Chó, mèo chết thành món khoái khẩu
Người dân xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) gọi ông Tĩnh là “Tĩnh chó” để đặc tả sở thích quái dị của ông.
Chính ông Tĩnh cũng thoải mái xác nhận: “Suốt 14 năm qua, trong nhà tôi không thiếu gì thịt chó, thịt mèo. Người ta không dám ăn chứ tôi thì lại rất thích, mà cứ phải là thịt chó, mèo ở bãi rác Nam Sơn tôi mới ăn. Còn đi mua ở ngoài quán về, tôi nuốt không trôi”.
Về nguyên nhân dẫn đến hành động dị thường của mình, ông Tĩnh kể, năm 2001, khi đó, gia đình ông thuộc diện nghèo khó nhất vùng. Cả gia đình ông sống dựa vào việc lượm nhặt rác thải ở bãi rác Nam Sơn.
Ông Tĩnh chia sẻ với PV |
“Ở bãi rác, người ta vứt xác động vật vào một khu cho đỡ hôi thối. Lúc ấy, trong đầu tôi có suy nghĩ “nhiều gia đình còn chẳng có thịt chó, mèo mà ăn. Vậy mà bây giờ đem đi vứt” nên tôi mới thử nhặt một vài con chó, mèo mới chết về chế biến cho cả nhà”, ông Tĩnh nói.
Ngày đó, có được miếng thịt trong bữa ăn là niềm mơ ước của cả gia đình ông Tĩnh nên chẳng ai nghĩ đến chuyện nhặt nó từ bãi rác mà ghê sợ. Ông Tĩnh bảo: “Lần đầu, gia đình tôi ăn ngấu nghiến, các con khen ngon, vợ tôi cũng nói thế. Bản thân mình sau giây phút vật vã với đống rác thì cũng có “mồi” nhắm rượu” nên lấy làm vui lắm. Từ đó, ngày nào gặp xác động vật mới chết ở bãi rác, tôi cũng lấy về ăn”.
Việc tận dụng xác động vật ở bãi rác Nam Sơn làm thức ăn giúp gia đình ông Tĩnh tiết kiệm được một khoản không nhỏ hàng tháng. Ông Tĩnh cũng cho biết, dù ăn xác động vật nhưng bụng dạ ông vẫn rất tốt. “Sau này, do ăn nhiều thành quen. Cứ như vậy, nhiều năm rồi xác động vật chết ngoài bãi rác trở thành nguồn cung cấp thức ăn miễn phí cho gia đình tôi”, ông Tĩnh khoe.
Lâu dần thành “nghiện”
Ông Tĩnh cho biết, hầu như ngày nào ra ngoài bãi rác ông cũng nhặt được xác động vật. Là người có thâm niên trong “nghề”, ông rút ra được kinh nghiệm: “Cứ vào tầm tháng 8 đổ đi đến hết năm thì xác chó, mèo... nhiều vô kể. Chắc do lạnh, sức đề kháng kém nên động vật chết nhiều lắm. Nhất là vào mùa đông, xác động vật càng lâu phân hủy nên mang về nhà chế biến thịt càng ngon”.
Điều đáng nói, hiện tại dù kinh tế gia đình ông Tĩnh đã khá giả hơn, con cái đi làm mỗi tháng đưa về cho ông Tĩnh hàng chục triệu đồng nhưng ông Tĩnh vẫn giữ thói quen ăn uống không giống ai này.
Ngôi nhà hai tầng khang trang của gia đình ông Tĩnh. |
Được biết, ngoài chó thì xác loại động vật mà “dị nhân” yêu thích nhất là mèo. Ổng nói: “Nhiều bữa, tôi nhặt được cả con mèo nặng tới 4kg. Chế biến bộ lòng của nó là nhất, cũng bởi vậy mà mấy bợm nhậu vẫn có câu “nhất lòng mèo, nhì phèo ngựa”.
Ông Tĩnh còn cho biết, ngoài việc đi nhặt xác động vật về ăn, ông còn nhận mua chó, mèo... từ những người đi nhặt rác ngoài bãi. “Thường những con vật này đã chết, họ bán lại cho mình rẻ lắm chỉ 5.000- 20 000 đồng/con thôi. Nhiều khi ăn không hết tôi chế biến rồi để vào tủ lạnh ăn dần”.
Trước nghi vấn về sức khỏe khi ăn xác động vật chết, ông Tĩnh lấy mình ra làm bằng chứng khi nói:"Bao năm nay tôi và người trong gia đình vẫn khỏe mạnh, có ốm đau gì đâu. Những xác động vật mang về nhà, tôi chế biến cẩn thận lắm. Tôi cứ cho muối nấu lên là ngon hết. Có muối là tiệt trùng, vi khuẩn chết cả rồi. Mọi người gọi tôi là "Tĩnh chó" cũng không làm tôi phật ý, trái lại còn cảm thấy cái tên đó rất hợp với mình”.
Trao đổi với PV về việc ăn xác động vật chết của gia đình ông Tĩnh, TS Phan Thành Sơn – Công tác tại Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm cho biết: “Khi động vật chết thân xác sẽ bị phân hủy, các vi sinh vật bên trong cơ thể sẽ phát sinh gây ra độc tố nguy hại. Đó là chưa kể có nhiều trường hợp động vật chết do ăn phải chất độc hoặc dịch bệnh. Khi đó, việc ăn thịt động vật đó càng trở nên nguy hiểm, mối nguy hại cho người ăn rất lớn. Có trường hợp bị ngộ độc dẫn tới nôn mửa, tiêu chảy, sốt phát ban hoặc nặng thì có thể dẫn tới tử vong”.