Giá đắt từ 'lỗ hổng' quản lý trong vụ kit test Việt Á

GD&TĐ - Việc buông lỏng quản lý, thiếu kiểm soát từ Bộ KH&CN, Bộ Y tế đã mở đường cho Công ty Việt Á chiếm thị trường kit xét nghiệm Covid-19.

Lực lượng y tế xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Ảnh: TL
Lực lượng y tế xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Ảnh: TL

Việc buông lỏng quản lý, thiếu kiểm soát từ Bộ KH&CN, Bộ Y tế đã mở đường cho Công ty Việt Á chiếm thị trường kit xét nghiệm Covid-19 tại các địa phương để nâng giá và hưởng lợi hàng nghìn tỷ đồng.

Thiếu kiểm tra, giám sát

Ở các số báo trước (236 và 237), Báo GD&TĐ đã phản ánh, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao đã có cáo trạng truy tố với 38 bị can vụ án Việt Á. Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an (C03) cũng chỉ ra phương thức hành vi dẫn đến hành vi phạm tội.

Trong số 38 bị can thì có 6 người bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” là: Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Nguyễn Huỳnh, cựu Thư ký của Nguyễn Thanh Long; Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ KH&CN; Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình Y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.

Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Vũ Đình Hiệp (Phó Giám đốc Công ty Việt Á) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”. Phan Tôn Noel Thảo và Hồ Thị Thanh Thảo, trợ lý tài chính và thủ quỹ của Công ty Việt Á, bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”. Cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trong vụ án này, Phan Quốc Việt bị xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Ngoài 38 bị can bị truy tố, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng chỉ ra nhiều lãnh đạo, cán bộ có liên quan. Đặc biệt tại hai Bộ (KH&CN và Y tế).

Tiêu biểu, đối với một số cá nhân tại Bộ KH&CN gồm: Ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ KH&CN, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ KH&CN có trách nhiệm liên quan trong việc quản lý, khen thưởng, thông tin tuyên truyền đề tài nhưng không được ai can thiệp, tác động. Bên cạnh đó, không can thiệp, tác động hoặc thông đồng thỏa thuận với đơn vị, cá nhân nào và không được hưởng lợi.

Vì vậy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an không xem xét trách nhiệm hình sự, kiến nghị xử lý theo quy định về Đảng, chính quyền.

Riêng hành vi sai phạm của Trịnh Thanh Hùng và Phan Quốc Việt gây thất thoát 18,98 tỷ đồng tiền ngân sách chi cho nghiên cứu đề tài đã được Cơ quan điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng điều tra, xử lý theo thẩm định nên không cập nhật xử lý trong vụ án này.

Đối với một số cá nhân tại Bộ Y tế gồm: Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký 2 quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời và chính thức cho kit xét nghiệm để Công ty Việt Á sản xuất bán thương mại thu lợi bất chính, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đây không phải lĩnh vực ông Sơn phụ trách, không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Công ty Việt Á và không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Ông Nguyễn Trường Sơn đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thủ tướng ra quyết định kỷ luật nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an miễn trách nhiệm hình sự.

Tương tự, ông Trương Quốc Cường - cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng cấp số đăng ký lưu hành đã thiếu kiểm tra trong việc cấp sổ đăng ký lưu hành, gia hiệp thương nhưng không thông đồng và không có động cơ vụ lợi, động cơ cá nhân. Các sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Thanh Long và các bị can khác. Vì vậy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an không xem xét trách nhiệm đối với ông Cường là phù hợp.

Bài học lớn với bộ, ngành địa phương

Tại Bộ KH&CN, ông Chu Ngọc Anh giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ KH&CN từ 9/4/2016 đến ngày 12/11/2020; ông Huỳnh Thành Đạt giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ KH&CN từ ngày 12/11/2020 đến nay. Ông Phạm Công Tạc giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ KH&CN từ ngày 16/8/2014 đến ngày 6/6/2022. Còn tại Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Long giữ chức vụ Thứ trưởng từ 14/12/2011 đến 30/10/2018 và từ ngày 31/1/2020 đến ngày 27/3/2020, Thứ trưởng thường trực từ ngày 27/3/2020 đến 7/7/2020, quyền Bộ trưởng từ ngày 7/7/2020 đến ngày 12/11/2020, Bộ trưởng từ ngày 12/11/2020 đến ngày 6/6/2022.

Kết quả điều tra cho thấy, số lượng kit test mà Công ty Việt Á đã sản xuất trong các năm 2020 và 2021 là hơn 8,7 triệu test.

Trong đó, Công ty Việt Á đã ký hợp đồng bán cho các đơn vị, cơ sở y tế là hơn 8,3 triệu test (đã thanh toán 4,5 triệu test) hưởng lợi hơn 1.235 tỷ đồng.

Đặc biệt, Phan Quốc Việt và đồng phạm có hành vi phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 402 tỷ đồng tại 19 tỉnh, thành phố.

Trên cơ sở kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án, Viện KSND tối cao xác định, trong các nguyên nhân, điều kiện phạm tội của các bị can có nguyên nhân xuất phát từ các vi phạm thiếu sót trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh.

Để hạn chế việc thất thoát, thiệt hại tài sản Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan, Viện KSND tối cao kiến nghị nhiều nội dung.

Trong đó, Bộ KH&CN tăng cường trách nhiệm quản lý kết quả nghiên cứu các đề tài thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ trưởng Bộ KH&CN làm đại diện chủ sở hữu.

Bộ KH&CN phải kiểm soát hoạt động của các cơ quan chuyên môn về quản lý nhiệm vụ KH&CN, quản lý sinh phẩm y tế, đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.

Với Bộ Y tế, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi sai phạm trong công tác cấp sổ đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan đơn vị liên quan có biện pháp quản lý giá đối với các vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm.

Viện KSND tối cao kiến nghị Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác thẩm định giá. Bên cạnh đó, xem xét xử lý hành chính rút giấy phép hoạt động đối với công ty thẩm định giá có sai phạm đã kết luận trong vụ án.

“UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế của các đơn vị, cơ sở y tế công lập phòng ngừa các vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực đấu thầu...”, Viện KSND tối cao nêu rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.