Tại buổi công bố kế hoạch cung ứng Tết Bính Thân 2016 sáng 7/12, bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM - khẳng định: Thành phố sẽ ưu tiên các mặt hàng thực phẩm được chứng nhận an toàn tham gia bán bình ổn Tết này.
Theo Sở Công Thương, hàng Tết sẽ có 3 nguồn chính: từ doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm 30-40%; các chợ đầu mối cũng có sản lượng như trên, còn lại là các nguồn khác.
Trong đó, theo số liệu từ các chợ đầu mối, riêng mặt hàng rau – củ - quả cung ứng đạt 60-70% nhu cầu của thị trường, với trung bình 8.000 tấn/đêm, những ngày cận Tết lên đến 15.000 tấn/đêm.
Những mặt hàng được dự báo có mức tiêu thụ mạnh là hoa tươi, rượu bia, nước giải khát và bánh kẹo. Trong đó lượng hoa tươi về thành phố lúc cao điểm sẽ khoảng 1.500 tấn/ngày.
Rượu bia, nước giải khát dự kiến tiêu thụ khoảng 40-45 triệu lít trong tháng Tết, tăng khoảng 30% so với tháng thường. Các doanh nghiệp trong ngành bánh mứt kẹo cũng cho biết đã chuẩn bị 18.000 tấn hàng phục vụ thị trường Tết.
Giá cả các mặt hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn được cam kết không tăng từ nay đến trước và sau Tết một tháng. Tại các siêu thị tham gia chương trình, nhiều nhóm hàng còn thực hiện giảm giá 5-49%.
Nhóm thịt trứng, thịt gia súc, gia cầm những ngày cận Tết còn có những chương trình khuyến mại giảm giá để cho người lao động có thể sắm.
Theo bà Đào, những doanh nghiệp muốn tham gia bình ổn thị trường Tết năm nay phải đạt chứng nhận VietGAP. "Năm trước, có 8 doanh nghiệp ở các tỉnh tham gia bình ổn hàng Tết tại thành phố thì hầu hết đều có hàng đạt tiêu chuẩn VietGAP, nên các đơn vị tham gia sắp tới cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn này.
Các siêu thị sẽ tổ chức kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm và công bố cho người tiêu dùng biết đâu là hàng đạt chất lượng" - Bà Đào cho biết.
Năm nay, nguồn hàng Tết được các doanh nghiệp chuẩn bị tăng hơn 10% so với chỉ tiêu thành phố giao và tăng khoảng 40% so với Tết Ất Mùi.
Tổng giá trị nguồn hàng cung ứng Tết lên đến hơn 16.000 tỷ đồng. Hàng bình ổn được bán không chỉ ở TPHCM mà còn mở rộng sang các tỉnh lân cận. Đây cũng là năm thứ ba các doanh nghiệp tham gia bình ổn không dùng ngân sách.
Dự báo, thời gian nghỉ Tết Bính Thân kéo dài (9 ngày), lại sát với Tết dương lịch nên khả năng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng đột biến.
TPHCM đã phát triển trên 9.200 điểm bán cho chương trình bình ổn. Trong đó, riêng hàng lương thực thực phẩm thiết yếu có 3.691 điểm bán và phủ kín toàn địa bàn thành phố. Dự kiến từ nay đến Tết sẽ phát triển thêm 250 điểm và khoảng 400 chuyến bán hàng lưu động đến các vùng sâu vùng xa.
Hiện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã đồng ý dành khoảng hơn 45.000 tỷ đồng hỗ trợ vay ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia.