Suýt ly hôn vì chồng mua hàng online điên cuồng

GD&TĐ - Nghe tiếng chuông cửa, Châm đã hơi chột dạ, chị xuống mở cửa với tâm trạng bực bội. Và quả nhiên, người đứng trước cửa nhà chị là nhân viên giao hàng, anh ta đẩy cho chị một cái hộp carton cồng kềnh và bắt chị ký nhận. Chồng chị lại mới mua một món hàng mà không biết để làm gì. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Châm đột ngột gào thét ầm ĩ, không chịu nhận món hàng khiến người giao hàng sửng sốt.

Giọt nước cuối cùng đã tràn ly.

Kể từ ngày chồng Châm đột quỵ, căn bệnh mua sắm vô độ của anh càng tiến triển nặng. Anh cứ ngồi trên giường ở tầng hai, chân đau không đi chơi đâu được, nên hầu hết thời gian anh lướt vào các trang mạng mua sắm online, đặt mua hàng, mua bất cứ món gì lọt mắt anh và khi người ta đến giao hàng, thì anh bắt vợ xuống nhà nhận hàng.

Hàng mua nhiều đến nỗi, chính anh cũng có khi không buồn mở hộp ra xem món hàng mình mới mua, nói gì đến việc sử dụng.

Những món hàng lúc đầu chất trên nóc tủ, sau đó xếp vào chân tường và bây giờ chúng lấn át cả lối đi. Để vào được giường đấm bóp cho chồng hoặc mang phở, cháo tới tận giường cho anh ăn, Châm phải lách qua những hộp đựng hàng chồng mua online.

Tiền tiết kiệm của vợ chồng Châm cứ hao dần qua những ngày mua sắm online mải miết của chồng chị. Châm đã bao lần tỉ tê, thậm chí giận dỗi với chồng, những mong anh ngừng mua sắm điên loạn như thế, nhưng chẳng ăn thua.

Chị đành nhờ các con, nhờ bạn thân của anh khuyên nhủ, anh cũng bỏ ngoài tai. Chị dọa rằng, nếu anh còn tiếp tục mua sắm online, số tiền dành để chữa bệnh cho anh cũng chẳng còn nữa. Anh buông một câu, rằng nếu hết thuốc chữa bệnh, thì đi về hầu tổ tiên cũng tốt. Chị Châm hầu như bó tay với tật mua sắm online điên loạn của chồng.

Nhưng lần này thì chị Châm quyết không chịu đựng thêm nữa. Chị từ chối nhận món hàng, đóng sập cửa trước mắt người giao hàng, rồi chạy lên tầng hai, trút lên đầu chồng bao uất ức tức giận dồn nén bấy lâu.

Sau màn trút giận, trút hết nước mắt, chị xách túi ra đi. Chồng chị đau chân, không đuổi theo chị được.

Châm tắt máy điện thoại, không mang theo tư trang, chỉ một cái thẻ ngân hàng theo mình. Chị tới một khu du lịch, thuê phòng ở đó cả tuần. Chị ăn, ngủ, thiền, quyết buông cái khối tức giận trong người.

Đến ngày thứ tám, chị mới trở về nhà. Châm sửng sốt khi thấy ngôi nhà chị gọn gàng tinh tươm, những hộp carton đựng các món hàng đáng ghét của chồng chị đã biến mất. Chị gặp con gái lớn cùng chồng và con nó đang vui vẻ nấu nướng gì đó trong bếp nhà chị.

Khi thấy chị về, cháu ngoại chạy ùa vào lòng bà và con gái, con rể hào hứng chào hỏi mẹ như chẳng có gì xảy ra.

Đến bữa trưa, con rể dìu chồng chị xuống phòng ăn. Chồng Châm đã có thể nhúc nhắc đi lại một mình. Anh len lén nhìn chị, nhưng không nói câu nào, trong suốt bữa ăn, chỉ có chị nói chuyện với cháu ngoại và hai vợ chồng con gái chị tíu tít nói chuyện vui với nhau.

Lúc con gái tạm biệt ra về, đã kéo chị ra một góc riêng, thì thầm vào tai chị, rằng kể từ nay, mẹ không được chiều chuộng bố như xưa, mẹ phải nghiêm khắc yêu cầu bố tự làm mọi việc chăm sóc bản thân và chia sẻ việc nhà, mẹ không được cúc cung hầu hạ bố đến tận giường như trước nữa, nếu bố không nghe, mẹ hãy mặc kệ bố và đưa ra hình phạt, ví như vụ bỏ đi vừa rồi.

Lúc này, Châm mới công nhận rằng, do chị quá chiều chồng, để anh lười biếng dựa dẫm vợ bao năm nay, và đàn ông cũng chẳng khác gì một thằng bé lớn đầu, được chiều sinh hư, nên mới dẫn đến nông nỗi này. Từ nay chị sẽ thay đổi, kiên quyết thay đổi, không có gì là quá muộn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.