Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Thị Thu Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trưởng khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên), trên hành trình nghiên cứu, nhà khoa học nữ còn gặp nhiều khó khăn, cần có giải pháp, cơ chế nâng cao vai trò, vị thế... của họ.
Tình cờ và đam mê
- Mơ ước làm kinh tế, vậy cơ duyên nào khiến bà gắn bó với giảng đường và phòng thí nghiệm?
“Tôi nhận thấy, phụ nữ có khác biệt khi làm nghiên cứu khoa học. Họ làm không vì để “thăng quan, tiến chức” hay “quyền cao, chức trọng”. Phụ nữ xác định làm nghiên cứu khoa học thì hầu hết vì đam mê. Có những người quên cả việc gia đình, thiên chức làm vợ, làm mẹ để tập trung cho khoa học và có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội”. - PGS.TS Trần Thị Thu Hà
- Tôi đến với nghiên cứu khoa học vì đam mê lẫn tình cờ. Đầu tiên tôi không chọn nghề giáo. Thời điểm thi đại học, tôi chọn ngành kinh tế với mơ ước sau này kiếm nhiều tiền.
Tuy nhiên, tôi không trúng tuyển ngành này, nên quyết định học Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên). Khi tốt nghiệp, tôi được nhà trường giữ lại và trở thành giảng viên. Với tôi, nghề chọn người và tôi đến với nghề dạy học như sự tình cờ.
Từ nhỏ, tôi chưa ý thức mình sẽ trở thành nhà khoa học; thậm chí không biết khoa học là gì. Trong thời gian học đại học, tôi nỗ lực, phấn đấu không ngừng. Sau đó, tôi được đi học nước ngoài và “dấn thân” vào con đường nghiên cứu khoa học cho đến nay. Càng làm, tôi càng thấy say mê và muốn cống hiến hết mình.
Lĩnh vực tôi nghiên cứu là lâm nghiệp nên thường phải đi rừng, đến vùng cao, sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Nói chung vất vả, gian nan trên mọi phương diện. Vì thế, nếu không có đam mê, nỗ lực thì khó có thể “bám trụ” nghề này, nhất là nữ giới.
- Bà nhìn nhận ra sao về vai trò, sự đóng góp của nhà khoa học nữ trong sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo?
- Phải nói rằng, nhà khoa học nữ có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo nước nhà. Hơn nữa, những nhà khoa học nữ ảnh hưởng rất lớn đến nữ sinh của đất nước.
So với trước đây, số và chất lượng nhà khoa học nữ của Việt Nam được cải thiện. Tuy nhiên, nhìn rộng ra các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan, Malaysia hay Philippines thì số lượng nhà khoa học nữ của chúng ta còn khiêm tốn. Trong trường đại học, viện nghiên cứu những nước này, nhà khoa học nữ thường ở vị trí viện trưởng hoặc trưởng khoa, trưởng bộ môn… và tỷ lệ này cao hơn so với nam giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì ngược lại.
PGS.TS Trần Thị Thu Hà (thứ 6 từ trái qua phải) tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023. Ảnh: NVCC |
Nhiều rào cản
- Phải chăng, phụ nữ làm nghiên cứu khoa học gặp nhiều khó khăn và thách thức hơn nam giới?
- Đó là thực tế cần nhìn nhận thấu đáo để từng bước tháo gỡ. Đâu đó vẫn còn quan niệm, phụ nữ nên dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, nuôi dạy con cái. Quan niệm có phần “định kiến” về giới như vậy vô hình trung tạo rào cản phụ nữ đến với con đường nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, phụ nữ Việt Nam thường có đức tính hy sinh vì gia đình, chồng, con. Họ thường lựa chọn gia đình là ưu tiên số 1, công việc, sự nghiệp, khoa học xếp sau dù sâu thẳm “ngọn lửa” đam mê luôn cháy bỏng. Thời kỳ trẻ trung, sung sức nhất để nghiên cứu khoa học, phụ nữ vẫn phải làm tròn bổn phận làm vợ, mẹ.
Một phụ nữ nào đó thành công trên đường công danh, sự nghiệp nhưng quan niệm xã hội trước tiên vẫn đánh giá từ góc độ gia đình: Gia đình của cô ấy có hạnh phúc, êm ấm hay không, con cái ngoan ngoãn, thành đạt thế nào?... Vì thế, phụ nữ phải cân bằng hai vai: Gia đình và sự nghiệp. Để đạt được vị trí như nam giới thì họ phải nỗ lực, cố gắng ít nhất gấp hai lần.
Ngoài ra, phụ nữ gặp nhiều rào cản từ xã hội. Ví dụ, một nam và nữ giới có trình độ tương đương, xin vào làm việc cùng vị trí công tác. Nhiều lãnh đạo sẽ lựa chọn nam giới vì cho rằng họ làm tốt hơn nữ và không vướng bận gia đình, con cái.
Tất cả vấn đề trên vô hình trung khiến số lượng nhà khoa học nữ của Việt Nam ít hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh, phụ nữ có thể đảm đương nhiều nhiệm vụ, trọng trách như nam giới. Chẳng hạn như, nghề phi công, nghiên cứu trong lĩnh vực cơ khí, hóa học, sinh học…
Cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiên cứu khoa học. Ảnh: NTCC |
- Vậy theo bà, giải pháp nào để nâng cao vai trò, vị thế phụ nữ trong nghiên cứu khoa học nhằm đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới giáo dục, đào tạo nước nhà?
- Đảng và Nhà nước có chính sách động viên, khuyến khích nhà khoa học nữ; trong đó có những giải thưởng dành riêng như: Giải thưởng Kovalevskaia. Năm 2019, tôi may mắn nhận giải thưởng này. Tuy nhiên, tôi muốn đề cập rộng hơn về vấn đề chính sách tiền lương và hỗ trợ cho nhà khoa học nữ nhằm tạo động lực để họ cống hiến.
Theo đó, trong các chương trình nghiên cứu khoa học, nên chăng dành sự ưu tiên cho phụ nữ. Ở Cộng hòa Nhân dân Bangladesh, có chính sách khuyến khích nữ giới học tiến sĩ trở lên sẽ được miễn hoàn toàn học phí và khoản đóng góp. Vì vậy, họ kích thích và tận dụng được chất xám nhà khoa học nữ. Tôi mong Việt Nam có thể tham khảo cách làm từ quốc gia này, thông qua các chính sách ưu đãi dành riêng cho nhà khoa học nữ.
- Vượt qua định kiến để dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, những sáng kiến, đề tài của PGS được ứng dụng vào thực tiễn thế nào?
- Hiện, tôi là tác giả chính 27 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế và trong nước; chủ trì 2 đề tài cấp Nhà nước cùng nhiều đề tài cấp bộ, cơ sở. Tôi là tác giả chính 3 sách chuyên khảo và 3 sách tham khảo được áp dụng vào giảng dạy cho sinh viên ngành Lâm nghiệp, Dược liệu và Hợp chất thiên nhiên. Tôi cũng là tác giả chính của 12 bằng bảo hộ giống cây trồng và 7 bằng sở hữu trí tuệ về giải pháp hữu ích.
Điều tôi cảm thấy hài lòng là tìm ra nguồn thuốc quý trong tự nhiên. Tôi đã bảo tồn, di thực được. Hiện, tôi lai tạo để tạo ra những giống có chất lượng cao cả về hoạt tính lẫn khả năng sinh trưởng, phát triển của các loài cây thuốc này trong điều kiện khác nhau. Từ đó, đưa chúng quay trở lại cho người dân để trồng và phát triển kinh tế gia đình. Tôi rất vui khi thấy nhiều cánh rừng xanh tốt, giúp giảm thiểu tác động về biến đổi khí hậu.
Nhiều nữ sinh của Trường Đại học CMC (Hà Nội) tham gia nghiên cứu khoa học. Ảnh: NTCC |
Giải quyết thực tiễn
Hiện, 21 quy trình nhân giống, nuôi trồng cây dược liệu và lâm nghiệp đã nghiệm thu, đưa vào áp dụng thực tiễn. Các quy trình được ứng dụng thông qua chuyển giao khoa học kỹ thuật và dự án tập trung trên 9 tỉnh cả nước: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam.
Ngoài ra, 12 giống cây trồng được bảo hộ (cây dược liệu) hằng năm sản xuất và cung cấp 4 triệu cây giống/năm cho nhiều địa phương cả nước; chuyển giao bản quyền sản xuất giống cho một số doanh nghiệp từ năm 2016.
Tôi luôn tâm niệm, sau 4 năm đào tạo ở trường đại học, sinh viên quay về nhìn thấy đất, cây, rừng, các bạn yên tâm bám trụ xây dựng kinh tế xanh của địa phương chứ không phải xa quê vì nhu cầu mưu sinh trong các nhà máy như hiện tại.
- Vậy bà đề xuất gì để các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học phát huy hiệu quả trong thực tế và giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra?
- Trong nghiên cứu có hai hướng: Nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng. Lâu nay, tôi lựa chọn nghiên cứu ứng dụng thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu người dân, cộng đồng. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, nhà khoa học vẫn thiếu kỹ năng để quảng bá về sản phẩm. Thế mới nói, có cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan và chúng ta cần xem xét trong điều kiện, hoàn cảnh, lĩnh vực nghiên cứu cụ thể.
Thực tế cho thấy, cơ chế tự chủ đại học phần nào giải quyết bài toán “cung - cầu” trong nghiên cứu khoa học; tức là đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học có thể thành lập trung tâm, viện nghiên cứu để chuyển giao khoa học và mang lại giá trị trong thực tiễn đời sống xã hội; đồng thời cải thiện vấn đề thu nhập cho người làm.
Tôi là một trong số người đầu tiên đặt nền móng xây dựng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp trực thuộc Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) với mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hệ thống công lập đầu tiên ở đại học vùng. Với gần 100 cán bộ nghiên cứu khoa học, viện không sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và trở thành một trong những viện hàng đầu trên cả nước về nghiên cứu giống lâm nghiệp và dược liệu. Chúng tôi nhận được giải thưởng danh giá như: Bông lúa vàng Việt Nam.
Đến nay, viện đã bảo tồn hơn 400 loại dược liệu quý của Việt Nam và là cái nôi đào tạo nghề cho hàng nghìn kỹ sư, cử nhân, cao đẳng, trong số đó nhiều người là con em đồng bào dân tộc thiểu số; tạo nhiều việc làm cho sinh viên, học viên hơn 10 năm qua. Hằng năm, cung cấp từ 10 - 15 triệu cây giống chất lượng cao để phủ xanh đồi núi và làm giàu cho rừng.
- Trân trọng cảm ơn PGS.TS Trần Thị Thu Hà!
PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã 10 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, một lần đạt chiến sĩ thi đua cấp Bộ; một lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 6 lần Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen; 2 lần được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tặng Bằng khen. Năm 2019, bà nhận Giải thưởng Kovalevskaia dành cho cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc; năm 2020, nhận Giải thưởng “Nhà khoa học của nhà nông”. Đặc biệt, năm 2021, PGS.TS Trần Thị Thu Hà được các giải thưởng: 100 nhà khoa học xuất sắc châu Á 2021; Vinh quang Việt Nam; Sách vàng Việt Nam.