Ghi nhận tích cực triển khai thử nghiệm nội dung mới Chương trình GDMN ở Nghệ An

GD&TĐ - Nghệ An đã chọn thử nghiệm tại 3 trường mầm non tại 3 huyện, thị trấn, thành phố, đảm bảo tính đa dạng về vùng miền và khu vực...

Kết quả triển khai thí điểm thử nghiệm Chương trình Giáo dục mầm non ở Nghệ An.
Kết quả triển khai thí điểm thử nghiệm Chương trình Giáo dục mầm non ở Nghệ An.

Chọn sự đa dạng

Nghệ An là địa phương thuộc khu vực Bắc Trung bộ, có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (16.490 km2), dân số hơn 3,3 triệu người với 26 dân tộc anh em sinh sống; trong đó, dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ khoảng 88%, các dân tộc khác trên 12% gồm các dân tộc: Thái, H’Mông, Khơ Mú, Thổ (Đan Lai, Tày Poọng, Lý Hà), Ơ Đu,... sinh sống chủ yếu ở các huyện vùng miền núi. Dân số vùng dân tộc miền núi chiếm khoảng 41%; có 82 km bờ biển và có 419 km biên giới với nước bạn Lào.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Khoa: Nghệ An chọn 3 trường mầm non (MN) tại 33 địa bàn tham gia thử nghiệm gồm Trường mầm non Tuổi Ngọc (TP Vinh), Trường mầm non Nghi Hoa (huyện Nghi Lộc) và Trường mầm non Thị trấn (huyện Thanh Chương). Các trường thử nghiệm đại diện cho đối tượng có sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội (đồng bằng/thành thị/vùng thuận lợi, miền núi/nông thôn/vùng khó khăn, có trẻ em là người dân tộc thiểu số), nhưng đều đáp ứng các điều kiện thử nghiệm Chương trình GDMN mới.

Việc thí điểm thử nghiệm Nghệ An chọn các trường đảm bảo tính đa dạng vùng miền.

Việc thí điểm thử nghiệm Nghệ An chọn các trường đảm bảo tính đa dạng vùng miền.

Quá trình tổ chức triển khai thử nghiệm, cấp Tỉnh đã xây dựng khung kết quả mong đợi (KQMĐ) cuối 5 tuổi và 3 tuổi trong Chương trình quốc gia. Xây dựng hệ thống chủ đề lớn/dự án, tổ chức điều tra, lấy ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ trẻ đối với khung KQMĐ ở từng độ tuổi, điều chỉnh phù hợp và cụ thể hóa KQMĐ các độ tuổi. Trao đổi, lấy ý kiến của CBQL, GV, cha mẹ trẻ để hoàn thiện KQMĐ cho 4 độ tuổi.

Ghi nhận thực tế

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cấp trường, lớp: Đã điều chỉnh khung năng lực của tỉnh cho phù hợp với sự phát triển của trẻ em cuối 5 tuổi và cuối 3 tuổi của từng đơn vị trường và phân chia KQMĐ theo từng độ tuổi. Điều chỉnh chủ đề nhỏ trong từng chủ đề lớn của hệ thống chủ đề, dự án học tập của tỉnh và phân chia theo tháng. Xây dựng Kế hoạch giáo dục của nhà trường. Từng khối/lớp: Đối với mỗi chủ đề nhỏ, giáo viên đã xác định các nội dung giáo dục và hoạt động giáo dục gần gũi với kinh nghiệm sống của trẻ và văn hóa của địa phương để tổ chức thực hiện.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy có sự thay đổi về nhận thức, thực hiện: Nhiều giáo viên đã mạnh dạn thay đổi: Biết lựa chọn kết quả mong đợi, nội dung phù hợp với sự phát triển của trẻ trong nhóm lớp; điều kiện của địa phương. Một số giáo viên còn linh hoạt thay đổi cách bố trí lớp học, không gian học, thay đổi các hình thức tổ chức chơi để trẻ học một cách thoải mái, hứng thú.

Phần lớn giáo viên khi triển khai kế hoạch giáo dục của Chương trình thực nghiệm diễn ra sôi nổi, mới mẻ. Nhiều giáo viên đã vận dụng tốt phương pháp tổ chức hoạt động trải nghiệm, trao quyền chủ động cho trẻ tự khám phá, tạo tâm thế hào hứng và các hoạt động chơi và học giúp trẻ đạt các kết quả mong đợi một cách nhẹ nhàng.

Trẻ thoải mái tham gia các hoạt động sinh hoạt nhóm.

Trẻ thoải mái tham gia các hoạt động sinh hoạt nhóm.

Về cơ bản khung KQMĐ và nội dung giáo dục của địa phương được điều chỉnh phù hợp với kinh nghiệm sống của trẻ em trong cơ sở GDMN và văn hoá ở cộng đồng khi có sự tham gia góp của các đối tượng tham gia hỗ trợ (cán bộ trung ương, Sở GD&ĐT, phòng và giảng viên). Tỷ lệ trẻ em ở mức độ Khá và Tốt theo thang đánh giá cảm giác thoải mái và sự tham gia trong các hoạt động GD ở nhóm, lớp thử nghiệm đạt được tương đối cao (chiếm tỷ lệ trên 80%).

Chương trình GDMN mới thiết kế đảm bảo yêu cầu cơ bản. Tuy nhiên cần cụ thể hơn nữa KQMĐ cho từng tuổi để địa phương dễ dàng triển khai. Yêu cầu về các hoạt động trải nghiệm và dạy học theo dự án phù hợp với bối cảnh địa phương theo quan điểm chỉ đạo của chương trình mới còn chưa được thể hiện rõ nên rất khó để địa phương xác định các vấn đề này. Hơn nữa cách hướng dẫn các hoạt động theo hướng này cũng chưa rõ ràng nên khó áp dụng vào thực tiễn.

"Nghệ An kiến nghị với Ban biên soạn Chương trình GDMN mới: Cần thêm thời gian thử nghiệm để chứng minh tính khả thi của các vấn đề mới trong Chương trình GDMN mới. Các giáo viên tham gia thử nghiệm phải được tập huấn trực tiếp để được thực hành và cùng chia sẻ những vướng mắc băn khoăn. Cần tăng cường các hướng dẫn, mẫu bảng biểu gợi ý để quá trình thực hiện các bên thuận lợi hơn. Các có những hướng dẫn về mặt kỹ thuật, chuyên môn sâu hơn cho các trường thực hiện". - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Khoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ