“Viết xong Tiến quân ca, cha tôi đã khóc”
Một trong những tâm niệm lúc sinh thời của cố nhạc sĩ Văn Cao đó là hiến tặng bài Quốc ca cho Quốc hội Nhà nước Việt Nam. Theo họa sĩ Văn Thao, tâm niệm của cha ông xuất phát từ những ký ức lịch sử mà bài hát Tiến quân ca ra đời, vào tháng 10/1944. Thời điểm đó NS Văn Cao được phân công phụ trách tờ báo Độc lập, tờ báo đầu tiên của nước ta.
Theo chỉ thị, trước khi tờ báo ra đời, cần có bài hát cho các đội quân cách mạng được thành lập trong kháng chiến quân khu để hát khi ra trận. Văn Cao được phân công nhiệm vụ sáng tác và ông lấy tên là Tiến quân ca. Trong suy nghĩ của ông, cái tên đó vừa dễ hát, dễ thuộc vừa như một lời hiệu triệu. Điều này phù hợp với tình hình bởi các đội quân lúc đó đa số là đồng bào dân tộc.
Nhạc sĩ Văn Cao.
Sau khi sáng tác xong, ca khúc cần in và phổ biến ngay để công khai nhưng là công khai trong bí mật. Tự tay NS Văn Cao mang sang nhà in ở Bát Tràng, Hà Nội rồi cũng tự tay ông học ghi chép các nốt nhạc lên trên một phiến đá.
Tháng 11/1944, số đầu tiên của tờ báo ra đời, trong đó có bài Tiến quân ca. Sau đó, nhà in được chuyển đi nơi khác. Để giữ bí mật, phiến đá được ném xuống ao. Sau giải phóng, ông trở lại làng Bát Tràng, tìm đến chỗ bờ ao năm xưa và cùng mọi người vớt tảng đá lên. Hiện nay kỷ vật lịch sử này đang được trưng bày trong Bảo tàng Quốc gia Việt Nam.
Sở dĩ gia đình cố nhạc sĩ muốn hiến tặng bài hát Quốc ca cho Quốc hội Nước Việt Nam bởi đây là bài hát được Bác Hồ lựa chọn trong Kỳ họp Đại hội đầu tiên của dân tộc, là cơ quan đại diện cho nhân dân.
Họa sĩ Văn Thảo nhớ lại: “Khi bài hát được viết xong, cha tôi cũng đã khóc. Ông nói, kể từ hôm nay bài hát Tiến quân ca đã không còn là của tôi nữa. Nó đã là của nhân dân”.
Cách đây 10 năm, gia đình tôi có gửi thư lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với mong muốn được hiến tặng bài hát cho đất nước. Nhưng vì lý do nào đó mà sự việc lãng đi. Gần đây gia đình tôi lại bày tỏ nguyện vọng thêm lần nữa. Chúng tôi cũng đã thống nhất là tự nguyện hiến tặng mà không đòi hỏi bất cứ điều gì.
Nhiều lần gặp Bác Hồ trước đó nhưng phải đến năm 1949, khi viết ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch, nhạc sĩ Văn Cao mới có dịp tìm hiểu nhiều hơn về Người.
Ông đã chọn cách đi nhiều nơi trong chiến khu, tiếp xúc với người dân, hỏi chuyện bộ đội để cảm nhận tình cảm mà mọi người dành cho Bác. Vị nhạc sĩ chứng kiến và nhận ra tình cảm nhân dân dành cho Bác Hồ, và hiểu vai trò không gì có thể thay thế được của Bác đối với dân tộc Việt Nam. Hình ảnh của một vị lãnh tụ hiện lên giản dị và gần gũi trong suy nghĩ của Văn Cao, thôi thúc ông nhanh chóng hoàn thành ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch.
Con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao cũng cho biết giai điệu và ca từ mở đầu ca khúc được lấy cảm hứng từ chính hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trưởng Ba Đình ngày 2/9/1945. Lúc đó, NS Văn Cao đứng ở dưới với tư cách thành viên trong Việt Minh cùng với hàng vạn đồng bào khác hướng lên khán đài lắng nghe giọng đọc của Bác.
Cất giọng hào hứng theo giai điệu bài hát, con trai trưởng nhạc sĩ không quên những dòng ký ức do cha mình để lại: “Ông nhớ như in hình ảnh mọi người chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời Bác nói. Thế nên mới có những lời mở đầu là Người về mang tới niềm vui/ Mùa thu lắng tỏa Ba Đình/ Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời/ Người về đem tới xuân đời từ đất nước cằn/ Từ bùn lầy cả cuộc đời vùng lên”
Cho đến nay, Ca ngợi Hồ Chủ tịch vẫn được xem là bài hát sang trọng và là một trong những sáng tác hay nhất viết về chủ tịch Hồ Chí Minh. Con trai tác giả Tiến quân ca cho biết: ‘Chữ Người mà Văn Cao sử dụng để chỉ Bác Hồ trong Ca ngợi Hồ Chủ tịch sau này đã được đông đảo nhân dân sử dụng để gọi Bác. Bây giờ mỗi khi thấy chữ Người, chúng ta nghĩ ngay đến Chủ tịch Hồ Chí Minh mà không phải là ai khác”.
Tìm suối thực để nhớ suối mơ
Dựng một ngôi nhà bên suối, dưới chân một quả đồi, nằm lặng lẽ và cách xa trung tâm Hà Nội gần 100 cây số, họa sĩ Văn Cao, con trai cả và là người nắm giữ nhiều tư liệu quý về nhạc sĩ Văn Cao xem đây như một cách để đến gần hơn nữa với cuộc đời cha mình. Ông nói, khi tôi tìm đến chốn này và quyết định xây nhà ở đây, tôi có cảm giác như cha đã xúi tôi làm vậy. Bờ suối này, ngọn đồi hoang vắng mà thanh tịnh này, khi xưa với cha tôi là mơ thì bây giờ với tôi là thực. Dù ở cõi mơ hay cõi thực thì chúng vẫn luôn đẹp, vẫn là nguồn cảm hứng cho mọi sáng tác trong nghệ thuật.
Không nổi tiếng bằng những nhạc phẩm giống cha, họa sĩ Văn Thao lại để lại dấu ấn trong dòng chảy của nền văn học nghệ thuật nước nhà bằng những bức họa tài ba. Ông là tác giả của rất nhiều bức tranh trong giới hội họa Việt Nam mà ít người biết đến, cũng bởi vì cái bóng quá lớn của cha ông, nhạc sĩ Văn Cao, tác giả của bài hát Quốc ca và hàng chục nhạc phẩm bất hủ khác.
Chỉ có điều, họa sĩ Văn Thao giống cha mình một cách lạ lùng, trong khi đa số các anh chị em của ông đều giống mẹ. Với mái tóc dài chải ngược, chòm râu bạc, ông là hình ảnh tái thế của nhạc sĩ Văn Cao khi còn sống.
Họa sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao.
Có lẽ chính vì điều này và còn nhiều điều bí mật khác giữa hai cha con ông nữa mà với họa sĩ Văn Thao, nhạc sĩ Văn Cao không chỉ là đấng sinh thành mà còn là một người thầy, một tri kỷ, một người bạn để có thể dốc hết mọi tâm sự vui buồn.
Ở cái tuổi 70, càng về già và lựa chọn một cuộc sống lặng lẽ, ông càng nhớ cha nhiều hơn. Suốt cả một cuộc nói chuyện với hơn 2 giờ đồng hồ, ông lặp lại rất nhiều câu nói: “Tôi thương cha mình lắm”.
Theo họa sĩ Văn Thao, sau ngày cha ông mất, ông cùng vợ đã lặn lội khắp đất nước để đi tìm và nghiên cứu các tư liệu về cuộc đời nhạc sĩ Văn Cao. “Có quá nhiều điều mà trước đó chúng tôi đã vì mải mê bận rộn với cuộc sống của riêng mình mà không thể giúp ông lưu giữ”, người họa sĩ cho biết.