Quan chức 'chống lưng' cho Việt Á thổi giá kit test

GD&TĐ - Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) đưa hối lộ hơn 106 tỷ đồng cho nhiều đơn vị, cán bộ và quan chức.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) đưa hối lộ hơn 106 tỷ đồng cho nhiều đơn vị, cán bộ và quan chức. Từ đó chiếm lĩnh thị trường, thổi giá kit test xét nghiệm Covid-19 tại nhiều địa phương với giá cao, hưởng lợi bất chính hơn 1.235 tỷ đồng.

Truy tố 38 bị can

Ngày 2/10, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao đã có cáo trạng truy tố 38 bị can trong vụ án Công ty Việt Á về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trong số này, 6 người bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” là: Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký của Nguyễn Thanh Long); Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương); Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ KH&CN); Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế); Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế).

Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Vũ Đình Hiệp (Phó Giám đốc Công ty Việt Á) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.

Phan Tôn Noel Thảo và Hồ Thị Thanh Thảo, trợ lý tài chính và thủ quỹ của Công ty Việt Á, bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”. Cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Các bị can khác gồm nhiều vụ trưởng, vụ phó cấp bộ; cán bộ UBND hoặc Tỉnh ủy và lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế, cán bộ CDC của 24 tỉnh, thành phố. Trong vụ án này, Phan Quốc Việt bị xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Theo cáo trạng, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 bùng phát, Phan Quốc Việt biết chủ trương nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch nên xin cùng tham gia đề án.

Sau đó, bằng nhiều thủ đoạn, các bị can thực hiện chuỗi hành vi sai phạm, biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu của đề án thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, sản xuất, bán thương mại trên cả nước với giá đã được nâng khống, thu lời bất chính đặc biệt lớn.

Để được tham gia nghiên cứu, cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm, hiệp thương giá, Phan Quốc Việt bị cáo buộc đưa hối lộ hơn 106 tỷ đồng, trong đó có 3 triệu USD và 4 tỷ đồng (tổng 82 tỷ đồng) chi cho 6 quan chức.

Đồng thời, để Công ty Việt Á được thuận lợi trong việc tiêu thụ kit test, thu lời bất chính, Phan Quốc Việt trực tiếp hoặc chỉ đạo 7 nhân viên phụ trách vùng, liên hệ làm việc và thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo, cán bộ các công ty trung gian (Công ty Việt Á bán cho các đơn vị, cơ sở y tế qua công ty trung gian) hoặc lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế để Công ty Việt Á giao kit test và các thiết bị, vật tư y tế khác cho các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng trước.

Sau đó, thông đồng hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng để đơn vị, cơ sở y tế thanh quyết toán, chuyển tiền cho Công ty Việt Á/công ty trung gian theo đơn giá do Công ty Việt Á/công ty trung gian đưa ra.

Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc nhận 2,25 triệu USD (51 tỷ đồng), ông Trịnh Thanh Hùng nhận 350.000 USD (8 tỷ), ông Nguyễn Minh Tuấn nhận 300.000 USD (6,9 tỷ), ông Nguyễn Huỳnh nhận 54 tỷ đồng (trong đó đưa cho ông Nguyễn Thanh Long 50 tỷ, hưởng lợi 4 tỷ), ông Nguyễn Nam Liên nhận 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng). Trong giai đoạn bán kit xét nghiệm, Phan Quốc Việt đưa hối lộ cho Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến 27 tỷ đồng.

Biến tài sản công thành tư

Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Thanh Long và thư ký Nguyễn Huỳnh bị cáo buộc đã can thiệp, chỉ đạo giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm, hiệp thương giá.

Giai đoạn tố tụng, ông Nguyễn Thanh Long được đánh giá thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án. Ngoài ra, ông Long có thành tích xuất sắc trong công tác, đã nộp khắc phục số tiền nhận từ Phan Quốc Việt.

Cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh.
Cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh.

Ông Chu Ngọc Anh làm Bộ trưởng Bộ KH&CN từ tháng 4/2016 đến tháng 9/2020. Ông Chu Ngọc Anh ký quyết định phê duyệt cho Học viện Quân y chủ trì, phối hợp cùng Công ty Việt Á thực hiện đề tài nghiên cứu với kinh phí 19 tỷ đồng từ ngân sách. Cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN sau đó còn biết Công ty Việt Á sử dụng kết quả nghiên cứu để bán sản phẩm kit xét nghiệm thương mại.

Ông Chu Ngọc Anh còn ký quyết định khen thưởng; đề nghị Chính phủ khen thưởng Công ty Việt Á. Vị này chỉ đạo cấp dưới ký công văn gửi UBND TP Hồ Chí Minh, đề nghị giúp Công ty Việt Á được tặng Huân chương Lao động hạng Ba dù không đúng đối tượng, thành tích.

Những hành động trên của ông Chu Ngọc Anh, theo cáo trạng, là hỗ trợ truyền thông, quảng bá hình ảnh, tạo điều kiện để Việt Á biến test từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm thương mại của riêng doanh nghiệp.

Sau khi làm những việc trái quy định và có lợi cho Công ty Việt Á, ông Chu Ngọc Anh được Phan Quốc Việt tặng 200.000 USD, còn Phạm Công Tạc - cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN được nhận 50.000 USD.

Tuy vậy, cả vị cựu Bộ trưởng và cựu Thứ trưởng không bị xử lý về tội “Nhận hối lộ”, họ cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Cơ quan điều tra phân tích, khoản nhận trên là tiền “hưởng lợi” do lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Các cán bộ trên được xác định “không có sự bàn bạc, gây khó khăn” để Phan Quốc Việt phải đưa tiền nên không cấu thành hành vi đưa, nhận hối lộ.

Trong năm 2020 và 2021, Công ty Việt Á đã sản xuất 8,7 triệu kit test và tiêu thụ được 8,3 triệu sản phẩm. Doanh nghiệp được Nhà nước thanh toán 2.250 tỷ đồng, hành vi của Việt gây thiệt hại số tiền là hơn 1.235 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho ngân sách Nhà nước là 402 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...