Ghi chép: Nam Ninh du ký

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Là thành phố hiện đại, nhưng Nam Ninh vẫn có những mô hình phố cổ, treo rất nhiều đèn lồng kết hợp ánh sáng laser sống động để thu hút khách du lịch.

Cổng vào Nam Ninh Chi Dạ. Ảnh: Trần Minh
Cổng vào Nam Ninh Chi Dạ. Ảnh: Trần Minh

Thành phố Bằng Tường và Nam Ninh thuộc Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây (Trung Quốc). Với ít ngày trải nghiệm trên đất nước Trung Hoa, cũng đủ để nhận ra những điều mới lạ, độc đáo ở quốc gia có nền văn hóa lâu đời và đa dạng này.

Tương đồng trong khác biệt

Trong lịch trình tham quan tại Trung Quốc, chúng tôi dừng chân tại Bảo tàng Dân tộc Choang - Quảng Tây nằm tại Sùng Tả, một huyện lỵ thuộc Quảng Tây.

Đập vào mắt tôi là một chiếc trống đồng, đặt ở vị trí trang trọng, như là biểu tượng cho nền văn minh của người Choang. Điều này khiến tôi liên tưởng tới những chiếc trống đồng cổ của Việt Nam, cũng là một linh vật, thể hiện bề dày văn hóa của người Việt.

Chỉ đến khi, nữ hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc giới thiệu lịch sử tộc người ở Quảng Tây, tôi mới được biết, dân tộc Choang là tên gọi ở Trung Quốc; còn ở Việt Nam, cũng tộc người này được chia ra làm năm dân tộc có tên gọi khác nhau: Tày, Nùng, Pu Péo, La Chí, Sán Chay.

Dân tộc Choang ở Quảng Tây có nguồn gốc từ cộng đồng dân cư Bách Việt cổ đại. Ngoài ra, tại đây còn có cả hai vạn người dân tộc Kinh sinh sống tại khu tự trị có dân số gần 50 triệu người này. Sự liên hệ về tộc người đã lý giải vì sao lại có tương đồng về văn hóa như vậy.

Người Trung Quốc tự tôn với ngôn ngữ và chữ viết của mình, theo quan sát của tôi, các biển hiệu đều để bằng tiếng Trung. Nhưng riêng tại thành phố Bằng Tường, bên cạnh dòng chữ lớn bằng tiếng Trung, còn có một dòng chữ nhỏ ghi tiếng Việt. Càng đi sâu vào nội địa, người Trung Quốc chỉ sử dụng duy nhất chữ viết và ngôn ngữ của họ.

Trong quãng thời gian được tự do đi mua sắm tại Tam Ngõ Nhị, khu phố đi bộ sầm uất ở trung tâm thành phố Nam Ninh, một số bạn trẻ trong đoàn chúng tôi đã cố gắng giao tiếp bằng tiếng Anh với những người bán hàng Trung Quốc nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu quầy quậy.

Ở khách sạn, nhân viên lễ tân cũng không sử dụng tiếng nước ngoài. Không biết họ không hiểu tiếng Anh hay không muốn sử dụng? Tôi đem thắc mắc này hỏi nữ hướng dẫn viên người Trung Quốc thì được trả lời: Giáo dục phổ thông tại Trung Quốc có đưa môn Tiếng Anh vào giảng dạy, nhưng người học không coi trọng, nên đa số các bạn trẻ Trung Quốc học xong thì đều “nước đổ lá khoai”.

Lời giải thích có vẻ thiếu thuyết phục, bởi ngay cả những câu giao tiếp giản đơn như các số đếm từ một đến mười; cái này bao nhiêu tiền? Nhà vệ sinh ở đâu?... Họ đều đáp lại bằng cái lắc đầu và xổ ra một tràng tiếng Trung Quốc. Vả lại, ngay cả tiền đô la, một đồng ngoại tệ mạnh cũng không được sử dụng ở thành phố này. Vậy nên, khi đến Trung Quốc du lịch, bạn chỉ nên đổi đồng nhân dân tệ để tiện cho việc mua sắm, chi tiêu lặt vặt.

Đoàn chúng tôi nhận phòng nghỉ tại một khách sạn ở Bằng Tường, đúng vào hôm ở đây có một đám cưới.

Đám cưới ở Bằng Tường khá giống với đám cưới Việt Nam. Khách đến dự tiệc cũng có tục lệ mang tiền đi mừng. Nhưng thay vì nhét tiền vào phong bao để đưa trực tiếp hoặc bỏ vào một chiếc hộp đựng tiền mừng thì họ lại tới một chiếc bàn có hai người đại diện cho cô dâu chú rể, một người sẽ nhận tiền, còn một người thì ghi chép tên, số tiền mừng vào sổ sách, như cách ghi tiền công đức ở các đình đền chùa tại nước ta.

Thông thường, mỗi người đến dự tiệc sẽ mừng 100 nhân dân tệ (khoảng hơn 300 ngàn đồng Việt Nam), nhưng cũng có ít người mừng tới 200 nhân dân tệ.

Thời gian ở Trung Quốc, tôi có nghe một câu thành ngữ: “Ăn ở Quảng Châu, chơi ở Hàng Châu, sống ở Tô Châu, uống rượu ở Quý Châu, chết ở Liễu Châu”.

Dịch vụ xe đạp điện rất phát triển ở TP Nam Ninh. Ảnh: Trần Minh.

Dịch vụ xe đạp điện rất phát triển ở TP Nam Ninh. Ảnh: Trần Minh.

Không biết các món ăn ở Quảng Châu ngon đến mức nào, nhưng ăn ở Quảng Tây thì không hợp khẩu vị. Biết trước việc này, trong thông báo gửi tới du khách, đơn vị tổ chức tour khuyến cáo nên mang theo ruốc, mỳ tôm để phòng trong trường hợp không nuốt nổi còn có cái mà chống đói.

Đúng thật, các món ăn tại đây đầu bếp đều cho quá nhiều dầu mỡ, ớt cay; nhưng khó chịu hơn cả là cái mùi hăng hắc mà người Quảng Tây rất ưa cho vào các món ăn. Với tôi, đi du lịch là để khám phá và biết thêm những điều mới mẻ, sự khác biệt về khẩu vị, cũng là một trải nghiệm về ẩm thực tại vùng đất được coi là thủ phủ mía đường của Trung Quốc này.

Còn Liễu Châu - một thành phố thuộc Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây, thành phố này có gì đặc biệt mà người Trung Quốc lại thích “chết” ở đây như câu thành ngữ đó?

Câu chuyện không phải như tôi suy đoán. Thì ra, xưa kia Liễu Châu nổi tiếng là quê hương của các loại gỗ quý chuyên dùng để đóng quan tài. Loại gỗ này tỏa hương thơm kỳ lạ và có khả năng bảo quản thi thể người quá cố rất tốt sau khi an táng, tránh mối mọt, thậm chí giữ nguyên trạng tới cả trăm năm nên chỉ những gia đình khá giả mới sắm được cỗ quan tài để nở mày, nở mặt cùng thiên hạ.

Có một điều thú vị nữa là: Khi họ nhắc đến “quan tài” – “quan” được hiểu là thăng quan tiến chức, còn “tài” là lộc, là điều may mắn. Thế nên, ngày Tết, người ta có thể mua một chiếc quan tài nho nhỏ, là đồ lưu niệm bán tại Liễu Châu để biếu nhau như một lời chúc may mắn, tài lộc, thăng quan tiến chức cho người nhận.

Trống đồng được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc Choang - Quảng Tây. Ảnh: Trần Minh.

Trống đồng được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc Choang - Quảng Tây. Ảnh: Trần Minh.

Xanh và hiện đại

Thành phố Nam Ninh là thủ phủ của Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây, cách biên giới nước ta khoảng 200 km. Khác với tới Bằng Tường, khách du lịch tới Nam Ninh phải có visa đoàn, hoặc tự xin visa nhập cảnh cá nhân vào Trung Quốc. Trên tuyến đường quốc lộ lối hai thành phố, cảnh sát sẽ dừng từng phương tiện giao thông để kiểm tra số người trên xe. Việc này diễn ra khá nhanh và không gây ùn tắc giao thông.

Thành phố Nam Ninh có 7,2 triệu người, ít hơn dân số Hà Nội khoảng 1 triệu dân, nhưng diện tích lại lớn hơn khoảng 6 lần. Có quỹ đất, thành phố xây dựng công viên, vườn hoa công cộng với rất nhiều cây xanh. Đi trên đường phố Nam Ninh, du khách có thể ngắm các loài hoa khoe sắc dọc hai bên đường.

Đặc biệt, ở công viên Thanh Tú Sơn, có diện tích gần 20 kilômét vuông, tỷ lệ rừng che phủ lên tới 98%, được coi là “lá phổi” của Nam Ninh. Du khách muốn thăm thú công viên Thanh Tú Sơn phải di chuyển bằng xe điện và nếu đi một ngày có lẽ cũng không thể hết các điểm vui chơi, giải trí và khu du lịch tâm linh trong công viên rộng lớn này.

Càng đi sâu vào trung tâm thành phố, càng xuất hiện nhiều tòa nhà chọc trời hiện đại. Điều gây ấn tượng với chúng tôi là đường phố ở Nam Ninh rất sạch, thoáng đãng, hầu như không nhìn thấy bóng dáng cảnh sát vì hệ thống camera an ninh phủ kín khắp các tuyến đường.

Hôm chúng tôi tới Nam Ninh là ngày Tết, tại khu vực phố đi bộ có tổ chức sự kiện “Đếm ngược” nên du khách và người dân đổ về khá đông. Tuy nhiên, sau khi sự kiện kết thúc, cũng không có cảnh chen chúc, tắc đường. Thì ra, những đoàn người tham gia sự kiện đã tỏa tới các điểm tàu điện ngầm để về nhà. Một thành phố thứ hai tấp nập người di chuyển lại nằm dưới lòng đất của Nam Ninh.

Sử dụng động cơ chạy điện thân thiện với môi trường đang là trào lưu trên thế giới và Nam Ninh đã đi trước, đón đầu. Ở thành phố này, phải tới hơn 95% người dân sử dụng phương tiện cá nhân là xe điện. Hệ thống dịch vụ xe điện cho thuê rất phát triển. Quanh các khu vực công cộng, xe điện nhiều vô kể, người dân sử dụng phần mềm, quét mã QR là có thể lấy đi và trả xe ở bất cứ điểm nào trong thành phố. Các điểm cho thuê xe cũng được bố trí hợp lý quanh khu vực có tàu điện ngầm, nên người Nam Ninh ưa sử dụng các phương tiện công cộng.

Văn minh giao thông cũng là một điểm cộng của người dân nơi đây. Nếu ai đó muốn đi bộ qua đường, các phương tiện cơ giới sẽ dừng lại để khách bộ hành đi qua an toàn. Trong suốt hành trình ngồi trên xe ô tô của doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc, tôi nhận thấy các lái xe ở đây gần như không sử dụng còi.

Là một thành phố hiện đại, nhưng Nam Ninh vẫn có những mô hình phố cổ, treo rất nhiều đèn lồng kết hợp với ánh sáng laser sống động để thu hút khách du lịch, như khu vực “Nam Ninh Chi Dạ”. Đây một khu vui chơi, ẩm thực dài nhất thành phố Nam Ninh. Tại đây, mọi người có thể thưởng thức những món ăn đậm chất Trung Quốc, nhưng đừng quên thử ăn món “đậu phụ thối” là đặc sản của người dân nơi đây.

Dù có rất nhiều món ăn, đồ uống, đặc biệt là các loại trà sữa mà giới trẻ Trung Quốc ưa thích, thì tuyệt nhiên mọi người lại rất khó tìm một quán cà phê. Chúng tôi “lên cơn” nghiền cà phê và đã thử tìm mỏi mắt mà chẳng thấy một biển hiệu cà phê nào? Thì ra, người Trung Quốc thích uống trà trong bữa ăn và điểm tâm bữa sáng cùng sữa đậu nành, cà phê là thứ xa xỉ đối với họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ