Giấc mơ “giữ hồn dân tộc” của A Thui

GD&TĐ - Dưới mái nhà sàn ở thôn Kon Trang Long Loi, những năm qua vợ chồng nghệ nhân A Thui đã và đang nỗ lực duy trì, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nghệ nhân A Thui và Y Nhuih cùng nhau trau dồi tiếng cồng chiêng để dạy lại cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân A Thui và Y Nhuih cùng nhau trau dồi tiếng cồng chiêng để dạy lại cho thế hệ trẻ.

Say mê văn hóa truyền thống

Dưới tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về thôn Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, Kon Tum). Người dân ở đây vẫn đang tất bật với công việc đồng áng. Không khó để hỏi thăm nhà vợ chồng nghệ nhân A Thui (SN 1958) vì dân làng đã quá quen với cái lớp học cồng chiêng của vợ chồng ông. 

Dưới mái nhà sàn, bà Y Nhuih (SN 1968, vợ nghệ nhân A Thui) đang ngân nga bài hát ru. “Ời ời nay ơi… ời ới nay ời…”, giọng hát ru trong trẻo, trầm ấm khiến đứa trẻ trên tay bà Y Nhuih chìm sâu vào giấc ngủ.

Trong nhà là hàng chục loại nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, đàn t’rưng, trống… Bên bếp lửa hồng, bà Y Nhuih khẽ nói để người cháu không giật mình thức giấc: “Mọi người tìm A Thui để xem chiêng à? Ông ấy đi lên rẫy rồi, nhưng về ngay thôi. Mọi người vào nhà uống ngụm nước mát đợi chút nhé”.

Bà Y Nhuih sinh ra và lớn lên ở thôn Kon Trang Long Loi. Từ nhỏ bà thường xuyên được theo bố mẹ đi tham gia các lễ hội văn hóa của dân tộc. Những điệu xoang, tiếng cồng chiêng như đã in sâu vào trong tiềm thức của bà từ những ngày ấu thơ. Yêu thích văn hóa truyền thống của dân tộc nên năm 14 tuổi bà bắt đầu học múa xoang, hát dân ca, đinh bút, hát ru… từ mẹ mình và những người già trong làng.

“Từ khi còn nhỏ, mình được mẹ hát ru để dỗ dành. Những giai điệu của lời hát ru đã in sâu vào tâm thức. Do đó, mình học hát ru, hát dân ca, đinh bút… để hát cho con cháu nghe. Bởi bây giờ những loại nhạc hiện đại được thế hệ trẻ yêu thích hơn. Mình muốn con cháu biết, lưu giữ để văn hoá truyền thống dân tộc không bị mai một”, bà Y Nhuih tâm sự.

Để những điệu xoang, lời hát được vang vọng từ đời này sang đời khác, nghệ nhân Y Nhuih và một số người trong làng đã truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Nhờ vậy trong làng có nhiều em học sinh, người lớn tuổi biết múa xoang, hát dân ca, đinh bút… để thể hiện trong những dịp lễ hội.

“Mình có 6 người con, trong đó 2 người con trai biết đánh chiêng, 3 người con gái giỏi múa xoang. Mình rất vui và tự hào khi các con đam mê văn hóa truyền thống của dân tộc”, bà Y Nhuih chia sẻ. Khi mọi người đang say sưa bên câu chuyện thì chiếc xe máy cà tàng cũng vừa đỗ xịch trước sân nhà. Bà Y Nhuih ngừng kể, nói vọng ra ngoài hiên: “Ông về rồi à, các cô chú ngồi cả buổi đợi ông để tìm hiểu về các loại nhạc cụ dân tộc đấy”.

Nở nụ cười trìu mến chào khách, ông A Thui trầm ngâm kể: “Những ngày còn nhỏ mình được theo ông và bố tham gia các lễ hội văn hóa. Ở đó mình được nghe những người già trong làng đánh cồng chiêng, hát xoang, chơi t’rưng… nên thích lắm.

Thế là sau giờ học mình lại cùng đám bạn chạy vào rừng dùng đầu đạn đã nổ tập đánh theo nhịp chiêng, rồi tự chế đàn t’rưng. Lúc nhỏ mình còn ngại nên cứ trốn rồi học lén cồng chiêng, do đó nhịp điệu sai hết. Năm 13 tuổi mình mới theo người già trong làng học đánh chiêng, tạc tượng…. Đánh được, mình thích lắm”.

Đội xoang biểu diễn trong lễ hội truyền thống dân tộc Rơ Ngao.
Đội xoang biểu diễn trong lễ hội truyền thống dân tộc Rơ Ngao.

Truyền dạy lại cho thế hệ trẻ

Mang từ trong buồng ra hàng chục loại nhạc cụ truyền thống, như: Cồng chiêng, đàn t’rưng, trống… nghệ nhân A Thui khoe “Đây là gia tài của gia đình mình đó. Chẳng có tiền bạc nào có thể mua được”.

Nâng niu “báu vật” của mình trên đôi tay chai sạn, ông A Thui cho hay, vào năm 2000 khi thấy văn hóa dân tộc dần bị mai một, ông quyết tâm học, ghi chép lại các bài chiêng, t’rưng… để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.

Đến nay ông thuộc được hơn 10 bài chiêng truyền thống như: Đâm trâu, cúng lúa mới, cúng nước giọt… Bên cạnh đó, ông biết chơi đàn t’rưng, ting ning, tạc tượng gỗ, hát dân ca, đinh bút… Không chỉ vậy, mỗi khi chiêng bị lạc nhịp, ông A Thui có thể tự chỉnh, lấy lại nhịp điệu cho cồng chiêng.

“Để văn hóa dân tộc không bị mai một, năm 2017 mình và một số nghệ nhân trong làng, phối hợp cùng chính quyền các cấp thành lập CLB dân gian. Đến nay, CLB đã có 42 thành viên, từ độ tuổi học sinh đến trung niên.”, ông A Thui nói.

Tiếp lời chồng, nghệ nhân Y Nhuih rạng ngời nói: “Ngoài hát, múa xoang mình còn rất thích tiếng cồng chiêng của dân tộc. Do đó, mình nhờ A Thui dạy cho để hai vợ chồng cùng truyền dạy thế hệ trẻ. Giai điệu cồng chiêng là nét văn hóa truyền thống từ lâu đời của ông bà để lại được sử dụng trong các dịp lễ do đó không thể bị mai một được”.

Từ ngày gắn bó với giai điệu dân tộc, ông A Thui đã truyền dạy lại cho 26 người già, 65 người trẻ về các loại nhạc cụ. Cứ tối đến, dưới căn nhà sàn nhỏ của vợ chồng, từng tốp học sinh lũ lượt kéo đến để học. Hai vợ chồng ông A Thui chia nhau, vợ dạy múa xoang, hát còn chồng dạy cồng chiêng, đàn t’rưng, trống… Cứ thế, lời hát cùng tiếng chiêng, tiếng đàn hòa vào nhau tạo nên những giai điệu lúc trầm, khi bổng.

“Mình rất vui và tự hào khi nhiều cháu học sinh đam mê văn hóa dân tộc. Ngày nào cũng vậy, các cháu đều tập trung ở nhà mình để học hát, cồng chiêng. Nhiều cháu say mê, học đến khuya vẫn không chịu nghỉ nên mình chuẩn bị chăn, màn cho các cháu ở ngủ lại nhà. Có những cháu lanh lợi, cảm âm tốt nên học nhanh lắm. Có khi các cháu còn đánh giỏi hơn cả mình nữa.

Biết sử dụng loại nhạc cụ dân tộc nào mình đều truyền dạy lại cho những người yêu thích mà không giữ riêng cho bản thân. Quãng đời còn lại mình sẽ tiếp tục đi học hỏi, trau dồi để chỉ lại cho những người đam mê văn hóa dân tộc. Mình hy vọng văn hóa truyền thống sẽ được lưu truyền đến tận nhiều đời sau. Qua đó, văn hóa của cha ông để lại sẽ được người dân trong nước và ngoài nước biết đến”, ông A Thui tươi cười nói.

Với những đóng góp của mình trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, ông A Thui vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian (cồng chiêng, đàn Tơ rưng), trí thức dân gian (chỉnh chiêng). Còn bà Y Nhuih được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực cồng chiêng và múa xoang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.