Sinh con ra, tốt nhất là tự mình nuôi con trong 3 năm đầu, nhưng nếu dành ra 3 năm để nuôi con thì ắt hẳn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến công việc. Nếu không nuôi con thì không đành lòng. Quả thật là tiến thoái lưỡng nan. Trong tình huống này, bạn sẽ lựa chọn ra sao?
Tỷ phú Lý Gia Thành từng nói: “Dù sự nghiệp của một người có thành công đến đâu cũng không bù lại được sự hối tiếc do thất bại trong việc giáo dục con cái!”
Nhiều cha mẹ luôn nói rằng cuộc sống rất vất vả và khó khăn, không muốn con phải chịu khổ nên cần phải cố gắng làm việc, kiếm thật nhiều tiền thì mới có thể cho con cái một cuộc sống tốt hơn, thế nhưng có lẽ điều các con cần chỉ là được cha mẹ ở bên mà thôi.
Hơn nữa, việc giáo dục con cái căn bản không thể bù đắp lại được, nếu không dạy dỗ con thật tốt từ khi còn bé, sau này lớn lên thật sự rất khó thay đổi được.
“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, khi những đứa trẻ sinh ra đời, đều như một tờ giấy trắng, rất đơn giản và thiện lương. Nhưng sau này vì sao lại có những đứa trẻ trở thành những người ngoan ngoãn, học giỏi, biết lý lẽ, còn một số đứa trẻ khác lại trở thành người hung dữ, vô lễ?
Nguyên nhân lớn nhất chính là sự giáo dục của cha mẹ. Vì thế, dù kiếm được bao nhiêu tiền, sự nghiệp phát triển thuận lợi đến đâu mà không làm tốt được việc giáo dục con cái thì sau này khi về già bạn sẽ phải hối hận.
Tuy cha mẹ không cần dành tất cả thời gian cho con cái, nhưng tuyệt đối không thể dùng sự nghiệp để thay thế các con được.
Một nhà đầu tư nổi tiếng nói: “Bản chất của hạnh phúc thật ra chính là một loại cảm giác, loại cảm giác gì? Hạnh phúc là cảm giác có ý nghĩa khi theo đuổi niềm vui”.
Trong dòng chảy xã hội rộng lớn, vì sao lại có người tài giỏi, có người kém cỏi, nhân tố căn bản ở đây chính là giáo dục của cha mẹ.
Trẻ không thể lựa chọn cha mẹ, là cha mẹ đưa các con đến thế giới này, vì vậy khi các con còn bé, hãy giáo dục chúng thật tốt, ở bên bầu bạn cùng các con, đây là nhiệm vụ là người làm cha mẹ phải thực hiện.
Cũng như có người nói rằng trái tim của trẻ là một mảnh đất kì diệu: gieo hạt giống tư tưởng thì sẽ thu hoạch được hành vi; gieo hạt mầm hành vi thì sẽ thu hoạch được thói quen; gieo hạt mầm thói quen thì sẽ thu hoạch được phẩm chất đạo đức; gieo phẩm chất đạo đức thì sẽ thu hoạch được vận mệnh!
Gia tộc Edward ở Anh là một gia tộc học thức đúng nghĩa. Cụ Edward là nhà triết học đa tài, ông vô cùng nghiêm túc cần mẫn. Con cháu của ông có 13 người làm hiệu trưởng các trường đại học, 100 người làm giáo sư, hơn 80 người làm nhà văn, hơn 60 người làm bác sĩ, một người từng làm đại sứ, hơn 20 người là nghị viên.
Ngoài ra cũng ở Anh còn có gia tộc Juke khác một trời một vực. Ông Juke là một con rượu và con bạc nổi tiếng khắp nơi, ăn không ngồi rồi. Gia tộc này đến nay đã truyền lại 8 đời, con cháu đời sau có hơn 300 người từng là người ăn xin và vô gia cư, hơn 400 người nghiện rượu đến tàn tạ hoặc qua đời, hơn 60 người từng phạm tội gian lận hoặc trộm cắp, 7 kẻ sát nhân, cả gia tộc không có một ai có tiền đồ.
Một đứa trẻ sau này có thể trở thành người như thế nào phần lớn phụ thuộc vào trình độ của cha mẹ và sự giáo dục từ gia đình trong quá trình trưởng thành những năm đầu đời.
Con cái là hình ảnh phản chiếu, là bản sao của cha mẹ. Để bồi dưỡng phẩm chất đạo đức của các con, bản thân người làm cha mẹ phải tự kiểm soát hành vi của mình, làm gương cho con mọi lúc mọi nơi. Hành vi tốt hay xấu của con đều là kết quả từ sự giáo dục của cha mẹ.
(Ảnh qua yeutretho.com)
Vận mệnh cả đời của con trẻ nằm trong tay cha mẹ, nếu cha mẹ yêu cầu nghiêm khắc ở bản thân, làm gương cho con cái, cố gắng bồi dưỡng phẩm chất đạo đức của con, tích cực tạo ra những điều kiện giúp con trẻ có tương lai tốt đẹp thì bản thân cha mẹ cũng trở thành một người vĩ đại.
Mọi sự thành công trong sự nghiệp đều không thể bù đắp được thất bại trong việc dạy con!