Giông bão ập đến
Tin nhắn từ phương xa gửi đến: “Giữa tâm bão, cô giáo vẫn bình an chứ?” đã khuấy lên trong lòng tôi cảm giác ấm áp giữa những ngày tháng Giêng lay phay mưa buốt. Đằng sau mỗi dòng tin là một sự quan tâm, một tấm lòng, một thông điệp yêu thương. Phải rồi, giông bão ùa đến quá nhanh và dồn dập đã nhấn chìm đi những bình yên cũ. Ngày 9/1/2020, ca tử vong đầu tiên xảy ra ở Vũ Hán bởi virus Corona.
Tôi chỉ biết Vũ Hán là thành phố xinh đẹp nổi tiếng với một trong “Tứ đại danh lâu” là lầu Hoàng Hạc. Tin tức về Vũ Hán cứ nóng bỏng chạy trên các báo. Ngày 23/1, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc chính thức bị phong tỏa “Nội bất xuất và ngoại bất nhập” trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 của chính quyền. Cả thế giới bỗng nhiên chao đảo, hoang mang trước con virus chết người siêu bé nhỏ.
Với tôi, mới hôm qua còn là chuyện ở nước người, hôm nay đã là chuyện nước mình, tỉnh mình, ngay sát nơi mình ở. Vĩnh Phúc trở thành tâm dịch của cả nước khi có tới 6/8 công nhân từ vùng dịch Vũ Hán tập huấn về nước nhiễm bệnh. Số ca mắc Covid-19 tăng lên 11/16 cao nhất cả nước. Ngày 13/2, xã Sơn Lôi được phong tỏa để kiểm soát dịch. Chúng tôi nhận thông báo phải nghỉ dạy từ ngày 3/2 và nghỉ tạm thời hết ngày 22/2 theo chỉ đạo của cấp trên. Trường học vắng lặng như mùa hè với những việc làm quyết liệt, thiết thực để phòng chống dịch bệnh.
Chúng tôi đón cái Tết Canh Tý 2020 một cách đặc biệt, ai cũng nâng niu những ngày bình lặng đầu năm mới trong mắt bão. Trên các phương tiện thông tin, bạn bè từ khắp nơi thăm hỏi, động viên. Người Vĩnh Phúc căng mình chống dịch và dập dịch theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, sinh mạng. Các cơ quan ban ngành nhà máy vừa duy trì tiến độ làm việc vừa tham gia phòng dịch.
Bệnh viện dã chiến, trung tâm cách ly nhanh chóng được thành lập sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng chống và điều trị. Tỉnh huy động mọi nguồn lực và sức mạnh với tinh thần “Phát hiện sớm, cách ly nhanh”, áp dụng các biện pháp quyết liệt trên cả hướng dẫn. Nhịp sống đô thị sôi động quen thuộc chùng xuống. Lệnh hạn chế tiếp xúc và tập trung đông người được tuân thủ nghiêm ngặt.
Y bác sĩ trong một khu điều trị cách ly ở Vĩnh Phúc. Ảnh từ FB |
Chúng tôi đang sống một cuộc sống khác, những ngày đầu chưa quen, còn xáo trộn, hoang mang và phiền toái. Tất thảy mọi người, không phân biệt giai tầng, độ tuổi, giới tính đều chung một mối quan tâm. Mọi nếp sinh hoạt đều bị đảo lộn ở thành phố nhỏ bé hơn một triệu dân. Câu chuyện xôn xao trải từ bếp ăn gia đình ra đến cổng ngõ. Ai cũng lắc đầu, nhíu mày, nhăn trán, cảm thán vừa thương người vừa lo mình. Đến trẻ con cũng thuộc lòng những con số, cách phòng bệnh và hát hò nghêu ngao bài “Rửa tay chống dịch”.
Mua khẩu trang, nước sát khuẩn, vệ sinh tiệt trùng, tích trữ thực phẩm, cách ly tại nhà là ưu tiên số một. Khắp nơi, người dân nhận được tuyên truyền bằng loa đài, khẩu hiệu, tin nhắn, thư điện tử... Mọi người chăm chỉ nghe thời sự, đọc tin tức, quan tâm chia sẻ cho nhau từng kiến thức mới cập nhật. Các gia đình, khu phố, làng xóm, cơ quan, quán chợ, siêu thị, trường học đều chủ động dọn dẹp vệ sinh khử khuẩn.
Ai cũng nỗ lực, tự giác phòng dịch. Đến những nhát chổi của chị lao công khiến tôi cảm thấy cũng như sát sạt hơn trên đường nhựa im vắng. Chúng tôi đang làm hết sức không chỉ để bảo vệ mình mà còn để bảo vệ Hà Nội và cả nước. Ở vị trí lá chắn tuyến đầu, người Vĩnh Phúc ngẩng cao đầu sẵn sàng đón nhận thử thách và giông bão.
Mạnh mẽ là thế, quyết tâm là thế nhưng chúng tôi cũng thật dễ tổn thương. Thương tổn không phải chỉ bởi Covid-19 mà bởi sự kỳ thị, e dè, phân biệt thậm chí chối bỏ của một số cá nhân với người Vĩnh Phúc. Giăng đầy trên mạng là các câu chuyện về sự từ chối phục vụ, tiếp đón người Vĩnh Phúc, những dòng trạng thái hài hước châm biếm, các bức ảnh chế, là những tâm sự, thậm chí uất ức...
Điều đó khiến chúng tôi chua chát, ngấm ngầm đau khổ tổn thương như vết cắt cứa bị chà đi xát lại. Nhiều bạn thở than, đi đâu ra ngoại tỉnh nào cũng bị hỏi: “Có phải dân Vĩnh Phúc không?” Hay “Biển 88 tránh ra nhé”, “Chết thì phải hỏa táng cho bằng hết”. Ai đó chua chát nói: “Chúng ta sắp như Vũ Hán”. Làn sóng kỳ thị ấy đến theo tốc độ công nghệ 4.0 và hủy hoại chúng tôi nhanh hơn cả tốc độ lây lan của virus. Người trẻ chúng tôi dễ xúc cảm và ngoa giọng phản ứng, người già bình thản hơn giấu nỗi buồn bằng sự im lặng.
Điều đó dễ tạo nên sự tổn thương tâm lý, hiệu ứng kỳ thị, cách ly đám đông, chia rẽ cộng đồng. Bao giờ trong nghịch cảnh, một bàn tay đưa nâng, ánh mắt cảm thông, lời động viên khích lệ, sự giúp đỡ tận tình cũng đáng quý, đáng trọng đáng để tạc nghĩa ghi ân suốt đời. May thay, những kỳ thị kia chúng đến và vỡ tan đi nhanh như bọt nước trong vòng tay yêu thương bao bọc của cả nước.
Hạnh phúc vĩnh cửu
Tự tin ở tuyến đầu. Ảnh: NVCC |
Thành phố tôi sống vẫn giữ nhịp thở bình yên giữa những ngày nóng bỏng dịch bệnh. Vĩnh Yên nằm dưới Tam Dương và cách tâm dịch Sơn Lôi 20 km. Cả thành phố nhanh chóng tổ chức ổn định lại nhịp sống vừa mới xáo trộn. Trẻ em cũng quen với việc tự học và tự chơi tại nhà. Giáo viên quen với việc vừa trực vừa dạy học trực tuyến. Mỗi buổi sáng thức dậy, chúng tôi đọc tin tức đầu tiên, nhắn nhủ người thân kỹ càng hơn trước lời chào tạm biệt.
Những câu chuyện cảm động về tình đời, tình người trong cuộc chiến với Covid-19 làm chúng tôi nhớ nhiều hơn là câu chuyện tăng giá khẩu trang, kỳ thị đối xử. Ở mỗi góc phố, con đường, cửa hàng, cơ quan chúng tôi vẫn nhận nhau, chào nhau bằng ánh mắt qua lớp khẩu trang kín mít. Chưa bao giờ chúng tôi quan tâm đến những triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, ho khan, đau họng của nhau đến thế. Mỗi đêm tôi giật mình thức dậy đặt tay lên trán con thơ, đón nghe từng tiếng thở, nhìn con phố im ắng dưới ánh đèn đường. Mỗi ngày nhận được tin nhắn của học sinh rằng em vẫn khỏe, hay chỉ một biểu tượng hóm hỉnh báo bình an tôi thấy cơ mặt hay tâm hồn mình giãn ra.
Trong thành phố nhiều con người bình thường đang cần mẫn như chú ong nhỏ yêu hoa làm mật. Người Vĩnh Phúc đang lan tỏa những tấm lòng đẹp, hành động đẹp một cách thầm lặng, thiết thực với tình cảm tương thân tương ái. Người quyên góp làm từ thiện cho vùng cách ly, người phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí, người vận động giải cứu nông sản ùn ứ, người bảo nhau tích trữ vật phẩm vừa đủ dùng.
Giáo viên chia sẻ cho nhau các công cụ, phần mềm hỗ trợ dạy học trên mạng. Bác sĩ, y tá viết đơn xung phong vào vùng tâm dịch. Chiến sĩ công an ân cần tặng người tham gia giao thông từng chiếc khẩu trang. Người đầu bếp cũng chăm chút cẩn thận cho từng khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng. Ai cũng muốn góp sức, góp công đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi một bệnh nhân được điều trị khỏi, ra viện với kết quả xét nghiệm âm tính chúng tôi vui như chính mình khỏi bệnh.
Nghịch cảnh khiến chúng tôi xích lại gần nhau hơn và trân trọng giá trị của từng ngày bình yên, từng sự sống nảy mầm trong mùa xuân mới. Sâu thẳm trong chúng tôi còn là khát vọng trở về với nhịp sống bình thường.
Những khẩu hiệu “Vĩnh Phúc cố lên”, hay lời nhắn “Tôi yêu Vĩnh Phúc”, những dòng trạng thái của bạn bè muôn phương đang tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh và niềm tin. Những tháng ngày tôi đang sống đây sẽ là kỷ niệm tôi suốt đời mang theo.