Chọn 1, 2 hay cả 7 lĩnh vực mà Mạng lưới các thành phố sáng tạo tập trung phát triển? Đó là một lựa chọn khó, vì nếu chọn cả 7 lĩnh vực sẽ khó có thể chu toàn, càng khó để bứt phá. Nếu chỉ chọn 1 hoặc 2 lĩnh vực để tập trung phát triển thì dễ dàng tạo sự thay đổi nhưng lại không đồng đều.
Hội An và Đà Lạt chờ “xướng tên”
Theo đại diện UBND TP Hội An, sáng tạo là phải có những sáng kiến để phục vụ cho sự phát triển của thành phố, nhưng cũng phải có một sự tương tác, trợ giúp, đóng góp vào trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới để đồng hành phát triển. Sự nổi trội của Mạng lưới thành phố sáng tạo là chúng ta không đi một mình mà cùng đi với thành phố khác.
Năm 2004, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời. Năm 2017 có 180 thành phố tham gia mạng lưới, năm 2019 đã tăng lên 264 thành phố, năm 2021 tăng lên 295 thành phố sáng tạo từ 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Mạng lưới nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững.
Mạng lưới tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo, gồm: Thiết kế, văn học, âm nhạc, thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, ẩm thực, điện ảnh và nghệ thuật truyền thông.
Khi tham gia, các thành phố cam kết chia sẻ, tạo điều kiện tốt nhất để thực hành, đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức gắn liền với trách nhiệm, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác, tăng cường sáng tạo, sản xuất phân phối và truyền bá về các hoạt động, hàng hóa và dịch vụ văn hóa, phát triển các không gian sáng tạo, mở rộng cơ hội cho những người sáng tạo và chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa…
Năm 2019, Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo (lĩnh vực Thiết kế). Thực hiện các nội dung theo cam kết với UNESCO, năm 2022 Hà Nội đã tổ chức thành công nhiều hoạt động với các cuộc thi: Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022, Thiết kế Ngôi nhà mơ ước, Hà Nội sáng tạo; Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2022…
Phát triển không gian các tuyến phố đi bộ, các không gian sáng tạo văn hóa, nghề thủ công trên địa bàn. Nếu như thời điểm nộp hồ sơ ứng cử năm 2019, Hà Nội chỉ có 2 không gian tuyến phố đi bộ Hồ Gươm, phố Trịnh Công Sơn thì đến nay đã phát triển thêm 4 không gian.
Cuối năm 2021, Hội thảo “Phát triển Mạng lưới thành phố sáng tạo” được tổ chức nhằm mở rộng Mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam. Một số thành phố ở Việt Nam như: TPHCM, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Vũng Tàu, Đà Lạt... có nhiều tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới theo các tiêu chí cơ bản.
Vì vậy, tại Công văn số 1170/VPCP-KGVX ngày 24/2/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ VH,TT&DL chủ động hướng dẫn các địa phương xây dựng Hồ sơ ứng cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo.
UBND TP Đà Lạt đã có báo cáo với Tỉnh ủy Lâm Đồng và nhận được sự thống nhất về chủ trương TP Đà Lạt nộp hồ sơ đăng ký tham gia mạng lưới năm 2023 trong lĩnh vực âm nhạc. Hội An (Quảng Nam) cũng đang xây dựng hồ sơ, gửi UNESCO bình xét trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo.
Hôm nay (16/6), UBND TP Hội An tổ chức hội thảo quốc tế để tham vấn xây dựng hồ sơ. Nếu được xét duyệt, Hội An và Đà Lạt sẽ vinh dự được “xướng tên” trong danh sách mạng lưới sau Thủ đô Hà Nội.
Lợi ích hướng đến cộng đồng
Đà Lạt hội tụ nền tảng để phát triển mạnh các lĩnh vực: Âm nhạc, điện ảnh, trưng bày, biểu diễn… |
Khi một địa phương tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo thì sẽ được gì? Phải thực hiện cam kết gì? Đó là hai trong số nhiều băn khoăn không chỉ của giới quản lý, mà còn của người dân khi quan tâm đến việc Việt Nam tham gia mạng lưới.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất là việc đi vào thực chất khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Ví dụ như Hà Nội, nhiều cuộc thi thiết kế sáng tạo được tổ chức, nhiều không gian sáng tạo được mở rộng.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho rằng: Hà Nội cần rà soát tổng thể, kỹ càng các hoạt động sáng tạo để lượng hóa, củng cố, mở rộng, kết nối các ý tưởng sáng tạo, chuyển hóa thành các dự án, sản phẩm sáng tạo.
Mỗi địa phương có điểm mạnh khác nhau, như Đà Lạt mang trong mình tiềm năng lớn về lĩnh vực âm nhạc để trở thành một lĩnh vực mang lại nhiều tác động kinh tế - văn hóa - xã hội. Hiện, Đà Lạt là điểm thu hút, tập hợp nhiều nhân sĩ, trí thức, nghệ sĩ tài năng để sáng tác, sáng tạo văn hóa - nghệ thuật.
Đây cũng là thành phố hội tụ nhiều không gian sáng tạo và trưng bày - biểu diễn, lại được thiên nhiên ưu ái khí hậu cùng vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, là nền tảng tốt để hoạt động sáng tạo thăng hoa.
Còn Hội An, tuy vùng lõi chỉ rộng khoảng 4km2 nhưng có gần 1.300 di tích kiến trúc nghệ thuật. Mỗi loại hình kiến trúc lại có những sắc thái đặc trung với sự kết hợp hài hòa giữa không gian, bố cục, đan quyện giữa các phong cách kiến trúc Việt - Hoa - Nhật - châu Âu, trở thành một bảo tàng kiến trúc và lối sống đô thị.
Hội An cũng bảo tồn được giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, lưu giữ nền văn hóa phi vật thể đa dạng với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa. Đồng thời, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như hát bài chòi, hát bả trạo cùng nhiều nghề thủ công được gìn giữ - là mạch nguồn văn hóa Hội An.
Hà Nội, Hội An, Đà Lạt hay bất kỳ một thành phố nào khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo đều kỳ vọng sự phát triển. Tuy nhiên, yêu cầu lớn của UNESCO đặt ra là các sản phẩm sáng tạo “không được lấy du lịch làm nguyên cớ” và sản phẩm sáng tạo “phải sống được và tạo sinh kế cho người sáng tạo cũng như cộng đồng”. Bởi thế, phát triển đi vào thực chất là một trong những yêu cầu hàng đầu chứ không phải là một phong trào sĩ diện được “xướng tên” trong danh sách.