Tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp khối ngoài công lập thấp
Theo báo cáo một số vấn đề về GD&ĐT theo yêu cầu của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV của Bộ GD&ĐT, trong thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non. Nhờ việc thực hiện những chính sách đối với giáo viên mầm non, một số lượng lớn giáo viên mầm non được tuyển vào các trường công lập theo dạng hợp đồng làm việc, hoặc hợp đồng lao động và đã được hưởng các chính sách bằng ngân sách nhà nước; giáo viên mầm non ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được đảm bảo các chính sách theo quy định.
Tính đến tháng 4/2018, toàn ngành có 496.495 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, trong đó có 337.488 giáo viên (chia ra nhà trẻ có 71.142 giáo viên (công lập 44.902, ngoài công lập 26.240); mẫu giáo có 266.346 giáo viên (công lập 217.253, ngoài công lập 49.093); 37.347 cán bộ quản lý và 121.660 nhân viên. Chất lượng cán bộ quản lý và giáo viên mầm non được cải thiện đáng kể, hầu hết cán bộ quản lý và giáo viên mầm non có kỹ năng phát triển chương trình giáo dục nhà trường để chăm sóc giáo dục trẻ.
Chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non ở một số địa phương được đảm bảo; giáo viên dạy các trường mầm non tư thục được thỏa thuận mức lương không thấp hơn quy định của nhà nước. Chế độ, chính sách đối với giáo viên được quan tâm, giáo viên phấn khởi, gắn bó với nghề.
Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương còn thiếu giáo viên mầm non non; một số địa bàn đông dân cư số trẻ/lớp vượt quá quy định. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở khối ngoài công lập thấp (bình quân đạt 1,4 giáo viên/lớp), đội ngũ này thường xuyên biến động do thu nhập thấp, chịu nhiều áp lực, ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, từ năm 2015 đến nay, số lượng trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non tăng nhanh (668.783 trẻ), tính riêng số trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập tăng 474.986 trẻ. Trong khi đó, số lượng giáo viên công lập tuy có tăng (khoảng 18.000 giáo viên), nhưng chưa tương xứng với số lượng trẻ, cứ tăng 26 trẻ mới tăng được 1 giáo viên.
Không được giao biên chế do chủ trương tinh giản, một số địa phương phải hợp đồng giáo viên, việc ký kết hợp đồng lao động chưa có cơ chế rõ ràng, dẫn tới không thống nhất trong thực hiện ở các địa phương.
Quy hoạch đội ngũ giáo viên, BCQL cơ sở giáo dục mầm non
Bộ GD&ĐT đã và đang tập trung vào một số giải pháp để thúc đẩy phát triển và hạn chế những bất cập đối với giáo dục mầm non. Theo đó, đã ban hành Thông tư số 13/2018/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT ngày 30/6/2015 về quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục, trong đó bổ sung yêu cầu về quản lý chuyên môn ở các nhóm, lớp độc lập tư thục; điều chỉnh quy định về quy mô nhóm lớp độc lập tư thục phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời, tổ chức rà soát, điều chỉnh chuẩn nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non với các tiêu chí, các mức độ đánh giá phù hợp với thực tiễn theo hướng tiếp cận năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, giúp đội ngũ tự đánh giá, tự học nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Trên cơ sở chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp, hướng tới giáo viên mầm non phải đạt chuẩn trình độ cao đẳng.
Quy hoạch các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non theo hướng chỉ có một số cơ sở trọng điểm đào tạo giáo viên mầm non, còn những cơ sở khác sẽ trở thành trung tâm bồi dưỡng giáo viên để tránh tình trạng đào tạo giáo viên tràn lan, chất lượng kém.
Tham mưu Chính phủ ban hành chính sách đặc thù phát triển trường, lớp ở những khu vực có nhiều khu công nghiệp đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân ; đề xuất Chính phủ cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên mầm non.
Chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý giáo dục; rà soát, khắc phục tình trạng chưa hiệu quả, lỏng lẻo, thiếu quyết liệt, thiếu chủ động trong một số khâu quản lý; đặc biệt có giải pháp hiệu quả trong giám sát, phát hiện hành vi bạo hành trẻ và những vi phạm trong quản lý các cơ sở giáo dục mầm non (đặc biệt là đối với các nhóm, lớp độc lập tư thục), xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.
Thực hiện tốt công tác dự báo, quy hoạch, phát triển trường, lớp và các nguồn lực đáp ứng nhu cầu giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non để huy động các nguồn lực phát triển giáo dục mầm non; quy hoạch đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non từ nay đến năm 2025 để kiểm soát số lượng, chất lượng đào tạo cũng như kiểm soát việc thừa, thiếu giáo viên. Cần tính đến nhu cầu giáo viên chuyên biệt, nhân viên hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Phát triển các điều kiện nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ; tạo điều kiện tốt nhất để trẻ “học qua chơi”, phát huy được tính sáng tạo, tính độc đáo của mỗi trẻ và đáp ứng nhu cầu đa dạng của trẻ trên cơ sở chuẩn phát triển trẻ em; hỗ trợ, nâng cao chất lượng các nhóm lớp độc lập tư thục. Nghiên cứu đề xuất xây dựng chương trình giáo dục mầm non sau năm 2020.