúp cho hoạt động ghi nhớ của bộ não. Não của chúng ta cần giấc ngủ ngon để nhớ được những gì chúng ta đã làm và học trong hai phần ba thời gian khác của cuộc sống khi chúng ta tỉnh táo.
Bên cạnh việc giữ cho chúng ta khỏe mạnh, một số nghiên cứu mới cho thấy rằng ngủ ngon sẽ giúp chúng ta thông minh hơn.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin - Madison của Mỹ đã phát hiện ra rằng giấc ngủ giúp cải thiện hoạt động của não bằng cách làm co lại các khớp thần kinh trong não. Khớp thần kinh là khu vực nơi các tế bào truyền thông điệp tới các tế bào khác, nên khi khớp thần kinh co lại, việc truyền thông điệp này sẽ diễn ra dễ dàng hơn.
Nhà khoa học Chiara Cirelli là một nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Ngủ và Tỉnh thức của trường Đại học Wiscousin - Madison. Cô cho biết rằng ngủ là khi não con người trộn lẫn thông tin mà nó đã học được trong khi tỉnh táo vào bộ sưu tập kiến thức tổng quát. Tuy nhiên, não sẽ quên đi những chi tiết không quan trọng. Việc quên đi này rất quan trọng, vì nó sẽ tạo ra được không gian cho việc học tập những tri thức mới và chứa những kỷ niệm mới.
Cô Cirelli cho biết nghiên cứu của Trung tâm đã bắt đầu với một giả thuyết như thế này: Chúng ta ngủ để bộ não của chúng ta có thể tự sửa chữa và tự làm mới chính nó. Cô nói rằng ý tưởng này khá hợp lý và nghe có vẻ đơn giản. Tuy nhiên, việc tiến hành thử nghiệm và phát hiện ra nó thực sự hoạt động như thế nào lại là vô cùng khó khăn.
Cô Cirelli và giám đốc trung tâm Giulio Tononi đã cố gắng chứng minh mối liên hệ giữa giấc ngủ và các khớp thần kinh của não bắt đầu từ năm 2003. Cô Cirelli cho biết các nhà nghiên cứu biết một sự thật rằng “các khớp thần kinh mạnh hơn cũng lớn hơn”. Vì vậy, họ bắt đầu tiến hành nghiên cứu của họ bằng cách “đo kích thước của khớp thần kinh” trong não.
Bên cạnh đó, họ cũng biết rằng trong suốt giấc ngủ, não kiểm tra tất cả các khớp thần kinh của nó và tự phục hồi cho ngày hôm sau. Nhóm nghiên cứu muốn xem xét xem liệu các khớp thần kinh của não có trở nên lớn hơn sau khi thức giấc cả ngày và nhỏ hơn sau một giấc ngủ đêm ngon hay không.
Làm thế nào để đo được một khớp thần kinh?
Các khớp thần kinh chỉ rộng khoảng 20-40 nanomet. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã đi tìm kiếm những thay đổi diễn ra trong những không gian vô cùng nhỏ bé này giữa các tế bào thần kinh. Cô Cirelli nói rằng quá trình này rất khó khăn vì “tất cả các phép đo thực tế của khớp thần kinh phải được thực hiện thủ công”.
Khi nghiên cứu bắt đầu, công nghệ vẫn chưa theo kịp những kỳ vọng và nhu cầu. Nhóm nghiên cứu đã phải đợi cho đến khi những cải tiến trong công nghệ phòng thí nghiệm làm cho nó có thể nhìn thấy những thay đổi vô cùng bé nhỏ này.
Một báo cáo của Đại học Wisconsin đã gọi nghiên cứu này là “công việc khổng lồ”. Nhiều chuyên gia nghiên cứu đã làm việc trong bốn năm để chụp ảnh, xây dựng lại và nghiên cứu một số vùng não chuột nhất định. Báo cáo cũng cho biết các nhà khoa học đã đo được 6.920 khớp thần kinh.
Cô Cirelli nói họ thấy rằng kích thước và sức mạnh của khớp thần kinh bị “suy sụp” bởi việc tỉnh táo và được hồi phục khi ngủ. Nghiên cứu cho thấy rằng giấc ngủ giữ cho bộ não của chúng ta có thể dẻo dai và có thể tiếp tục học những điều mới.
Cô cho biết thêm rằng các khớp thần kinh của chúng ta co lại khi bộ não của chúng ta tự làm sạch trong thời gian ngủ. Chúng ta thức dậy khi được làm mới và sẵn sàng để lấp đầy những khớp thần kinh đó bằng những thông tin mới.
Các phát hiện trước đó cho thấy rằng không có giấc ngủ các khớp thần kinh của chúng ta không bao giờ co lại. Các nhà nghiên cứu nói rằng vấn đề là “nếu các khớp thần kinh tiếp tục tăng cường, mạnh lên” thì các nơ-ron vốn sử dụng các khớp thần kinh để giao tiếp “sẽ bắt đầu phản ứng quá thường xuyên và quá nhiều”. Điều này có thể dẫn đến hậu quả là quá nhiều tiếng ồn trong não. Các tín hiệu thực và quan trọng có thể bị lạc mất.
Các phát hiện trong nghiên cứu này là kết quả của hơn mười năm làm việc tại Đại học Wisconsin - Madison. Các nhà nghiên cứu công bố những phát hiện của họ trên tạp chí Science.
Cách để có giấc ngủ ngon hơn
Mayo Clinic là một bệnh viện nghiên cứu được kính trọng ở Rochester, Minnesota, Mỹ. Họ đã đưa ra sáu gợi ý để giúp mọi người có được một giấc ngủ ngon như sau:
- Hãy ngủ đúng giờ, việc này sẽ giúp hình thành một thói quen tốt và duy trì đồng hồ sinh học của cơ thể. Cũng đừng ngủ quá muộn vì điều này sẽ ảnh hưởng rất không tốt đến sự phục hồi của não bộ và một số cơ quan khác trong cơ thể.
- Chú ý đến thực phẩm và đồ uống của bạn. Đừng đi ngủ trong tình trạng bị đói hoặc nhồi nhét quá no. Và nhất là cần tránh các chất caffeine, nicotine và cồn trước khi đi ngủ.
- Tạo ra một không gian, một môi trường thật bình tĩnh và yên tĩnh để ngủ, làm cho phòng ngủ của bạn mát mẻ, yên tĩnh và càng tối càng tốt, như thế bạn sẽ có được giấc ngủ ngon và sâu hơn.
- Hạn chế ngủ trưa ban ngày, vì một giấc ngủ trưa kéo dài quá lâu có thể khiến cho bạn bị mất ngủ vào ban đêm.
- Tập thể dục trong ngày, khoa học đã chứng minh thể dục rất tốt cho giấc ngủ của con người, chỉ cần 20 – 30 phút mỗi ngày đã cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ.
- Quản lý những mối lo âu, căng thẳng của bạn. Hãy cố gắng trấn an mọi lo lắng, căng thẳng bạn có thể có trước khi đi ngủ. Bạn có thể viết chúng ra, để chúng ra khỏi đầu của bạn và chỉ còn nằm trên giấy thôi. Bạn cũng có thể dành một vài phút để tổ chức kế hoạch cho ngày hôm sau.
Một cách vô cùng hữu hiệu là bạn hãy tập hít thở sâu, hoặc đến với thiền để làm bình tĩnh lại bộ não không chịu yên tĩnh của bạn. Thiền có thể tạm định nghĩa là suy nghĩ yên tĩnh về những gì đang diễn ra ở khoảnh khắc hiện tại, là một liệu pháp tuyệt vời khiến bạn quên đi mọi lo âu, buồn đau trong cuộc sống hàng ngày.
Đặc biệt, với những người có các vấn đề về sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu – thường xuyên cảm thấy lo lắng, có những suy nghĩ không phù hợp và lo sợ về tương lai – thì thiền định có thể giúp bạn kiểm soát suy nghĩ của mình, xoa dịu bộ não căng thẳng của bạn. Bạn có thể ngồi thiền trước khi đi ngủ, hoặc chỉ đơn giản là hít thở bình thường và tập trung quan sát, chứ không điều khiển, hơi thở tự nhiên ấy cho đến khi bạn chìm dần vào giấc ngủ bằng cách quan sát hơi thở vào ra ở mũi hoặc cử động phồng xẹp ở vùng bụng khi hơi thở vào ra thôi, bạn sẽ thấy hiệu quả thần kì.