Kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8/3

'Gia tài' ngọt ngào

GD&TĐ - Bác sĩ Phạm Thị Thuỳ Dương đã mang đến niềm hạnh phúc vô bờ bến cho rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.

Bác sĩ Dương luôn trở thành người thân đồng hành cùng những cặp vợ chồng hiếm muộn. Ảnh: NVCC
Bác sĩ Dương luôn trở thành người thân đồng hành cùng những cặp vợ chồng hiếm muộn. Ảnh: NVCC

Mười năm chuyên sâu về hỗ trợ sinh sản với kiến thức chuyên môn cao, bác sĩ Phạm Thị Thuỳ Dương, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Hồng Ngọc, đã mang đến niềm hạnh phúc vô bờ bến cho rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.

Trái tim loạn nhịp

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc bệnh nằm ở độ tuổi dưới 30. Thống kê của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy, mỗi năm có khoảng một triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, chiếm tỷ lệ khoảng 7,7%. Tình trạng vô sinh, hiếm muộn đang ngày càng gia tăng, trẻ hóa về độ tuổi.

Là chuyên gia lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm (IVF), nhưng cũng là một phụ nữ, người mẹ, bác sĩ Phạm Thị Thùy Dương, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Hồng Ngọc, hiểu rõ hơn ai hết “sức nặng” đến từ trách nhiệm của người làm nghề y.

Bác sĩ Dương hiểu rằng, trong số nhiều thiên chức khác nhau, thiên chức quan trọng nhất của người phụ nữ là được làm vợ, làm mẹ. Nhưng đối với các bà mẹ hiếm muộn, điều giản đơn đó lại trở thành khát khao, mong ước và phải nỗ lực suốt cả một chặng đường để hiện thực hóa. Con đường ấy đôi khi dài đằng đẵng và đầy chông gai, thử thách có thể khiến các cặp đôi hiếm muộn gục ngã bất cứ lúc nào.

“Những ai từng trải qua cảm giác mong ngóng con từng ngày trong suốt nhiều năm, hy vọng để rồi lại thất vọng không biết bao nhiêu lần sẽ hiểu được rõ nhất cảm xúc vỡ òa khi được bế con mình trên tay. Không giống như suy nghĩ của nhiều người, thụ tinh ống nghiệm (IVF) không phải “ăn cchắ” mà đó là một quá trình gian nan và đầy thử thách. Để bế được con trên tay, các cặp vợ chồng phải gặp bác sĩ khoảng 30 lần”, bác sĩ Phạm Thị Thùy Dương tâm sự.

Chọn và theo đuổi chuyên ngành điều trị vô sinh hiếm muộn, bác sĩ Dương cho rằng, không phải cơ duyên mà là duyên nghiệp. “Ngay từ khi còn rất trẻ, tôi đã từng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng buồn đau, hờn tủi, nhất là người vợ khi mãi vẫn chưa thể thực hiện thiên chức làm mẹ. Chứng kiến những nghịch cảnh ấy, sâu trong tiềm thức, tôi đã có suy nghĩ sau này sẽ theo đuổi chuyên ngành thai sản để giúp cho những số phận kém may mắn”, bác sĩ Dương xúc động nói.

Mỗi khi một đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc trái tim nữ bác sĩ này loạn nhịp vì hạnh phúc cùng bệnh nhân. Hơn 10 năm điều trị hiếm muộn, chị không thể nhớ chính xác đã thực hiện thành công bao nhiêu ca. Song, điều mà nữ bác sĩ nhớ nhất là những nụ cười trên gương mặt của các cặp đôi vợ chồng hiếm muộn đã trải qua quá trình vất vả để có thể ẵm trên tay thiên thần nhỏ bé do mình sinh ra.

Bác sĩ Dương tâm niệm, mỗi ca hỗ trợ sinh sản thành công có 2 cuộc đời được “viết lại”. Ảnh: NVCC

Bác sĩ Dương tâm niệm, mỗi ca hỗ trợ sinh sản thành công có 2 cuộc đời được “viết lại”. Ảnh: NVCC

Viết lại những cuộc đời

Bác sĩ Dương cho biết, nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn có thể xuất phát từ vợ hoặc chồng. Thậm chí từ cả vợ và chồng. Tuy nhiên, trong quá trình can thiệp, người phụ nữ phải hy sinh nhiều thứ. Họ hy sinh thời gian, công việc và cả sức khỏe. Vì vậy, mỗi sự quan tâm, lo lắng, sẻ chia với các bà mẹ hiếm muộn đều mang ý nghĩa rất quan trọng.

Bên cạnh đó, những bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn thông thường bản thân họ có một bệnh lý nào đó mới gây ra tình trạng này. Vì vậy, ngay cả khi họ đậu thai thì việc gìn giữ, chăm sóc thai kỳ cũng khó khăn hơn so với một thai kỳ bình thường rất nhiều.

Do vậy, bác sĩ Dương xác định bản thân chị phải là người đồng hành với bệnh nhân. Ngoài việc điều trị, chị Dương coi bệnh nhân cũng như người thân của mình.

“Đối với tôi, việc có thể giúp cho những bệnh nhân hiếm muộn thụ thai thành công không chỉ ngừng lại ở chặng đầu mà quan trọng là phải đến khi mẹ tròn con vuông. Có những thai kỳ của bệnh nhân rất thuận lợi, nhưng cũng có những thai kỳ có nguy cơ cao, tôi cũng lo lắng cùng bệnh nhân, giúp họ làm thế nào để bảo vệ, chăm sóc mầm sống tốt nhất. Tôi luôn coi bệnh nhân như người thân của mình, cố gắng hết sức vì bệnh nhân thì không có gì là không thể vượt qua được”, bác sĩ Dương chia sẻ.

Theo nữ bác sĩ, sau khi khám và có chỉ định làm IVF, người phụ nữ cần làm kích trứng trong 9 - 11 ngày. Suốt thời gian này phải tiêm thuốc liên tục. Sau đó, trứng được lấy ra, đồng thời người chồng cũng được lấy tinh trùng để làm phôi. Bước cuối cùng của quá trình thụ tinh ống nghiệm là chuyển phôi. Đầu tiên, phôi được kiểm tra để chọn những phôi khỏe nhất cho chuyển giao.

Mười tuần đầu sau khi đã chuyển phôi là giai đoạn mang tính quyết định để bảo vệ mầm sống vừa mới được hình thành. Các loại thuốc sẽ được bác sĩ sử dụng để tăng khả năng giữ thai.

Bác sĩ Dương chia sẻ: “Bất cứ bước nào cũng có thể phát sinh vấn đề đe dọa làm thất bại toàn bộ quá trình. Do đó, với các gia đình hiếm muộn thì đây là một sự thử thách tâm lý rất lớn. Phải đến khi bế con trên tay, bệnh nhân và cả chúng tôi mới có thể thở phào, tận hưởng trọn vẹn niềm vui”.

Nữ bác sĩ tâm niệm, mỗi một ca hỗ trợ sinh sản thành công không chỉ là chào đón thêm một sinh linh đến với thế giới này, mà còn có 2 cuộc đời được “viết lại”.

Là người trực tiếp phụ trách những ca vô sinh hiếm muộn, bác sĩ Dương nhận thấy mỗi trường hợp tới khám là một hoàn cảnh khác nhau. Nhưng họ đều giống nhau ở tâm trạng buồn bã, đau khổ, bất lực và tuyệt vọng trên hành trình đằng đẵng tìm con. Nhiều người trong số đó tâm sự thật thà với bác sĩ là họ muốn bỏ cuộc.

Được tiếp xúc với bệnh nhân, nghe những tâm sự của họ, bác sĩ Dương càng thấy được tầm quan trọng của nghề. “Với tôi cũng như tất cả các đồng nghiệp, bất cứ ca điều trị thành công nào cũng cảm thấy rất vui, hạnh phúc và tự hào vì chúng tôi đã biến những điều tưởng như không thể thành có thể”, nữ bác sĩ chia sẻ.

Bác sĩ Phạm Thị Thùy Dương - Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Hồng Ngọc. Ảnh: NVCC

Bác sĩ Phạm Thị Thùy Dương - Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Hồng Ngọc. Ảnh: NVCC

“Gia tài” lớn sau tấm áo blouse

Ca thụ tinh nhân tạo (IVF) đầu tiên thực hiện thành công ở trung tâm là khoảnh khắc ấn tượng, khó có thể lu mờ trong sự nghiệp bác sĩ Phạm Thị Thùy Dương. Đó là cặp vợ chồng đã kết hôn hơn 4 năm mà vẫn chưa có con. Người vợ hao gầy với khao khát được làm mẹ. Trên hành trình đi tìm niềm hạnh phúc ấy, chị vợ chỉ lủi thủi một mình vì người chồng cho rằng khỏe mạnh, không bệnh, không khám.

Kết quả kiểm tra cho thấy sức khỏe của người vợ bình thường. Để tìm ra căn nguyên vô sinh, bác sĩ Dương đã phải nhiều tháng trời kiên trì thuyết phục chồng của người phụ nữ ấy tới khám. Trời đã không phụ lòng người, sau nhiều lần nói chuyện và phân tích, người chồng của chị phụ nữ kia đã chịu tới làm tinh dịch đồ. Kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy anh không có tinh trùng. Nhưng may mắn, khi xét nghiệm máu thì kết quả cho thấy người chồng vẫn có hi vọng có tinh trùng.

Bác sĩ đã thực hiện chọc tinh hoàn lấy tinh trùng của người chồng để thực hiện IVF cho người vợ. Kỳ diệu là cặp vợ chồng này đã thành công ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên. Hạnh phúc vô bờ là một bé trai và một bé gái chào đời khỏe mạnh.

“Giai đoạn trước, ngành hỗ trợ sinh sản còn chưa phát triển, những kiến thức về vô sinh còn rất hạn chế, phụ nữ luôn bị coi là thủ phạm khi gia đình muộn con. Họ phải sống trong sự chỉ trích của mọi người và cả chính sự dằn vặt của bản thân mình. Người vợ trẻ mà tôi kể may mắn có cơ hội được làm mẹ của 2 bé kháu khỉnh sau khi làm IVF, nhưng ngoài kia vẫn còn đó rất nhiều người phụ nữ chịu tiếng oan… không biết đẻ thay chồng”, nữ bác sĩ trăn trở.

Mở album ảnh trong điện thoại chứa đầy ảnh chụp các em bé kháu khỉnh cùng lời nhắn cảm ơn từ gia đình, bác sĩ Dương khoe với chúng tôi rằng đó là “tài sản” lớn nhất mà chị có được kể từ khi khoác lên mình áo blouse.

Trong phòng làm việc, bức ảnh của cặp vợ chồng bế em bé IVF cũng được bác sĩ Dương treo ở vị trí trang trọng nhất. “Việc gắn bó với chuyên ngành điều trị vô sinh hiếm muộn không phải là cơ duyên mà đó là duyên nghiệp. Tôi quyết tâm theo nghề vì đã từng chứng kiến những buồn đau, hờn tủi của người thân yêu trong gia đình, khi không thể thực hiện thiên chức làm mẹ”, bác sĩ Dương nói.

“Trên con đường theo đuổi ước mơ làm cha, mẹ, các cặp đôi hiếm muộn nên tìm cho mình một người “bạn đồng hành”. Người bạn đồng hành ấy là bác sĩ mà mình tin tưởng để cùng vượt qua và sẻ chia từng cung bậc cảm xúc. Có như vậy, từng chặng đường trên chuyến hành trình ấy mới bớt gập ghềnh, chông gai”. - Bác sĩ Phạm Thị Thùy Dương, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Hồng Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ