Chàng trai 19 tuổi, Shivam Dwivedi ở quận Prayagraj (Uttar Pradesh) cầu nguyện tại một ngôi chùa lân cận ít nhất 2 lần/tuần. Cậu và bạn bè tránh xa những chuyến đi biển và các địa điểm tiệc tùng phổ biến với nhóm tuổi này. Họ cho biết cảm nhận được sự bình yên về tinh thần và tìm thấy “nguồn năng lượng” trong những chuyến đi đến các địa điểm tôn giáo.
“Chúng tôi cảm thấy có sự kết nối với thần thánh… Có một nguồn năng lượng chảy bên trong chúng ta mang lại sự bình yên về tinh thần trước những áp lực từ học tập và xây dựng sự nghiệp”, Shukla (bạn cùng học với Dwivedi) cho biết.
Khi đứng xếp hàng bên ngoài Đền Kashi Vishwanath tại thành phố linh thiêng Varanasi ở Uttar Pradesh, Shivam Dwivedi nói rằng những bữa tiệc và cuộc sống về đêm rực rỡ không hấp dẫn họ. Họ muốn hòa bình và sự tích cực có sẵn ở những địa điểm tôn giáo và trong thiên nhiên.
Tác động của truyền thông xã hội
Theo báo cáo tháng 3 của công ty tư vấn bất động sản CBRE South Asia Pvt Ltd, những kỳ nghỉ lễ tôn giáo chiếm 60% lượng du lịch nội địa của Ấn Độ. Ngành công nghiệp này ước tính tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 16,2% và có khả năng đạt quy mô 4,6 tỷ USD năm 2033.
Một số hoạt động kinh doanh đó đang được thúc đẩy bởi các thành viên của Gen Z (những người sinh từ 1997 đến 2012).
Việc thánh hiến ngôi đền Ram ở Ayodhya hồi tháng 1, đưa tin về sự kiện này trên các phương tiện truyền thông xã hội và tin tức đã giúp thu hút sự quan tâm. Ông Giresh Vasudev Kulkarni, người sáng lập Temple Connect, một công ty cung cấp thông tin về các ngôi đền Hindu cho người hành hương toàn cầu, cho biết việc sử dụng rộng rãi mạng xã hội cùng với sự tò mò của giới trẻ giúp thúc đẩy du lịch tâm linh ở nước này.
Theo giải thích của ông Kulkarni, thế hệ trẻ hoàn toàn bị cuốn hút vào mạng xã hội, nơi mọi người đang tạo ra nội dung bằng cách tiếp cận ngay cả những chốn được coi là xa xôi và hẻo lánh cho đến cách đây vài năm.
Những nội dung như vậy khi được đăng trên YouTube và các nền tảng truyền thông xã hội khác tạo ra sự tò mò của mọi người. Đặc biệt, giới trẻ đến đó để tạo nội dung tương tự hoặc cầu nguyện.
Santosh Singh, người sáng lập Công ty Spiritual Tour có trụ sở tại Varanasi, chuyên cung cấp các tour du lịch đến các địa điểm tôn giáo, chỉ ra rằng, lễ khánh thành đền Ram ở Ayodhya là bước đột phá lớn trong sự phát triển của du lịch tâm linh. Những con đường mới nối 2 thành phố Varanasi và Ayodhya ở Uttar Pradesh đã giảm thời gian di chuyển từ 6 giờ xuống còn 4 giờ.
Những người hành hương cũng đang chuẩn bị một chuyến đi đến Sarnath, cách Varanasi khoảng 10km về phía Đông Bắc. Đây được coi là nơi Đức Phật Thích Ca thuyết pháp lần đầu tiên sau khi đạt được giác ngộ.
Ông Singh cho biết, từ tháng 1, hoạt động kinh doanh ở đây tăng trưởng từ 60 đến 70%. Trước đây, thường có mùa giảm giá từ tháng 4 đến tháng 9, nhưng hiện tại lượng khách đổ xô đến rất lớn, thậm chí 2.000 khách sạn lẻ ở Varanasi đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng lượng khách tăng đột biến.
Theo ông RK Rawat, Phó Giám đốc du lịch phân khu Varanasi và Vidyanchal, chỉ riêng trong tháng 4, Varanasi đón khoảng 8,2 triệu du khách. “Trung bình khoảng 150.000 du khách đến thăm đền Ram mỗi ngày kể từ khi nó mở cửa cho công chúng”, Thủ hiến Yogi Adityanath của bang Uttar Pradesh nói với truyền thông địa phương.
Nỗ lực của chính phủ
Năm 2015, chính phủ liên bang đưa ra kế hoạch Động lực nâng cao di sản tâm linh và trẻ hóa người hành hương (PRASHAD). Theo đó, họ chi 16,3 tỷ rupee để phát triển cơ sở hạ tầng xung quanh 73 địa điểm tôn giáo.
Họ triển khai các chuyến tàu cao tốc kết nối một số địa điểm này với các thành phố lớn khác và đề xuất các sân bay quốc tế ở các thành phố như Ayodhya và Puri, giúp khách du lịch nước ngoài tiếp cận dễ dàng hơn. Ngoài ra, các bang được cung cấp những khoản vay không lãi suất để thành lập các trung tâm thương mại nhằm giới thiệu sản phẩm độc đáo.
Chính quyền các bang cũng đóng vai trò trong việc thu hút nhiều khách du lịch đến các đền thờ quan trọng. Tháng 1, chính quyền Odisha đã mở lối đi dài 75 mét xây dựng xung quanh các bức tường bên ngoài của Đền Jagannath ở Puri, được phát triển với khoản đầu tư 8 tỷ rupee (96 triệu USD). Các khu vực có máy lạnh cũng như nước uống và nhà vệ sinh là nơi giúp tín đồ thấy thoải mái khi xếp hàng chờ vào đền.
Jatin Panda, quản trị viên cấp cao về an ninh của Văn phòng Đền Shree Jagannath, nơi quản lý các công việc của ngôi đền, cho biết: “Lối đi này đã dẫn đến sự gia tăng lượng khách du lịch… vì không hỗn loạn”.
“Chúng tôi cũng đang chứng kiến sự gia tăng số lượng du khách là thanh, thiếu niên đến thăm chùa sau đại dịch Covid. Trước đây, 10% du khách đến chùa là người trẻ, nhưng hiện nay, con số này tăng lên ít nhất 40%. Điều này có thể liên quan đến việc ngày càng nhiều người tin tưởng vào tâm linh hoặc tình trạng mất việc làm sau đại dịch”, ông Panda nói.
Kinh doanh bùng nổ
Sự gia tăng của du lịch tâm linh đã mang lại lợi nhuận cho các lĩnh vực liên quan, gồm khách sạn và bán lẻ, những lĩnh vực đang bắt kịp xu hướng với các gói chăm sóc sức khỏe, gồm các khóa dạy yoga, trung tâm thiền, ẩm thực và mua sắm xoay quanh các chủ đề đó.
Báo cáo của CBRE xác định 14 thành phố của Ấn Độ - gồm Amritsar, Ajmer, Varanasi, Ayodhya và Puri - chứng kiến sự bùng nổ này. Ông Anshuman Magazine, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của CBRE Ấn Độ, cho biết, sự mở rộng nhanh chóng của du lịch tâm linh ở Ấn Độ đang thúc đẩy sự phát triển của thị trường du lịch tôn giáo của đất nước.
Phó Chủ tịch Debasis Kumar của Hiệp hội Khách sạn Puri nói rằng công suất phòng trung bình của các khách sạn trong thành phố tăng từ 70% trước đại dịch lên 90% hiện nay. Puri có lợi thế riêng là có đền và bãi biển thu hút giới trẻ.