GD di sản góp phần nâng cao chất lượng GD toàn diện

GD di sản góp phần nâng cao chất lượng GD toàn diện

(GD&TĐ)-Đến nay, giáo dục di sản từng bước đã và đang trở thành yêu cầu, nhiệm vụ và động lực đối với các trường phổ thông, góp phần quan trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở Việt Nam – Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại hội thảo “Giáo dục di sản trong nhà trường tại Việt Nam” tổ chức sáng nay (7/3) tại Hà Nội. Bà Katherine Muller-Marin – Trưởng văn phòng đại diện Unesco tại Hà Nội cũng đến tham dự hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: GD di sản trong nhà trường góp phần nâng cao chất lượng GD toàn diện. Ảnh: gdtd.vn

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, trong những năm qua, một số phong trào và chương trình giáo dục di sản trong nhà trường đã được thực hiện với sự tham gia của nhiều ngành, tổ chức xã hội trong nước và quốc tế.

Bộ GD&ĐT đã phát động và chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện – Học sinh tích cực” trong các trường phổ thông, trong đó có nội dung mỗi trường đều nhận chăm sóc một di tích lịch sử, văn hóa hoặc di tích cách mạng ở địa phương; tuyên truyền và giới thiệu các công trình, di tích của địa phương với bạn bè; có kế hoạch và tổ chức giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc và tinh thần cách mạng một cách hiệu quả cho tất cả học sinh; phối hợp với chính quyền,đoàn thể và nhân dân địa phương phát huy các giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng cho cuộc sống của cộng đồng ở địa phương và khách du lịch.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường phổ thông thực hiện tốt chương trình giáo dục địa phương; tích cực chủ động đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa các hình thức ngoài giờ lên lớp… Giáo viên và học sinh cũng đang từng bước được tiếp cận với các di sản để có cách nhìn và ứng xử đúng với di sản, biết cách sử dụng di sản thích ứng với cuộc sống hiện tại, phát huy được giá trị của nó trong hiện tại và tương lai.

Theo báo cáo của UNESCO và Trung tâm Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa, năm 2010, Văn phòng UNESCO Hà Nội (UNESCO) đã hỗ trợ kinh phí và phối hợp chuyên môn với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa (CCH) thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam thực hiện Dự án thí điểm “Liên kết với nhà trường phát triển giáo dục di sản ở bảo tàng, di tích và các điểm văn hóa lịch sử ở Hà Nội”. Dự án đã được thực hiện ở hai trường của thành phố Hà Nội là Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân và tư thục Nguyễn Văn Huyên.

Năm 2011, UNESCO và CCH đã tổ chức chương trình khảo sát, đánh giá lại một số dự án, mô hình và phương pháp tiếp cận mới trong giáo dục di sản ở nhà trường tại Việt Nam. Đến nay, chương trình đã thực hiện đánh giá một số dự án tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tỉnh Hòa Bình và Quảng Ninh.

Kết quả cho thấy, đa số các dự án đặt mục tiêu đổi mới phương pháp dạy và học. Bằng phương pháp kết hợp giáo dục di sản văn hóa địa phương vào trong các tiết dạy chính khóa và ngoài giờ lên lớp, các dự án đều đặt mục tiêu giúp học sinh hiểu được giá trị và trải nghiệm về các di sản văn hóa, từ đó yêu mến di sản, nhận thức và có thái độ, hành động đúng đắn đối với sự cần thiết phải bảo tồn các di sản.

Di sản được đưa vào nhà trường rất phong phú, bao gồm di sản văn hóa vật thể (như bảo tàng, di tích, nhà cửa, công trình kiến trúc, v.v.), di sản văn hóa phi vật thể (kiến thức bản địa, nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn, âm nhạc, kỹ thuật canh tác, đồ chơi dân gian, lễ hội, thơ văn, v.v.), di sản thiên nhiên, v.v. Điều quan trọng là những di sản này có vị trí gần gũi xung quanh nhà trường.

Hội thảo di sản văn hóa
Giáo dục di sản trong nhà trường thu hút được sự quan tâm đông đảo các trường phổ thông. Ảnh: gdtd.vn

Thông qua các hoạt động trải nghiệm trong và ngoài lớp học (trước, trong và sau lên lớp), các chương trình giáo dục di sản thường đặt học sinh vào vị trí trung tâm nhằm kích thích sự sáng tạo và chủ động của giáo viên và học sinh trong giảng dạy và học tập. Học sinh thường được bố trí thực hành và thảo luận theo các nhóm nhỏ; điều này giúp cho giáo viên dễ dàng trong việc theo dõi và hỗ trợ học sinh. Việc các em giao tiếp và làm việc theo nhóm nhỏ giúp nâng cao hiệu quả công việc của nhóm và giúp nâng dần sự tự tin của học sinh. Các dự án đều hướng đến việc phát triển và nâng cao các kỹ năng quan sát, liên tưởng, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, lập kế hoạch, thu thập - chia sẻ thông tin, trao đổi, đặt câu hỏi phỏng vấn, tự trình bày và phát biểu quan điểm của mình trước đám đông.

Nhược điểm của đa số các dự án là chỉ hiểu về di sản văn hóa và truyền thống văn hóa ở mức độ chung chung và theo lối mòn của các định kiến về văn hóa. Trong một số trường hợp, cách tiếp cận trong áp dụng mang tính áp đặt một chiều, thiếu sự đối thoại đối với nhà trường và học sinh. Nhiều dự án thiếu hoặc không có đánh giá về hiệu quả giáo dục.

Đa số các mô hình và phương pháp tiếp cận cho thấy mang lại hiệu quả giáo dục cao đối với học sinh và giáo viên. Các môn học và chủ đề học tập trở nên bớt khô khan và sinh động hơn. Học sinh rất phấn khởi và nhiệt tình tham gia vào các hoạt động trên lớp và trải nghiệm ngoài lớp học. Nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số (dự án Tử Nê, Thanh Hối; dự án Đăk Nông), từ chỗ rất rụt rè, ít nói đã trở nên tự tin trong giao tiếp, trao đổi và trình bày ý kiến với bạn học, thầy cô giáo. Kết quả các em thu được không chỉ là kiến thức mà còn là nhận thức về các giá trị di sản và tổng hòa các các kỹ năng khác nhau, trong đó có nhiều kỹ năng sống. Thông qua các hoạt động dự án, nhiều em đã học được các kỹ năng làm powerpoint, chụp ảnh, quay video và làm các đoạn phim video, kỹ năng đặt câu hỏi phỏng vấn, tìm kiếm thông tin trên Internet, đóng kịch, viết bài đăng báo tường/tạp chí của trường, biết cách làm, chế tác các hiện vật văn hóa theo cách truyền thống hoặc sáng tạo mới bằng vật liệu tái chế…

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ