Dự buổi gặp có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc; Bí thư Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT và 48 thầy cô giáo tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật.
Tại buổi gặp, các thầy cô giáo dạy học sinh khuyết tật đã chia sẻ niềm vui cũng như những khó khăn trong việc dạy học học sinh khuyết tật.
Theo các thầy cô giáo, khó khăn lớn nhất không phải là việc hàng ngày kiên trì dạy bảo các em mà là việc thiếu các phương tiện dành cho giáo dục trẻ khuyết tật, cụ thể như sách giáo khoa dành cho trẻ khiếm thính, khiếm thị chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, cập nhật chậm so với sách giáo khoa phổ thông đã gây khó khăn trong đào tạo trẻ khuyết tật.
Thầy Võ Duy Quang - giáo viên Trường khiếm tính tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trong quá trình giảng dạy không có giáo trình chuyên biệt dành cho trẻ em khiếm thính; trẻ khiếm thính chỉ được tham gia học tập tại trường tiểu học, chưa có các trường ở cấp học cao hơn cho trẻ khiếm thính, từ đó đã phần nào tách biệt trẻ khiếm thính với xã hội.
Còn cô Nguyễn Thị Liễu- giáo viên Trung tâm Giáo dục dạy nghề tỉnh Nghệ An bày tỏ: Tài liệu, SGK cho trẻ khiếm thính có nhưng thiếu nhiều so với nhu cầu.
Hiện nay, mới chỉ có bộ sách kí hiệu bằng kênh hình nhưng chưa có ngôn ngữ viết (chữ). Bộ sách này cũng mới chỉ được 3.750 từ, còn rất ít so với lượng từ mà người khiếm thính cần sử dụng hàng ngày.
Cô Liễu mong muốn bộ ngôn ngữ dành cho người điếc được hoàn thiện, thao kịp sự phát triển ngôn ngữ hiện đại và đề xuất Bộ GD&ĐT lưu tâm hỗ trợ thêm về tài liệu liên quan đến giáo dục trẻ đặc biệt để các thầy cô tiếp tục giáo dục cho trẻ khiếm thính tốt hơn.
Còn cô Trần Thị Tín Nghĩa - giáo viên trường dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ bày tỏ: Hiện nay, do điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều thiếu thốn nên mảng dạy nghề chỉ có may và thủ công mỹ nghệ, đầu ra chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, sau khi học xong các em không có việc làm.
Do đó, Bộ GD&ĐT cần có chủ trương mở rộng các ngành nghề đào tạo theo nhu cầu của xã hội và có sự phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp để tạo cơ chế giúp đỡ để các học sinh khuyết tật sau đào tạo có công việc phù hợp với khả năng của mình.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật |
Hiện nay, các trường và trung tâm đang đón nhận rất nhiều trẻ khuyết tật, trong đó, số lượng trẻ đa tật đang có xu hương tăng lên. Do đó, Bộ GD&ĐT cần có lộ trình đào tạo, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các thầy, cô trong giáo dục trẻ đa tật để đáp ứng với công việc tốt hơn.
Bên cạnh đó, các thầy cô giáo dạy học sinh khuyết tật cũng mong muốn nhận được chế độ chính sách tốt hơn của Nhà nước để họ yên tâm gắn bó với công việc.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc ghi nhận và gửi lời cảm ơn tới sự đóng góp và cống hiến của các thầy cô đang giảng dạy tại các Trường, Trung tâm giáo dục chuyên biệt.
"Nghề giáo đã là nghề cống hiến, hy sinh, nhưng đối với các thầy cô giáo dạy học sinh khuyết tật, những cống hiến, hy sinh đó còn nhiều hơn nữa. Mong các thầy cô sẽ luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết, tình yêu với nghề và đặc biệt với trẻ khuyết tật có hoàn cảnh kém may mắn, lấy việc giáo dục trẻ là niềm vui để giúp các em học tập, hòa nhập và trưởng thành, có nhiều đóng góp cho xã hội".
Tiếp thu ý kiến của các thầy cô giáo, Thứ trưởng khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện và hỗ trợ các thầy cô về chương trình, sách giáo khoa, chế độ cho giáo viên. Đồng thời, mong muốn các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội cùng cộng đồng trách nhiệm trong giáo dục học sinh khuyết tật, để phần nào giảm đi những thiệt thòi của các em.
Gửi lời chúc tới các thầy cô nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thứ trưởng mong rằng, các thầy cô giáo sẽ luôn giữ được tình yêu với trẻ khuyết tật và tiếp tục nỗ lực để thực hiện thật tốt nhiệm vụ giáo dục học sinh khuyết tật.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 48 giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật.