Đảm bảo tính đa dạng
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, ở phía Bắc Tây Nguyên, dân số toàn tỉnh đến cuối năm 2021 khoảng 568.780 người; dân tộc thiểu số (DTTS) khoảng 312.430 người chiếm 54,93% với 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 07 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm. Toàn tỉnh có 09 huyện, 01 thành phố với 102 xã, phường, thị trấn, trong đó có 52 xã khu vực III, 05 xã khu vực II, 35 xã khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS, có 13 xã biên giới; 3 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.
Năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có 133 trường mầm non, trong đó có 110 trường mầm non công lập và 23 trường ngoài công lập (22 trường tư thục và 01 trường mầm non dân lập), có 48 nhóm, lớp độc lập. Trong đó có 1.604 nhóm, lớp với 260 nhóm trẻ và 1.344 lớp mẫu giáo; trong đó có 758 lớp mẫu giáo 5 tuổi. Số nhóm, lớp ghép là 669 nhóm, lớp (50 nhóm trẻ ghép 02 độ tuổi; 255 lớp mẫu giáo ghép 2 độ tuổi và 364 lớp mẫu giáo ghép 3 độ tuổi).
Tính đến 31/12/2022 tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 18,29%, trong đó trẻ DTTS đạt 10,57%; trẻ mẫu giáo đạt 94,38%, trong đó trẻ DTTS đạt 93,75%; trẻ 5 tuổi đạt tỉ lệ 99,64%, trong đó trẻ 5 tuổi DTTS đạt tỉ lệ 99,93%. Lựa chọn Kon Tum là đại diện cho khu vực Tây Nguyên tham gia thử nghiệm một số nội dung chương trình mới, Ban soạn thảo đã tính đến các yếu tố để bảo đảm tính đa dạng của khu vực, điều kiện dân cư và địa bàn sinh sống.
Chuyên gia TW, cán bộ địa phương và giảng viên Sư phạm đi hỗ trợ, giám sát công tác thử nghiệm tại trường mầm non. |
Đó là Tp Kon Tum hiện đang là đô thị loại II, hiện có 35 trường mầm non. Sa Thầy là huyện miền núi, biên giới; dân số chủ yếu là dân tộc tại chỗ như Gia Rai, Xơ Đăng. Huyện Sa Thầy có 15 trường mầm non. Huyện biên giới Ngọc Hồi có dân tộc tại chỗ chiếm 57% dân số gồm người Giẻ, Xơ Đăng có 14 trường mầm non, trong đó có 11 trường công lập và 3 trường ngoài công lập.
Kết quả thử nghiệm tích cực
Triển khai thử nghiệm một số nội dung mới của Chương trình GDMN tại 3 huyện, thành phố với 6 trường mầm non. Mỗi trường chọn nhóm, lớp tham gia thử nghiệm/đối chứng gồm: 1 nhóm Nhà trẻ 24 - 36 tháng, 1 lớp Mẫu giáo 3 - 4 tuổi, 1 lớp Mẫu giáo 4 - 5 tuổi, 1 lớp Mẫu giáo 5 - 6 tuổi. Trẻ em tại lớp đối chứng, thực nghiệm bảo đảm đúng độ tuổi, nhóm Nhà trẻ tối thiểu 15 trẻ; nhóm mẫu giáo 3 - 4 tuổi tối thiểu 20 trẻ; nhóm mẫu giáo 4 - 5 tuổi tối thiểu 20 trẻ; nhóm mẫu giáo 5 - 6 tuổi tối thiểu 25 trẻ.
Các trường thử nghiệm đều đại diện có các khu vực dân cư, có Trường MN Mickey là trường mầm non ngoài công lập thuộc Tp KonTum (vùng thuận lợi), có 15 lớp với 290 trẻ (trong đó có 05 trẻ dân tộc, 76 trẻ mẫu giáo 5 tuổi, 66 trẻ nhà trẻ). Trường Mầm Non Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, là trường công lập thuộc khu vực khó khăn, được thành lập năm 2003. Trường Mầm non Sơn Ca, huyện Ngọc Hồi – Tỉnh Kon Tum, là trường công lập thuộc khu vực thuận lợi.
Bé đi cà kheo - Trường MN Rờ Kơi. |
Việc triển khai thử nghiệm được tiến hành trên cơ sở tôn trọng và phát huy những ưu điểm hiện có trong triển khai Chương trình hiện hành, không làm phức tạp, khó khăn cho các lớp thử nghiệm: Từ kết quả mong đợi (KQMĐ) được điều chỉnh theo độ tuổi của lớp mình, giáo viên rà soát nội dung hiện đang triển khai, những nội dung nào đáp ứng tốt cho việc đạt KQMĐ sẽ được giữ, nội dung nào thiếu sẽ được bổ sung, nội dung nào không cần thiết sẽ được lược bỏ.
Qua triển khai các nội dung thử nghiệm cho thấy Chương trình GDMN mới có nhiều giá trị tích cực: Giáo viên biết sáng tạo trong việc sắp xếp bố trí các góc trong lớp và các khu vực hoạt động ngoài lớp để tạo cơ hội cho trẻ vui chơi, học tập một cách thoải mái nhất, hứng thú; biết sử dụng đồ dùng sẵn có tại địa phương để tổ chức hoạt động vui chơi, học tập cho trẻ. Các trường đã bước đầu xác định được khung KQMĐ, nội dung giáo dục và hệ thống chủ đề theo điều kiện thực tiễn của nhóm, lớp, của nhà trường trên cơ sở định hướng của Sở và Phòng GD&ĐT.
Môi trường giáo dục được điều chỉnh theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, kích thích trẻ chơi, khám phá, trải nghiệm: Môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học đa dạng, phong phú phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng trường, thể hiện rõ nét văn hóa tại địa phương; phù hợp với nhu cầu vui chơi, khám phá, trải nghiệm của trẻ; khai thác, sử dụng hiệu quả các góc, các khu vực chơi ngoài lớp học qua việc tổ chức các hoạt động ngoài trời, hoạt động giáo dục thể chất cho trẻ; tạo cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ thể hiện và phát triển.