Để có được thành công trong nghiên cứu, họ không những giỏi chuyên môn mà cần đam mê, bền bỉ, kiên trì, sắp xếp thời gian khéo léo để hài hòa “việc nước, việc nhà”, cùng sự hậu thuẫn từ gia đình, nhà trường.
Điểm tựa vững chắc
PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo là giảng viên cao cấp Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên). Năm 2019, cô là đại diện duy nhất của Đại học Thái Nguyên được Trung ương Đoàn vinh danh trong số 75 nhà giáo trẻ tiêu biểu toàn quốc. Cũng năm này, ở tuổi 35, nhà giáo Phương Thảo nhận học vị PGS và trở thành PGS trẻ nhất ngành Giáo dục học toàn quốc và ĐH Thái Nguyên.
“Bước vào nghiên cứu khoa học, phụ nữ gặp nhiều khó khăn và thiệt thòi hơn nam giới vì phải làm tròn 2 vai “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Vì thế, nếu không quyết tâm và đam mê thì khó thành công”. - PGS.TS Lê Thị Tuyết Trinh, Phòng Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Đồng Tháp
Tuổi trẻ, nhưng PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo có thành tích dày dặn trong nghiên cứu khoa học. Có thể kể đến 29 bài báo quốc tế được công bố; chủ trì và tham gia nhiều đề tài, dự án các cấp; xuất bản 4 chương sách tại các nhà xuất bản uy tín thế giới; chủ biên 1 sách chuyên khảo; đồng tác giả giáo trình, sách chuyên khảo; gần 70 bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành, hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Nhiều năm liền, cô nhận khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc ở hoạt động khoa học công nghệ - hợp tác quốc tế của Đại học Thái Nguyên…
Với đam mê nghiên cứu, PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo đã truyền dạy, hướng dẫn nhiều sinh viên làm đề tài nghiên cứu khoa học đạt kết quả tốt; trong đó, một nhóm sinh viên đoạt giải Ba Cuộc thi Sáng tạo khoa học trẻ cấp tỉnh năm 2019; nhóm khác đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Đại học Thái Nguyên năm 2023…
PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo cho biết, nhiều yếu tố giúp cô có những kết quả trên. Khởi đầu là niềm đam mê, định hướng nghiên cứu hình thành từ khi là sinh viên, được thầy cô hướng dẫn tham gia làm đề tài nghiên cứu khoa học, thi Olympic sinh viên và nghiệp vụ sư phạm toàn quốc…
Khi ra trường, nhà giáo trẻ học hỏi, tích lũy từ việc tham gia giảng dạy tại Trường THPT chuyên Thái Nguyên, sau đó làm giảng viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên). Công tác trong môi trường đại học vùng, cô Phương Thảo có nhiều cơ hội hợp tác cùng giảng viên, nhà khoa học không chỉ ngành Toán mà cả các ngành liên quan, nhóm nghiên cứu liên ngành. Cũng từ đây, cô tham gia nhóm nghiên cứu khoa học trong nước, kết nối quốc tế để học hỏi, chia sẻ.
Mặt khác, truyền thống gia đình cũng là động lực, nguồn động viên lớn để PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Đầu tiên, đó là niềm tự hào vì sinh ra trong gia đình có ông, bà, bố, mẹ đến cô, chú công tác trong ngành Giáo dục nên cô “ngấm” sự say mê nghề và nghiên cứu rất sớm. Đặc biệt, khi bố và mẹ làm giáo viên Toán cũng trở thành điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cô về chuyên môn.
Bên cạnh thuận lợi, con đường nghiên cứu khoa học của cô cũng gặp không ít rào cản. Trước hết, khó khăn chung đối với giảng viên trẻ là việc phải cân đối thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con nhỏ, giảng dạy theo nhiệm vụ và nghiên cứu khoa học.
Có thời điểm, với nhiều nhiệm vụ kiêm nhiệm: Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường; Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường, Bí thư Liên chi đoàn khoa… bắt buộc PGS.TS Phương Thảo phải “hy sinh” bản thân. Đôi lúc, công việc chồng chéo khiến cô thấy “nản”. Việc thức đến 1 hay 2 giờ sáng là thường gặp. Vượt qua điều này, cô Phương Thảo cho biết nhờ có “hậu phương” vững chắc, công việc gia đình được mẹ và chồng hỗ trợ tối đa.
“Bên cạnh đó, định hướng nghiên cứu về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông giáo dục; đào tạo và bồi dưỡng giáo viên; giáo dục Toán học; giáo dục STEM; giáo dục dân tộc, đòi hỏi tôi thường xuyên “bám trụ, ba cùng” với trường phổ thông nên ảnh hưởng không nhỏ tới thực hiện nhiệm vụ khác cũng như việc chăm lo gia đình. Khó khăn tiếp theo là “rào cản” trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Những lúc này, tôi chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của nhà trường”, PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo chia sẻ.
PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo báo cáo tại một hội thảo quốc tế. Ảnh: NVCC |
Mục tiêu rõ ràng, tuân thủ nghiêm ngặt
TS Lê Thị Lan Anh - giảng viên chính Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có gần 24 năm gắn bó với nghề. Công việc của cô là giảng dạy, nghiên cứu về phương pháp dạy học môn Tiếng Việt ở tiểu học.
Bày tỏ quan điểm nghiên cứu là cách đi sâu vào lý luận và thực tiễn, từ đó tạo ra phương pháp dạy học phù hợp, hấp dẫn hơn, TS Lê Thị Lan Anh quan niệm: Dạy học, nghiên cứu như “đôi cánh” không thể thiếu với bất cứ ai đứng trên giảng đường đại học. Nhà sư phạm trước tiên phải là nhà khoa học. Thầy cô giỏi không là người trả lời nhiều câu hỏi mà phải đặt được nhiều câu hỏi hay. Để có câu hỏi hay, người thầy cần hiểu sâu; để hiểu sâu, cần đầu tư nghiên cứu.
Thừa nhận nghiên cứu khoa học với phụ nữ có những thách thức riêng nên để vượt qua khó khăn, TS Lê Thị Lan Anh chia sẻ bí quyết: Đặt mục tiêu rõ ràng cho mỗi đề tài nghiên cứu; xác định rõ vấn đề, đối tượng, phương pháp nghiên cứu và kết quả cần đạt phục vụ gì cho phát triển chuyên môn. Cùng đó, cần sắp xếp thời gian hợp lý và tuân thủ kế hoạch nghiêm ngặt để vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học.
“Tôi tận dụng mọi nguồn lực sẵn có để thực hiện đề tài nghiên cứu; luôn tìm kiếm sự giúp đỡ từ đồng nghiệp, nhà khoa học có kinh nghiệm; chủ động tham gia nhóm nghiên cứu, dự án khoa học để học hỏi và nhận được sự hỗ trợ từ chuyên gia”, TS Lê Thị Lan Anh bày tỏ.
TS Lê Thị Lan Anh (bên trái) nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: NVCC |
Kinh nghiệm khác để dẫn tới thành công được TS Lê Thị Lan Anh chia sẻ là luôn cố gắng vượt qua khó khăn về thời gian, chi phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Việc công bố nghiên cứu trên các tạp chí uy tín quốc tế cũng là thử thách với nhiều người làm nghiên cứu khoa học giáo dục. Vượt qua điều này không gì khác phải có sự quyết tâm và đam mê.
“Tôi đề xuất các đề tài cấp cơ sở, Bộ. Sản phẩm khoa học của đề tài cấp Bộ là bài báo quốc tế. Như một áp lực phải hoàn thành, tôi và đồng nghiệp cùng quyết tâm cố gắng. Kinh phí đề tài, những “đơn đặt hàng” của xã hội về chuyên môn đã hỗ trợ chúng tôi. Ai đó nói rất đúng: “Bạn cứ theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn. Bạn cứ theo đuổi thành công, đam mê sẽ theo đuổi bạn”, TS Lê Thị Lan Anh chia sẻ.
Với bí quyết trên, TS Lê Thị Lan Anh thực hiện sứ mệnh của mình hơn 20 năm qua bằng việc hoàn thành tốt nhiều công trình nghiên cứu khoa học; được nhà trường vinh danh giảng viên có thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2022.
“Chúng ta là thiên thần có một chiếc cánh và phải ôm lấy nhau để học bay”. Dẫn câu nói này, TS Lê Thị Lan Anh cho biết bản thân vượt qua những rào cản, thách thức nhờ sự cảm thông, chia sẻ động viên, hợp sức của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp; thực hiện sứ mệnh nhờ sự dìu dắt, chỉ bảo từ những người thầy với tất cả ý nghĩa cao đẹp nhất.
“Tôi không nhụt chí nhờ sự quan tâm, khích lệ của lãnh đạo khoa và nhà trường. Xin gửi lời tri ân tất cả những người sống bên tôi. Tôi luôn biết ơn và trân trọng!”, TS Lê Thị Lan Anh nhắn gửi.
PGS.TS Lê Thị Tuyết Trinh. Ảnh: NVCC |
Kiên trì sẽ thành công
PGS.TS Lê Thị Tuyết Trinh - Phòng Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Đồng Tháp từng nhận khen thưởng về bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín; nhận giấy khen đạt thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” giai đoạn 2017 - 2021; Bằng khen UBND tỉnh Đồng Tháp năm 2023; Bằng khen của Bộ GD&ĐT năm 2022 vì thành tích tiêu biểu, xuất sắc nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Đến nay, PGS.TS Lê Thị Tuyết Trinh đã công bố 10 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín; 4 bài báo trên tạp chí chuyên ngành trong nước và 2 báo cáo tại hội thảo quốc tế; xuất bản 2 giáo trình phục vụ đào tạo đại học ngành Giáo dục tiểu học và là tác giả tham gia 3 sách tham khảo đã xuất bản. Cô đồng thời nghiệm thu thành công một đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở; là chủ nhiệm một đề tài cấp Bộ năm 2022; có 5 sáng kiến cấp cơ sở được nhà trường công nhận; chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu cơ bản của Quỹ Nafosted tài trợ năm 2023…
PGS.TS Lê Thị Tuyết Trinh cho biết, cô may mắn được Trường Đại học Đồng Tháp động viên, tạo điều kiện thuận lợi trong học tập nâng cao trình độ. Sau khi nhận bằng tiến sĩ, cô tiếp tục con đường nghiên cứu, vừa thực hành giảng dạy và học tập nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học tiếp cận quốc tế.
“Mọi người bảo “lấy bằng tiến sĩ xong khỏe rồi, đỡ học hành nữa”, nhưng sự thật không phải thế. Nhớ năm 2018 và 2019, tôi tranh thủ giảng dạy ban ngày, tối tham gia lớp học trực tuyến về nâng cao năng lực nghiên cứu tiếp cận quốc tế; giảng dạy theo định hướng Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Kết quả, đầu năm 2020 tôi công bố bài báo quốc tế đầu tiên; sau đó phát triển thêm một số kết quả nghiên cứu đã công bố quốc tế. Cuối năm 2022, tôi được bổ nhiệm PGS ngành Giáo dục học. Nhiều chứng chỉ, chứng nhận minh chứng cho dấu vết theo thời gian bản thân tự tìm kiếm học tập để nâng cao hiểu biết”, PGS.TS Lê Thị Tuyết Trinh bày tỏ.
Chia sẻ kinh nghiệm, PGS.TS Lê Thị Tuyết Trinh cho rằng, những giảng viên nữ “chập chững” làm nghiên cứu khoa học, trước tiên phải có ý tưởng, xác định hướng nghiên cứu chính. Sau đó đặt vấn đề, chủ động tìm kiếm lớp học tập, thực hành cách sử dụng phương pháp nghiên cứu đảm bảo độ tin cậy; cách giải quyết vấn đề nghiên cứu đã đặt ra.
Từ ý tưởng nghiên cứu đến hoàn thành bài báo được chấp nhận đăng trên tạp chí quốc tế uy tín, cần học tập thêm kỹ năng viết bài, sử dụng phần mềm thông dụng để phân tích và xử lý số liệu và đặc biệt, cần kiên trì theo đuổi mục đích thì mới dẫn đến thành công.
Trong quá trình nghiên cứu có thể hỏi các chuyên gia, thầy/cô, người có kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học để nhận sự hỗ trợ, gợi ý, giúp đỡ. Ngoài ra, trong nghiên cứu khoa học phải chủ động tìm kiếm người có chung ý tưởng để hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ, làm cộng sự giải quyết vấn đề nghiên cứu hiệu quả hơn.
Với nhà khoa học nữ, điều vô cùng quan trọng là sắp xếp ổn thỏa thời gian cho gia đình, giảng dạy, nghiên cứu học tập nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, môi trường nghiên cứu rất quan trọng. “Dù lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên trẻ nghiên cứu, nhưng do đặc thù vùng miền nên còn nhiều hạn chế.
Là giảng viên trẻ cần chủ động tìm kiếm cho mình môi trường nghiên cứu thích hợp, xác định mục tiêu bản thân và tạo động lực nghiên cứu. Quan trọng là bản thân phải kiên trì, tìm được niềm vui trong nghiên cứu mới có sức bền, sự tập trung hiệu quả”, PGS.TS Lê Thị Tuyết Trinh chia sẻ.
“Đối với tôi, nghiên cứu khoa học là cách tự học. Đó cũng là cách để tôi giúp sinh viên yêu môn học và trở thành người học suốt đời. Sứ mệnh của giảng viên là chia sẻ kiến thức, đóng góp vào sự phát triển xã hội thông qua nghiên cứu. Khi hiểu sứ mệnh của mình, mọi khó khăn chỉ là áp lực để tạo ra kim cương”. - TS Lê Thị Lan Anh, giảng viên chính Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2