Tại xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 2 vụ đuối nước gây chết người. Ngày 4/3, tại làng Blang xảy ra vụ chết đuối khiến 3 học sinh là Ksor Lực, Puih Khưn và Puih Phơn đều đang học tại trường Tiểu học Lý Tự Trọng tử vong.
Anh Puih Phu - bố cháu Ksor Phôn - cố nén nổi đau kể lại: 3 cháu nhà gần nhau, sau khi đi học về cùng đi chơi. Đến tối, gia đình đi làm rẫy về không thấy các cháu liền cùng dân làng đi tìm. Khi ra đến khu vực hồ chứa nước tưới cà phê của một gia đình trong làng thì mọi người nhìn thấy quần áo và xe đạp của 3 cháu để trên bờ, ngay lập tức người dân nhảy xuống tìm thì thấy thi thể của cả 3 cháu.
Mới đây nhất, cũng tại xã Ia Dêr, ngày 7/4, em Võ Nguyễn Mai Hoa (SN 2000), đang học lớp 9, đi chơi cùng nhóm bạn ở hồ nước do khai thác đá để lại. Em bị trượt chân ngã xuống hồ, phải mất gần 1 ngày đội cứu hộ mới tìm được thi thể của em.
Trên địa bàn huyện Chư Păh, cũng vừa xảy ra một vụ đuối nước của 2 em học sinh là Thái Bình Duy Khánh và Thái Bình Duy Tân, đang học lớp 6. Tân được cứu kịp thời, còn em Khánh không may mắn thiệt mạng.
Anh Quang - cậu ruột của em Khánh - đau buồn chia sẻ: "Hôm đó, các cháu đi học bằng đường tắt, không may bị sảy chân xuống hồ nên mới xảy ra cơ sự. Bình thường các cháu đi đường lớn thì có lẽ Khánh đã không phải bị ngã xuống hồ".
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn là do các em chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng bơi, kỹ năng ứng cứu người gặp nạn. Khi thấy bạn mình bị đuối nước đã ra cứu mà không biết mình cũng đang gặp nguy hiểm, dẫn đến nhiều vụ có tới 2 - 3 em bị đuối nước.
Trong khi đó, trên địa bàn Gia Lai có rất nhiều đập thủy điện và hồ tưới nước cho cây công nghiệp. Hầu hết những nơi này không được lắp đặt biển báo, rào chắn cảnh báo nguy hiểm.
Đặc biệt là các hồ nước do người dân tự đào để lấy nước tưới cho cây cà phê. Đặc điểm của những hồ này là không lớn nhưng mực nước lại sâu, nằm khá gần khu dân cư nên trẻ em hay đến đó chơi mà không biết nguy hiểm chết người đang rình rập.