Gẫy rời tay vì áo chống nắng cuốn vào bánh xe: Lời khuyên thật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 17/11, một cô gái 18 tuổi đã gặp tai nạn khi vạt áo chống nắng bị cuốn vào bánh xe.

Nữ bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu do tai nạn giao thông tự ngã vì vướng áo chống nắng
Nữ bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu do tai nạn giao thông tự ngã vì vướng áo chống nắng

Quá trình diễn ra bất ngờ, nạn nhân đã bị tổn thương tay nghiêm trọng.

Cô gái được đưa tới cơ sở y tế tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc và chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng cánh tay trái đã đứt gần rời, mất máu nhiều.

Qua thăm khám, các chuyên gia chẩn đoán, người bệnh tổn thương nghiêm trọng, bị gãy cánh tay trái, cẳng tay trái, trật khớp khuỷu, đứt toàn bộ mạch máu và thần kinh cánh tay, phần mềm gân cơ vùng cánh tay bị dập nát, đầu chi lạnh và mất vận động cảm giác.

Các bác sĩ liên tục phối hợp đánh giá và hội chẩn về ca bệnh. Sau đó, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc phần mềm bị dập nát, đóng đinh xương cánh tay và cẳng tay, nắn trật khớp, khâu nối gân cơ cho bệnh nhân.

Nạn nhân sau đó được nối động mạch và các mạch để đưa máu nuôi dưỡng cánh tay, hồi lưu máu. Cùng với đó, các bác sĩ tìm đầu dây thần kinh cánh tay của bệnh nhân, bỏ đi đoạn dập nát và nối lại qua vi phẫu thuật.

Thời gian qua đã xảy ra không ít vụ tai nạn do áo chống nắng gây nên.

Hồi tháng 6/2023, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) cũng đã tiếp nhận bệnh nhân nữ (63 tuổi) nhập viện với chấn thương nặng do tai nạn xe máy. Nguyên nhân là do áo chống nắng vướng vào bánh xe khiến người phụ nữ bị ngã.

Nữ bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu do tai nạn giao thông tự ngã vì vướng áo chống nắng
Nữ bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu do tai nạn giao thông tự ngã vì vướng áo chống nắng

Bệnh nhân nhập viện với chấn thương gãy hở độ 2 đầu dưới xương quay trái, lóc da mặt mu bàn tay trái, lún xương cột sống đoạn D12, L1. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã phẫu thuật xử trí vết thương cho người bệnh.

Trước hàng loạt vụ việc như vậy, thầy Đỗ Văn Tin - Giáo viên đào tạo lái xe cho biết: "Nếu như điều khiển phương tiện giao thông là xe máy, nên mặc bộ quần áo chống nắng sao cho gọn gàng. Bình thường thời tiết thuận lợi không sao, tuy nhiên chẳng may gặp cơn gió to rất có thể tạt vạt áo vào bánh xe.

Tác động một cách đột ngột sẽ khiến người điều khiển bị kéo giật lại phía sau, thậm chí gây nguy hiểm đối với phương tiện tham gia giao thông khác trên đường. Vì vậy có thể nói áo chống nắng an toàn sẽ đem lại sự an tâm cho bản thân và người khác".

Theo thầy giáo Tin, hiện nhiều người tham giao giao thông không chỉ sử dụng loại áo vừa dài, rộng mà còn che kín tầm nhìn. Do đó trước khi lên xe điều khiển giao thông, bản thân mỗi người cần có ý thức quan sát và vén gọn chúng lên.

Việc làm này sẽ hạn chế một số tình huống áo chống nắng bị trùm hay kẹt vào phần sau của xe, dẫn đến mất an toàn.

"Hiện nay khi ra đường, nhiều chị em phụ nữ sử dụng sản phẩm áo chống nắng đúng với thời trang, thậm chí thích để mọi người để ý đến. Nếu có trào lưu đông người dùng loại áo này họ cũng ồ ạt mua theo.

Tuy nhiên việc không tìm hiểu kỹ thiết kế, kiểu dáng xem có phù hợp với phương tiện của mình hay không sẽ gây ảnh hưởng đến người tham gia trên đường và bản thân mình.

Hơn nữa không riêng gì áo chống nắng, vào mùa mưa người điều khiển xe máy cũng nên trang bị cho mình những bộ áo mưa vừa vặn với dáng người của mình. Mua 1 bộ quần áo mưa nhiều khi giá thành còn rẻ hơn mua cả chiếc áo mưa dài và rộng, trong khi tỷ lệ an toàn không cao.

Nhiều người có thể không lường trước được hậu quả của việc sử dụng sản phẩm chống nắng, chống mưa sai cách. Đến khi xảy ra tai nạn thì đã quá muộn" - thầy Tin phân tích và đưa ra lời khuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ