Giá sữa có thể ổn định trong vài năm tới?

Giá sữa có thể ổn định trong vài năm tới?
Giá sữa có thể ổn định trong vài năm tới? ảnh 1
Giá sữa có thể sẽ ổn định trong vài năm tới...

Theo thống kê của Hãng Jaccar về ngành sữa Việt Nam, năm 2009, Vinamilk và Dutch Lady Việt Nam chiếm 60% thị phần, 22% được chia đều cho các nhãn nhập khẩu như Abbott, Mead Johnson, Fonterra, Meiji… Phần còn lại thuộc về Hà Nội Milk, Nestlé và các công ty khác. Song, nếu chỉ tính riêng phân khúc sữa bột, 50% là hàng nhập khẩu và các hãng sữa trên cũng chiếm tới 50% thị phần. Điều này khiến doanh thu của các hãng sữa ngoại cao hơn hẳn so với các nhà sản xuất nội.

Dù trong hai năm trở lại đây, xu hướng tiêu dùng có những thay đổi đáng kể (mặt hàng yaourt và sữa tươi có lượng tiêu thụ tăng), nhưng tại Việt Nam, sữa bột vẫn là mặt hàng đang dẫn đầu về lượng tiêu thụ so với các sản phẩm khác có nguồn gốc từ sữa. Chẳng hạn, tại Thái Lan, mặt hàng yaourt luôn dẫn đầu về lượng tiêu thụ.

Một minh chứng khác cho thấy, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các hãng sữa là nhu cầu về mặt hàng này tại các thành phố  lớn của Việt Nam ngày một tăng, trong đó, chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM đã chiếm trên 70%. Đối tượng tiêu dùng chủ yếu là trẻ em. Theo số liệu thống kê của Công ty TNS Việt Nam, sữa là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm ngành FMCG (Fast Moving Consumer Goods – ngành hàng tiêu dùng nhanh), với mức tăng bình quân từ 10 đến 17%/năm.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, nếu so với các nước khác trên thế giới, thì lượng tiêu thụ sữa của người Việt Nam vẫn còn ở mức khá khiêm tốn. Cụ thể, mỗi năm bình quân mỗi người Pháp dùng tới 130 kg sữa, Thái Lan là 25 kg, trong khi mỗi người Việt Nam mới chỉ tiêu thụ 9 kg. Hơn nữa, Việt Nam hiện chỉ có thể tự túc được ¼ nhu cầu sữa, phần còn lại phải nhập khẩu. Một phân tích về ngành sữa vào cuối năm 2009 cho thấy, chính vì lý do trên, mà giá sữa trên thị trường cũng phụ thuộc nhiều vào sữa nhập khẩu, vấn đề quan tâm của các công ty sữa trong nước chỉ là chọn lựa mức giá thích hợp khi thị trường có sự tăng giá.

Trên thực tế, giá sữa tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây cũng đã lọt vào nhóm “Top” của thế giới. Song, so với một số nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc…, thì vẫn còn “dễ chịu” hơn. Mức tăng cao nhất tại Việt Nam là vào năm 2007 và đầu năm 2008, khi lạm phát lên hai con số và tình hình kinh tế thế giới có những dấu hiệu khủng hoảng. Theo đó, mức tăng này từ 1.200 đến 1.500 đồng/lít (0,08 – 0,10 USD) lên 5.000 – 5.500 đồng/lít trong năm 2006; đến năm 2008, con số này là 0,31 – 0,33 USD. Bình quân, mức tăng ở vào khoảng 22%.

Thật ra, ngay cả khi giá các mặt hàng sữa trong nước gần đây cũng có sự điều chỉnh (từ 5 đến 8%), nhưng điều này cũng phần nào bị chi phối bởi nguồn nguyên liệu.

Dù hiện tại, giá sữa trên thị trường có hiện tượng tăng, nhưng theo dự báo của USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) và FAPRI (Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp và lương thực Mỹ), từ nay đến năm 2017, mức giá sẽ không biến động nhiều và thấp hơn so với thời điểm khủng hoảng do những điều tiết vĩ mô tốt. Song, sự cạnh tranh về giá cũng như thị phần sẽ ngày càng quyết liệt hơn khi thời điểm cam kết hội nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sắp có hiệu lực. Theo đó, đến năm 2012, thuế nhập khẩu cho các ngành hàng FMCG sẽ giảm xuống mức thấp nhất (hiện thuế nhập khẩu dao động từ 20 đến 30%). Đây sẽ là lợi thế cho các nhà nhập khẩu và thuận lợi cho các hãng sữa ngoại tăng thị phần. Do đó, để có thể ổn định được thị trường và tránh bị “qua mặt”, các nhà sản xuất sữa trong nước không chỉ dừng lại ở việc tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 40% (chỉ tiêu năm 2010), mà còn phải chú trọng hơn nữa đến công đoạn nghiên cứu thị trường.

Anh Thư

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ