Lúc cuộc đời tăm tối nhất, chính là lúc chuẩn bị cho ánh sáng rực rỡ nhất

GD&TĐ - Chúng ta thường vô cùng đau khổ và mất cân bằng mỗi khi cuộc đời giáng cho ta một tai họa bất ngờ. Nhưng luôn có một điều kỳ diệu ẩn sau mỗi tai họa, và nó chỉ đến với những ai có khả năng mỉm cười trước tai họa, coi nó như một điều tất yếu của cuộc sống. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đó là nghệ thuật đối diện với tai họa hay đau đớn. Và bạn phải biết cách đón nhận tai họa, sử dụng nó như một công cụ sống.

Lúc cuộc đời tăm tối nhất, chính là lúc chuẩn bị cho ánh sáng rực rỡ nhất. Cho nên, đừng gục ngã trước bất kỳ tai họa nào đến với bạn. Câu chuyện của chị Dung là một minh chứng điển hình cho sự thực kỳ diệu này của cuộc sống.

Chị Dung từng cùng chồng mình kinh doanh khá thành công tại Budapest, có khá nhiều tiền. Nhưng chính trong lúc hai vợ chồng chị đang làm ăn khấm khá thì chồng chị qua đời.

Tai họa cuộc đời khiến chị không chỉ đau khổ, mà còn mất luôn phương hướng, không biết mình có còn sống tiếp được hay không. Mọi việc làm ăn của gia đình, đều phụ thuộc vào chồng chị. Khi anh mất đi, chị hoàn toàn không biết tiếp tục việc kinh doanh thế nào, và dĩ nhiên nó sụp đổ.

Và chính lúc này, gánh nặng đứa con duy nhất của hai vợ chồng bị tự kỷ, lại chất lên một mình chị. Chính trong lúc kiệt cùng tuyệt vọng, nhìn đứa con tự kỷ, chị đã bám víu lấy con để sống.

Ngắt mọi quan hệ kinh doanh cũ, chị không còn ai bên cạnh. Vả lại, chị cũng không muốn người đời nhìn vào hoàn cảnh của mình, họ chẳng giúp được gì, hơn nữa sẽ làm chị xao động bởi những bình luận ác ý dù không cố tình.

Chị Dung khi đó chỉ tự nhủ, cần dành toàn bộ thời gian để đưa con đi học, đi trị liệu. Dẫu vậy, chị vẫn chơi vơi.

Chỉ cho đến khi, chị tìm đọc được tác phẩm của đại văn hào Hamvas Bela bằng tiếng Hungary. Ban đầu, tác phẩm quá khó hiểu, chị thường đọc trên xe bus, tàu điện ngầm khi trên đường đi đón con. Đọc xong, không hiểu gì, bỏ sách xuống, thì trong lòng chị lại thôi thúc cần đọc lại, cho kỳ hiểu thật sâu sắc.

Chị cứ miệt mài đọc, tìm hiểu thêm các tài liệu khác viết về tác giả vĩ đại này, và như một kỳ duyên, tư tưởng, dòng suy nghĩ của Hamvas Bela cứ ngấm dần vào chị, soi sáng chị, cho chị một con đường đi, một sức mạnh vô tận.

Béla Hamvas ( 23/3/1897 – 7/11/1968 ) là nhà văn, triết gia và nhà phê bình xã hội người Hungary. Ông là nhà tư tưởng đầu tiên đưa Trường phái Tư duy Truyền thống của Réné Guénon vào Hungary. ... Ngày nay Hamvas Béla được đánh giá là một trong những nhà văn, nhà triết học xuất sắc nhất trong nền văn hóa Hungary.

Chị Dung tìm ra được chính mình, sung sướng, thỏa mãn hoàn toàn, giống như chị đã dũng cảm chết đi, để được tái sinh trong một bản thể mới, hoàn toàn, tự tin, đầy sức mạnh, đầy ý nghĩa sống.

Niềm hạnh phúc ấy lớn lao quá đỗi, nó không chỉ chữa lành nỗi đau từ tai họa đời người, nó tái sinh chị, và thôi thúc chị chia sẻ hạnh phúc này với đồng bào của mình. Do đó, chị cặm cụi dịch tác phẩm Hamvas Bela sang tiếng Việt, dẫu biết nó khó khăn không chỉ với chị, mà còn khó khăn vô cùng với người đọc Việt Nam. Nhưng chị không quan tâm, chị làm việc này với toàn bộ đam mê, ý nghĩa cuộc đời mình, bởi đó là sứ mệnh của mình.

Chị Dung chia sẻ: “Mỗi nhà văn có thể viết nhiều tác phẩm, nhưng có khi chỉ đọng lại được trong người đọc một điều duy nhất, đi thẳng vào trái tim, và ở đó mãi, thay đổi người đọc.

Với Hamvas Bela, ông chỉ ra cho người đọc cách để trở thành người bình thường trong thế giới người đang thoái hóa. Người bình thường chính là người hiện thực hóa được những suy nghĩ của mình. Ông cũng chỉ ra rằng, việc con người cứ muốn Vật chất song song cùng Tinh thần chỉ là huyễn tưởng. Chuyện đó không bao giờ xảy ra. Khi Vật chất đi lên thì Tinh thần đi xuống. Bạn phải lựa chọn 1 trong 2 điều đó".

Và chị Dung đã lựa chọn Tinh thần, để vứt bỏ mọi ham muốn làm kinh tế, kiếm điều kiện sống dư dả. Kiên quyết đến nỗi, trong căn nhà mình và con sống, chị loại bỏ mọi đồ đạc, chỉ giữ lại một giường, một tủ, một bếp nấu ăn.

Chị không muốn để mọi vật xung quanh làm phân tán sự tập trung và ý nghĩ của chị. Chị chấp nhận chỉ dành thời gian dịch Hamvas Bela và đưa con đi học, đi trị liệu. Không chỉ ngắt mọi quan hệ làm ăn, chị cũng không xem tivi, không nghe đài, không tham gia các sự kiện bên ngoài.

Thế giới của chị là Tinh thần Hamvas Bela. Những tác phẩm “Những câu chuyện vô hình và đảo”, “Một giọt từ sự đọa đày”, “Minh triết thiêng liêng”, “Niềm cảm hứng”… chính là những viên ngọc quý mà chị say mê nghiên cứu, dịch đêm ngày. Chị chìm đắm trong việc đọc, dịch Hamvas Bela, nghĩ và viết.

Dần dần, khi dòng tư tưởng của triết gia vĩ đại này ngấm sâu vào chị, chị Dung ăn ngủ, đi lại với tác phẩm của ông, trong lòng đầy ắp sự sung sướng, tự tin, tự do tự tại. Đó như một ân thưởng cho chị, khi sau đó chị dịch ông dễ dàng hơn, dịch nhanh hơn.

Trong thời gian đó, không ai bên ngoài có thể tiếp cận được với chị, chị như người vô hình. Và họ đồn rằng chị mất tích, chị đã về Việt Nam ở ẩn, hoặc chị bị tâm thần đã đi điều trị.

Và niềm ân thưởng ấy như hồi chuông rung ngân, ngân mãi. Sau khi những tác phẩm của Hamvas Bela được chị Dung dịch, xuất bản ở Việt Nam, chị được nhận một giải thưởng về Văn hóa.

Trước đó, chị cũng được mời dạy khoa tiếng Việt trong Viện Đông Nam Á tại trường Đại học Tổng hợp Budapest. Đó là điều kỳ diệu của cuộc sống, bởi khi ta dám chọn điều mình đam mê từ trái tim, cho dù ban đầu, ta bị khó khăn cùng cực, bị người đời phản đối kịch liệt, bị cô lập và đói nghèo vật chất, mà ta vẫn kiên tâm đi con đường mình chọn, thì cuối cùng ta sẽ được chính điều đó tưởng thưởng xứng đáng.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ