Đồng hành dựng 'lá chắn' bảo vệ trẻ khi dùng mạng xã hội

GD&TĐ - Phụ huynh cần có những biện pháp giáo dục và đồng hành dựng “lá chắn” giúp trẻ sử dụng mạng tích cực.

Phụ huynh phải ý thức bảo vệ và chủ động giáo dục con em khi tham gia mạng xã hội. Ảnh: ITN.
Phụ huynh phải ý thức bảo vệ và chủ động giáo dục con em khi tham gia mạng xã hội. Ảnh: ITN.

Tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, mức độ tổn thương ngày càng lớn khi trẻ em tiếp xúc với các nền tảng số quá sớm, thiếu kiểm soát. Trước thực tế đó, các cấp chính quyền đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tổng thể. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần có những biện pháp giáo dục và đồng hành dựng “lá chắn” giúp trẻ sử dụng mạng tích cực.

Triển khai giải pháp tổng thể

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị ảnh hưởng bởi những nội dung xấu và độc hại trên mạng xã hội do bộ lọc thông tin còn non nớt và thiếu khả năng lập luận, phân tích vấn đề.

Trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và trở thành công cụ không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật, trẻ nhỏ đang phải đối diện với vô số mối đe dọa trên không gian mạng, điển hình như tiếp cận thông tin không phù hợp, bắt nạt trực tuyến, nghiện mạng xã hội,...

Theo số liệu thống kê, Việt Nam có hơn 70 triệu tài khoản mạng xã hội, trong đó một phần ba là của người chưa thành niên. Điều này đồng nghĩa với việc đặt ra thách thức lớn cho công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội.

Theo thống kê của Bộ Công an, tội phạm ở độ tuổi vị thành niên đang có dấu hiệu gia tăng. Trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13.000 trường hợp người vị thành niên vi phạm pháp luật. Đáng lo ngại, tội phạm dưới 18 tuổi ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Đặc biệt, hiện nay, nhiều đối tượng còn ngang nhiên đăng tải nội dung vi phạm pháp luật lên các trang mạng xã hội. Các đối tượng coi đó như những chiến tích để khoe khoang, thách thức pháp luật.

Trước những hệ lụy ngày càng rõ rệt đó, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt.

Tại Việt Nam, những quy định về bảo vệ trẻ em trên mạng được luật hóa một cách cụ thể và chặt chẽ nhờ Nghị định 147 được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 25/12/2024. Theo đó, trẻ dưới 16 tuổi không được tạo tài khoản mạng xã hội. Cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ sẽ đăng ký tài khoản mạng xã hội có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ truy cập, đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Nghị định cũng quy định rõ nền tảng xuyên biên giới, trang thông tin điện tử tổng hợp và đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước, đều có trách nhiệm phân loại và hiển thị cảnh báo những nội dung không phù hợp với trẻ em.

dong-hanh-dung-la-chan-2.jpg
Việc xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu và cần sự chung tay của toàn xã hội. Ảnh: ITN.

Gia đình đóng vai trò then chốt

Ý thức được những vấn đề nan giải trong thời đại công nghệ số, chị Nguyễn Thùy Trang (38 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có 2 con nhỏ, cháu lớn 13 tuổi, cháu nhỏ 9 tuổi. Với cháu lớn, tôi đã trang bị cho con điện thoại thông minh để tiện liên lạc mỗi khi đi học thêm, đồng thời con cũng tiện tra cứu thông tin. Còn với bạn thứ hai, cháu chưa được dùng điện thoại song thỉnh thoảng cũng sử dụng iPad của bố để chơi game.

Tôi không cấm các con sử dụng thiết bị điện tử cũng như mạng xã hội bởi việc cấm đoán đã không còn phù hợp với thời đại 4.0, Internet đã phủ sóng mọi mặt của cuộc sống. Nhiều phụ huynh cho rằng, cứ cắt wifi, thu thiết bị điện tử là con sẽ không sử dụng mạng được. Tuy nhiên, trẻ em vẫn có thể dùng mạng 4G, 5G từ chính thiết bị của mình; mượn máy tính, điện thoại của bạn bè.

Việc cấm cản, kiểm soát quá đà có thể gây ra tác dụng ngược. Vì vậy, chúng tôi đã đặt ra quy tắc về thời gian, cách thức sử dụng mạng cho các con”.

Cụ thể, chị Thùy Trang cho biết, mỗi ngày, các con được giải trí 30 phút sau khi học bài, cuối tuần thời gian sẽ được tăng lên là 45 phút. Chị Trang cũng chia sẻ thêm, trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay, có rất nhiều nội dung với chủ đề khiêu dâm, bạo lực, tục tĩu hoặc các chủ đề khác dành cho người trưởng thành và không phù hợp với trẻ nhỏ. Việc “thả cửa”, thiếu sự kiểm soát của người lớn sẽ khiến trẻ em dễ tiếp xúc với những nội dung không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi và dẫn đến nhiều hệ lụy.

Thế nhưng, thay vì cấm đoán, chị Trang đã tạo cho mỗi con một tài khoản YouTube Kids (kênh giới hạn độ tuổi, hướng tới đối tượng trẻ em và liên kết với tài khoản của bố mẹ). Sau khi nhập thông tin về độ tuổi, các thuật toán của YouTube Kids sẽ đề xuất những nội dung phù hợp với bé. Những nội dung sau khi đã chọn lọc thường xoay quanh lĩnh vực giáo dục, âm nhạc, hoạt hình được chọn lọc bởi ban biên tập của Google. Tính năng này sẽ giúp phụ huynh có thể giới hạn những nội dung video cho trẻ chỉ nằm trong phạm vi những kênh đã qua chọn lọc. Nhờ vậy, phụ huynh có thể phần nào kiểm soát được nội dung và bảo vệ trẻ khỏi những video mang tính “độc hại” trên YouTube.

“Nhìn chung, gia đình vẫn là những người gần và sát sao nhất, đóng vai trò then chốt và có ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen sử dụng mạng xã hội của trẻ. Nhìn rộng ra, điều này góp phần xây dựng và định hình nhân cách của trẻ”, chị Trang khẳng định.

dong-hanh-dung-la-chan3.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Hiểm họa từ thói quen tưởng chừng vô hại

Trên thực tế, đa phần phụ huynh đều ủng hộ các quy định như giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội của trẻ em, song không ít cha mẹ lại không làm gương cho con. Nhiều người thường cấm con chơi game, sử dụng TikTok hay Facebook song chính bản thân phụ huynh cũng “nghiện” mạng xã hội.

Thậm chí, không ít trường hợp, phụ huynh đã gián tiếp biến con mình trở thành “nạn nhân” của mạng xã hội - nơi được ví như một “sòng bạc” - trong đó mỗi người dùng là “con bạc”, có nhiệm vụ đặt cược vào nội dung bản thân sáng tạo mỗi ngày. Ai cũng có mong muốn xây dựng nội dung thu hút được nhiều lượt thích, bình luận tích cực và chia sẻ đồng tình. Do đó, họ cần tính toán xem phải sáng tạo nội dung như thế nào để thu hút được tương tác. Song đôi lúc, chính bản thân họ cũng không lường trước được những hệ lụy đằng sau mạng ảo.

Là một nhà sáng tạo nội dung, chị Nguyễn Thị Khánh L. (32 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thường chia sẻ những video về cuộc sống hàng ngày của gia đình lên nền tảng số. Những video chân thực về cuộc sống giản dị và ấm áp của gia đình nhỏ thu hút được sự quan tâm và yêu mến của cộng đồng mạng. Đặc biệt, sự đáng yêu và lém lỉnh của con gái chị L. là bé B. được nhiều người chú ý. Khi đạt được lượng tương tác và theo dõi nhất định, chị L. đã nhận thêm công việc livestream bán hàng, hợp tác với các nhãn hàng để bán sản phẩm. Đáng chú ý, một số phiên phát trực tiếp của chị L. có sự xuất hiện của bé B. được cộng đồng mạng đón nhận nhiệt tình, nhiều bình luận mong muốn bé B. sẽ góp mặt nhiều hơn trong các phiên bán hàng.

Chị L. cho biết, ban đầu, bé B. cũng rất hào hứng khi được xuất hiện trên mạng xã hội. Tuy nhiên, lịch làm việc kín mít khiến chị không có nhiều thời gian dành cho con. Bên cạnh đó, khi tới lớp, nhiều bạn bè của B. cũng trêu chọc, gọi bé là “hot TikToker” với thái độ không mấy thiện chí. Lúc này, chị L. nhận ra rằng chính mình đã biến con thành “nạn nhân” của mạng xã hội khi cho con tiếp xúc và xuất hiện trên mạng xã hội quá sớm, với tần suất dày đặc.

Trường hợp của chị L. không phải cá biệt. Hiện, nhiều bố mẹ có thói quen khoe hình ảnh, video của con trên khắp các nền tảng mạng xã hội nhằm lưu giữ kỷ niệm. Đôi khi, việc cha mẹ đăng tải hình ảnh, clip ghi lại khoảnh khắc không đẹp, những câu chuyện về lỗi lầm của con như khóc ăn vạ, cãi bố mẹ, con có thái độ xấu,... vô tình đã để con trở thành đối tượng bị bàn tán của đám đông. Điều đó dẫn đến việc trẻ có thể phải hứng chịu những tổn thương về tinh thần, bị phán xét, chê bai. Bạo lực không chỉ xảy ra tại trường học, ở không gian thực nữa mà đã, đang và sẽ là mối đe dọa trên mạng Internet, đặc biệt là mạng xã hội. Thậm chí, nó còn gây ảnh hưởng, hậu quả nặng nề, kinh khủng và nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ.

Đáng lo ngại hơn, nhiều phụ huynh vẫn vô tư công khai, cho phép người lạ theo dõi hình ảnh, video về con mình. Việc làm tưởng như vô hại song thực tế lại có nhiều hiểm họa rình rập. Việc bất kỳ ai trên mạng cũng biết con bạn học trường nào, tên con là gì, nhà ở đâu, yêu thích những gì, thói quen hàng ngày,... sẽ rất nguy hiểm khi bị lọt vào tay đối tượng xấu. Trên thực tế, không ít trường hợp gia đình bị lừa đảo số tiền lớn với chiêu thức báo tin con bị cấp cứu. Trong đó, nhiều thông tin riêng tư do chính gia đình tự để lộ ra ngoài khi vô tư công khai mọi thông tin của con lên mạng xã hội.

Trong bối cảnh môi trường mạng ngày càng trở nên phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho trẻ, việc xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu và cần sự chung tay của toàn xã hội. Hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em đang ngày càng hoàn thiện để bảo vệ tốt hơn khỏi những mối nguy hiểm tiềm ẩn từ môi trường số.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, thì phụ huynh phải ý thức bảo vệ con trẻ, chủ động giáo dục con em khi tham gia mạng xã hội. Ở đó, bố mẹ vừa đóng vai trò là bạn, vừa là những chuyên gia để bảo vệ con trẻ an toàn và tiếp thu những cái tốt. Đặc biệt, chính bản thân các bậc phụ huynh cũng cần ý thức làm gương nhằm bảo vệ trẻ trên không gian mạng, góp phần định hình nhân cách ngay từ nhỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ