(GD&TĐ)-Hiện nay giáo dục đại học Việt Nam đang tập trung triển khai, thực hiện nhiều chương trình, đề án lớn.
Thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012. Ảnh: gdtd.vn |
Thứ nhất, triển khai Đề án áp dụng chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Cùng với đó, xây dựng một số trường đại học nghiên cứu có trình độ đẳng cấp quốc tế. Theo đó, bằng sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ các nước đối tác và các đại học hàng đầu của các nước đối tác để đạt 3 mục tiêu: Xây dựng một số trường đại học mô hình mới để cung cấp nhân lực và tiến hành nghiên cứu khoa học trình độ quốc tế phục vụ phát triển đất nước trong nửa đầu thế kỷ 21; Xây dựng một số trường đại học nghiên cứu là trường công lập, quy mô vừa phải, phi lợi nhuận, chất lượng cao tiến tới trình độ quốc tế, vào năm 2025 ít nhất có 1 trường trong danh sách 200 trường hàng đầu trên thế giới; Góp phần củng cố và phát triển hợp tác quốc tế, đặc biệt đối với các nước công nghiệp phát triển có nền giáo dục tiên tiến là đối tác chiến lược của các trường này.
Thực hiện chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ cho giảng viên các trường ĐH, CĐ đến năm 2020, trong đó một nửa được đào tạo ở nước ngoài và một nửa được đào tạo ở trong nước. Chương trình nhằm tăng cường quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu phục vụ đổi mới giáo dục đại học; đảm bảo đến năm 2020 đào tạo được ít nhất 20.000 tiến sĩ có trình độ quốc tế bổ sung cho lực lượng giảng viên các trường đại học, cao đẳng; đảm bảo tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 35% vào năm 2020.
Ngoài việc gắn kết đào tạo với yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực, thực hiện việc đào tạo theo nhu cầu xã hội, giáo dục đại học Việt Nam thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục đại học từ Trung ương đến địa phương, cơ sở giáo dục đại học, các phòng, ban, khoa nhằm đưa công tác đào tạo và các hoạt động khác trong các cơ sở giáo dục đại học đi vào nền nếp theo định hướng thực hiện đúng các quy định của Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở đào tạo.
Tiếp đó là thực hiện chương trình bồi dưỡng Hiệu trưởng các trường đại học và cao đẳng, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ này. Đồng thời, đổi mới phương thức triển khai hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học theo hướng gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo và phục vụ nhu cầu xã hội.
Bộ GD&ĐT cho biết, sau 20 năm đổi mới và 5 năm thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục 2001 – 2010”, giáo dục đại học Việt Nam đã phát triển rõ rệt về quy mô, đa dạng về loại hình và các hình thức đào tạo, bước đầu điều chỉnh cơ cấu hệ thống, cải tiến chương trình, quy trình đào tạo, huy động được nhiều nguồn lực và tăng cường mạnh mẽ hợp tác quốc tế.
Đến năm 2012 cả nước có 420 trường đại học và cao đẳng (204 đại học và 216 cao đẳng) với gần 2.162.106 sinh viên và hơn 74.573 giảng viên; đạt tỷ lệ nhập học trong độ tuổi khoảng 13%.
N.N