Giấc mơ bán thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm

GD&TĐ - Nhiều năm trước, thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được cho là 'thực phẩm của tương lai'.

Các lò phản ứng sinh học nuôi cấy tế bào thịt.
Các lò phản ứng sinh học nuôi cấy tế bào thịt.

Tuy nhiên, hiện Singapore và Mỹ đã cấp phép tiêu thụ sản phẩm này. Giấc mơ bán thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đang trở nên rõ nét.

Thực phẩm của tương lai

Hồi tháng 6, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã phê duyệt việc sản xuất và bán thịt gà của Upside Foods và Good Meat, hai công ty sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm; phân phối cho các siêu thị và nhà hàng.

Quyết định trên đưa Mỹ trở thành quốc gia thứ 2 sau Singapore hợp pháp hóa thịt nuôi cấy, thúc đẩy sự phát triển của ngành khoa học này. Hiện nay, thịt nuôi cấy cũng được phát triển bởi hơn 150 công ty với số tiền đầu tư là 896 triệu USD, chỉ tính riêng năm 2022.

Sau đó một tháng, các thực khách tại San Francisco và Washington DC, là những người đầu tiên tại Mỹ thưởng thức thịt sản xuất trong phòng thí nghiệm. Món ăn được giới khoa học đánh giá là “thực phẩm của tương lai”.

Ông David Kaplan, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp tế bào, Đại học Tufts (Mỹ), giải thích: Thịt nuôi cấy được phát triển từ mẫu tế bào của gia súc, gia cầm, sau đó cung cấp dinh dưỡng và nuôi trong các lò phản ứng sinh học, cuối cùng chế biến thành thực phẩm có vẻ ngoài và hương vị như thịt thật.

Bước đầu tiên để tạo ra thịt nuôi cấy là thu thập tế bào động vật, thường thông qua sinh thiết động vật còn sống, mới bị giết mổ hoặc chiết xuất từ trứng đã thụ tinh. Các tế bào này được đặt trong môi trường nuôi cấy thường là bình thép khổng lồ, gọi là lò phản ứng sinh học, để chúng tự do nhân lên. Quy mô sản xuất thịt nuôi cấy là rất lớn.

Những tế bào được sử dụng là tế bào gốc, với khả năng hình thành hầu hết mọi bộ phận của động vật. Số khác là tế bào vệ tinh. Một số tế bào có thể sinh sản khoảng 30 - 50 lần trước khi làm sinh thiết mới. Điểm đặc biệt là các tế bào có thể sinh sôi nảy nở vô tận mà không cần bổ sung mô động vật mới.

Sản phẩm cuối cùng sẽ là miếng thịt có hình dáng, mùi, vị và cảm giác giống như thịt thật với nguồn cung vô tận. Điều này giúp giảm bớt số lượng động vật đang bị nuôi giết trên thế giới.

Ước tính, khoảng 70 tỷ động vật trên cạn bị giết thịt làm thực phẩm mỗi năm, trong đó, gà chiếm đa số. Việc nuôi nhốt và giết thịt động vật có thể gây tác động lớn đối với môi trường. Ô nhiễm nông nghiệp có thể ảnh hưởng đến nước mặt, nước ngầm và nền công nghiệp chăn nuôi gây 15% phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Về lý thuyết, thịt nuôi cấy có thể giải quyết nhiều hoặc tất cả những vấn đề trên. Báo cáo của Viện Thực phẩm Good chỉ ra thịt nuôi trồng, nếu được sản xuất bằng năng lượng tái tạo, sẽ phát thải khí carbon thấp hơn 92% so với thịt bò và 44% so với thịt lợn.

Thêm vào đó, công nghệ cho phép kiểm soát đầu vào và đầu ra nhiều hơn. Đơn cử, trong quá trình sản xuất, thịt được tạo ra với thành phần axit béo lành mạnh hơn, giảm việc sử dụng kháng sinh hay các hóa chất khác, vốn xuất hiện trong quá trình chăn nuôi truyền thống.

Còn bà Claire Bomkamp, nhà khoa học về thịt và hải sản nuôi trồng tại Viện Thực phẩm Good, lưu ý với thịt nuôi cấy, việc tiêu thụ sẽ trở nên đa dạng hơn hiện nay. Con người có thể tận hưởng những loại thực phẩm không còn phổ biến. Ví dụ, chúng ta có thể ăn cá ngừ vây xanh được sản xuất trong phòng thí nghiệm mà không lo ngại làm cạn kiệt quần thể hoang dã này.

Một mẫu thịt được sản xuất trong phòng thí nghiệm tại Đại học Maastricht, Hà Lan.

Một mẫu thịt được sản xuất trong phòng thí nghiệm tại Đại học Maastricht, Hà Lan.

Cái kết của ngành chăn nuôi

Tuy nhiên, việc nuôi cấy thịt trong phòng thí nghiệm không phải là không có nhược điểm. Điều này dẫn đến những tranh luận gay gắt trong thời gian gần đây.

Về đặc điểm môi trường, ông Macro Springmann, nhà khoa học môi trường tại Đại học Oxford (Anh), chia sẻ, sản xuất thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm thải ra môi trường lượng khí thải carbon gấp 5 lần so với thịt gà. Như vậy, ngành sản xuất này không thể coi là lựa chọn bền vững với môi trường.

Bên cạnh đó là những bất đồng về việc sử dụng thịt nhân tạo nếu xét trên khía cạnh như tôn giáo, đạo đức... Trên thực tế, hương vị và mùi của thịt nuôi cấy gần như không thể phân biệt với hàng thật nhưng chúng không thể đạt đến kết cấu của thịt thật.

Ngoài ra, khó có thể kết luận giá trị dinh dưỡng của thịt nuôi cấy và thịt truyền thống có giống nhau hay không. Lý do cho sự không chắc chắn là việc sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm phức tạp, tốn kém.

Hầu hết thông tin đều thuộc sở hữu của các công ty đầu tư phát triển công nghệ nên có ít mẫu vật để phân tích và nghiên cứu độc lập. Phần lớn dữ liệu có sẵn cho đến nay là lý thuyết hoặc dựa trên thông tin do chính các công ty sản xuất cung cấp.

Thịt nuôi cấy còn có giá thành cao hơn đáng kể so với thịt truyền thống. Theo một khảo sát, chi phí sản xuất thịt bò nuôi trong phòng thí nghiệm nhiều gấp 8 lần thịt bò từ phương pháp nuôi truyền thống; từ đó, đẩy giá thành thực phẩm này lên cao.

Đến nay, vẫn chưa rõ liệu thịt nuôi cấy có khả năng thay thế hoàn toàn thịt truyền thống hay không. Trên thực tế, nhiều người tiêu dùng đã bày tỏ họ không muốn dùng thử, thậm chí không muốn “xóa sổ” thịt truyền thống, để chuyển sang các sản phẩm thay thế khác.

Tuy nhiên, sản phẩm thịt nuôi cấy có thể tiếp cận những người dùng quan tâm đến phúc lợi động vật hoặc tìm cách giảm lượng khí thải carbon trong chế độ ăn hàng ngày.

Vì lý do trên, tác động của thịt nuôi cấy lên ngành chăn nuôi truyền thống chưa thực sự rõ nét. Tuy nhiên, trong tương lai, các nhà khoa học cảnh báo thịt nuôi cấy có thể làm giảm số lượng chăn nuôi gia súc gia cầm trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt trên thế giới.

Ngành chăn nuôi có thể giảm quy mô nhưng không biến mất vĩnh viễn ngay cả trong bối cảnh thế giới chuyển sang sử dụng thịt nuôi cấy vì những tế bào để sản xuất ra loại thực phẩm này vẫn cần lấy nguồn cung từ các đàn gia súc gia cầm.

Theo NatGeo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ