Trước đó 2 tuần, bệnh nhi Đ.M.Q (4 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) bị ho, sốt, kèm đờm, khò khè.
Đến ngày 23/10, bé được bố mẹ đưa tới khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), chỉ định nhập viện nội trú.
Tuy nhiên 5h chiều cùng ngày, bé bị sốt nhẹ. Sau 5 giờ đồng hồ, cháu Q có biểu hiện mệt mỏi hơn, thở nhanh, gắng sức nhiều. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Lan Anh, Khoa Hồi sức tích cực Nhi, nhận thấy đây là kiểu thở đặc biệt, tình trạng thở nhanh không tương xứng với tổn thương phổi của bệnh nhân.
Qua kết quả xét nghiệm khí máu và test đường huyết mao mạch cho thấy bệnh nhân trong tình trạng nhiễm toan nặng.
Đặc biệt, lượng đường máu tăng lên rất cao 37mmol/l, trong khi đường huyết ngẫu nhiên được đo bất kỳ thời điểm nào trong ngày là 11,1 mmol/l được xem là bình thường.
Sau khi được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực nhi, đã nhanh chóng đặt nội khí quản, chủ động kiểm soát đường thở cho bệnh nhân. Bệnh nhi cũng được bù dịch, truyền insulin tĩnh mạch liên tục, điều chỉnh rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn điện giải.
Bé trai phát hiện mắc đái tháo đường khi chỉ mới 4 tuổi. |
Hiện trẻ tỉnh táo hoàn toàn, tự thở, bắt đầu ăn uống được, các biện pháp kiểm soát đường huyết đã chuyển sang phác đồ tiêm insulin 4 mũi dưới da.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhi, bệnh đái tháo đường ở trẻ em chủ yếu là type 1, tức là thể phụ thuộc insulin, tuy hiếm gặp nhưng biến chứng hôn mê nhiễm toan ceton có thể diễn tiến nặng nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Được biết Đái tháo đường típ 1 ở trẻ em xảy ra do tuyến tụy không sản xuất đủ hormone insulin khiến glucose tích tụ trong máu ngày càng nhiều. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em từ 4 – 6 tuổi và thanh thiếu niên từ 10 – 14 tuổi. Theo một số nghiên cứu, nguyên nhân gây đái tháo đường típ 1 ở trẻ em có liên quan đến môi trường và yếu tố di truyền.
Vì vậy, nếu trong gia đình có người bị đái tháo đường típ 1, trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Triệu chứng đầu tiên khi trẻ mắc bệnh là tần suất đi tiểu của trẻ tăng cao hơn, nhất là vào ban đêm. Thậm chí, trẻ có thể đái dầm khi ngủ hoặc khi chơi đùa.
Việc điều trị đái tháo đường típ 1 được thực hiện bằng phương pháp thay thế insulin và kiểm soát lượng đường trong máu.
Khi bị đái tháo đường, tình trạng thiếu hụt insulin trong máu, glucose tích tụ quá mức dẫn đến tình trạng glucose bị “tràn” vào nước tiểu khiến cơ thể sản xuất nước tiểu quá mức. Mặt khác, các tế bào của cơ thể không có đủ năng lượng do glucose không được chuyển hóa khiến các chất béo dự trữ trong cơ thể bắt đầu bị phá vỡ, sản xuất xeton (một loại axit) để thay thế, từ đó máu có tính axit. Chính vì vậy, khi trẻ bị tiểu đường sẽ có một số dấu hiệu sau đây:
- Khát nước, khát tột độ;
- Cảm thấy đói bụng liên tục;
- Sụt cân đột ngột;
- Đi tiểu thường xuyên;
- Mắt mờ;
- Buồn nôn, nôn;
- Mệt mỏi, thờ ơ…