Áp lực vô hình khi nuôi dạy con cái: Cần giải tỏa trước khi "bùng nổ"

GD&TĐ - Tôi yêu các con của mình, nhưng tôi không thích nuôi dạy con cái và tôi biết mình không đơn độc.

Áp lực vô hình khi nuôi dạy con cái: Cần giải tỏa trước khi "bùng nổ"

Người ngoài nhìn vào cuộc sống của tôi đều nghĩ mọi thứ đang diễn ra êm đềm. Nhưng sự bế tắc xảy ra với tôi không chỉ là một đêm, nó là cảm giác khó chịu kéo dài hàng đêm và dường như không thể dừng lại. 

Tôi luôn cảm nhận được thứ tình cảm mãnh liệt tôi dành cho các con của mình: Một đứa 8 tuổi và một đứa 4 tuổi. Nhưng thực tế là những thay đổi ngày qua ngày của việc nuôi dạy con khiến tôi mệt mỏi và chán nản. Gần đây tôi mới biết, không chỉ riêng tôi, nhiều bà mẹ khác cũng đang gặp phải khó khăn tương tự. 

Lần đầu tiên tôi nhận ra điều này là khi tôi ở nhà một mình trong phòng tắm. Đó là tầm đầu giờ tối, quỹ thời gian thảnh thơi ít ỏi mà tôi có được khi chồng dẫn các con đi chơi công viên. Trong khoảnh khắc đối diện với chính mình, cuối cùng tôi cũng phải thừa nhận sự thật và ứa nước mắt: Tôi ghét những gì mình đang phải chịu đựng.

Có hôm, tôi nói chuyện với một người mẹ khi đến trường đón con, than vãn về giai đoạn đặc biệt khó chịu mà tôi trải qua cùng những đứa trẻ. Tôi và cô ấy không đặc biệt thân thiết, nhưng bằng cách nào đó, tôi cảm thấy cô ấy là một người bạn dễ dàng thấu hiểu những tâm sự của mình. Tôi mở lời: “Chị biết không, đôi khi tôi thực sự không thích việc nuôi dạy con cái. Tôi yêu bọn trẻ nhưng nuôi dạy con thật sự là điều quá mệt mỏi. Chị có cảm thấy như vậy không?”.

Khi dứt câu, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để lắng nghe một sự oán trách nào đó. Nhưng không ngờ cô ấy thốt lên: “Ôi trời ạ, tôi cũng vậy! Cảm ơn vì chị đã nói ra điều đó. Vì không thể chia sẻ được cảm giác này với ai nên lâu nay tôi luôn nghĩ mình là một... mụ phù thủy. Tôi cũng rất thương bọn trẻ, nhưng tôi mệt lắm rồi...”. 

Kể từ lần trò chuyện ấy, tôi cảm thấy tự tin và cởi mở hơn khi giao tiếp với nhiều bà mẹ khác trong các nhóm Facebook. Chúng tôi đều thừa nhận sự thật nhức nhối này, rằng việc nuôi dạy con cái là điều mà nhiều phụ nữ phải chịu đựng một cách khổ sở, nhưng vẫn cố gắng coi nó như một sự “tận hưởng”.

Trong nhóm chat có một phụ nữ khoảng 30 tuổi. Cô ấy từng thú nhận với tôi rằng đôi khi cô ấy nghĩ mình sẽ là một “bà cô tuyệt vời” với lũ trẻ của mình hơn là một bà mẹ đau khổ. Cô ấy yêu bọn trẻ nhưng không chịu đựng nổi những áp lực trong việc nuôi dạy con cái. 

Cô ấy thực sự bế tắc khi không biết “cuộc chiến” của mình đến khi nào mới kết thúc. Cô ấy vừa nói vừa khóc: “Đó là lỗi của tôi, không phải lỗi của bọn trẻ. Chúng chỉ là những đứa trẻ bình thường, nhưng tôi thật tệ khi từng mơ về cuộc sống không có chúng”.

Sau khi nói chuyện với rất nhiều phụ nữ, các bà mẹ cũng như các chuyên gia, tôi nhận ra cảm giác của mình về việc nuôi dạy con cái là hoàn toàn bình thường. Tôi có thể yêu con mình đến tận cùng trái đất, nhưng đồng thời cũng có thể chán ghét rất nhiều công việc hàng ngày của một người mẹ. 

Một người bạn trong nhóm từng chia sẻ: “Hầu hết các bà mẹ hiện đại như chúng ta đều nghĩ rằng mình phải bận rộn làm rất nhiều việc cho con cái. Tuy nhiên, những gì trẻ sơ sinh cần nhất ở một người mẹ là sự dịu dàng. Sự hiện diện của người mẹ có thể hỗ trợ trí não con trẻ trong suốt phần đời còn lại của chúng”.

Tôi cũng thừa nhận mình đã gặp quá nhiều áp lực sau khi sinh con. Cơ thể không giống như trước khi có em bé. Những lời động viên của mọi người khiến tôi tin rằng mình là một nữ siêu nhân. Để làm tốt mọi việc, tôi nghĩ, điều đầu tiên mình cần làm là đối xử với bản thân bằng tình yêu thương, sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn. Khi bản thân được chăm sóc tử tế, chắc chắn tôi sẽ có nhiều năng lượng hơn dành cho con.

Thực tế là một người mẹ như tôi đôi khi có thể than phiền về lối sống nhưng vẫn yêu thương gia đình của mình. Việc thừa nhận tất cả những điều xấu xí và khó hiểu đối với bản thân tôi, chồng tôi và bạn bè của tôi đã giúp áp lực thực sự giảm xuống. Tôi thấy điều này tốt hơn nhiều so với việc cố gắng nhẫn nhịn hoặc giữ bí mật. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ