Sáng 31/10, lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước cho hay, trong lần điều chỉnh giá xăng dầu tới đây (dự kiến vào ngày 3/11), giá xăng dầu dự kiến sẽ tiếp tục giảm nhẹ.
“Tính chung trong chu kỳ vừa qua, giá xăng dầu nhập khẩu giảm so với trước đó, trong đó có khoảng 7 ngày giá nhập giảm và 4 ngày giá tăng.
Đến chiều hôm qua (30/10), ước tính giá xăng có khả năng giảm 500 - 600 đồng/lít, dầu giảm khoảng 300 - 400 đồng/lít”, lãnh đạo một doanh nghiệp phía Nam nói.
Vào lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 19/10, giá xăng giảm khoảng 136 đồng/lít, xuống còn 18.003 đồng/lít trong khi giá dầu tăng từ 222 - 445 đồng/lít.
Mặc dù điều chỉnh giá xăng dầu được đánh giá là khá “khớp” với xu hướng giá nhập trên thế giới, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, giá xăng dầu khó giảm sâu do phải gánh nhiều thuế phí và chi phí, vốn chiếm quá nửa so với giá gốc nhập về.
Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm do Trung tâm Thương mại và Công nghiệp (VITIC) mới công bố cho thấy, giá xăng nhập khẩu, tính đến tháng 9/2015 đã giảm 40,29% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 38,78% so với 9 tháng năm 2014.
Trong đó, giá xăng RON 92 nhập khẩu từ Singapore ở mức 495 USD/tấn, giảm 86 USD/tấn so với tháng trước và giảm tới 396 USD/tấn so với tháng 9/2014. RON 95 ở mức 598 USD/tấn, giảm tới 460 USD/tấn so với tháng 9/2014.
Trong khi đó, cùng thời điểm này, giá bán lẻ xăng trong nước đối với mặt hàng xăng RON 92 và RON 95 chỉ giảm tương ứng hơn 23%.
Chia sẻ với báo chí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc giá xăng dầu trong nước tăng hoặc giảm nhỏ giọt trong khi giá xăng dầu thế giới giảm mạnh đã "bất hợp lý một cách bình thường” với điều hành giá xăng dầu trong nước hiện nay.
Theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp xăng dầu đang lãi lớn và tích cực đẩy mạnh bán hàng qua đại lý. Doanh nghiệp bán được nhiều hàng, thu về nhiều tiền nên Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp đã tăng lên, điển hình như Quỹ bình ổn của Petrolimex giữa hai lần điều hành giá xăng dầu (3/10 và 19/10) tăng tới 110 tỷ đồng (đạt 1.940 tỷ đồng).
TS Lê Đăng Doanh nói ngắn gọn: “Giá xăng thế giới giảm không ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường Việt Nam mà phải qua các biện pháp hành chính. Đó là điều chúng ta cần xem xét”.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, dù khá khớp với xu hướng chung rồi nhưng mức giá lên xuống của giá xăng dầu vẫn không tương xứng với thế giới.
“Nước mình, giá xăng dầu không hoàn toàn theo giá thế giới bởi ngân sách phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ xăng dầu nên khi giá thế giới xuống mà các khoản thu tăng thì giá vẫn tăng thôi”, ông Phong nói./.