“Gặt” giải thưởng khoa học kỹ thuật: Quan trọng nhất là khơi dậy đam mê

GD&TĐ - Học sinh chuyên Toán, Lý thành công với dự án KHKT về lĩnh vực vi sinh; Giáo viên dạy Hóa học hướng dẫn học sinh làm sản phẩm robot, máy thông minh… cho thấy tiềm năng và tố chất ở các trường THPT còn rất nhiều.

GS Kirsten Benkendorff (Úc) và PGS.TS Đặng Toàn Vinh hướng dẫn học sinh thu mẫu nghiên cứu trên thực địa.
GS Kirsten Benkendorff (Úc) và PGS.TS Đặng Toàn Vinh hướng dẫn học sinh thu mẫu nghiên cứu trên thực địa.

“Trái tay” cũng gặt giải

Đã tham gia hướng dẫn và chấm điểm cho sản phẩm khoa học kỹ thuật (KHKT) của học sinh ở cuộc thi cấp tỉnh nhiều năm qua, thầy Vương Quang Trọng (GV Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đánh giá: “Để  học sinh THPT đạt được thành công trong nghiên cứu KHKT, cần khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu trong các em.

Ví dụ trường hợp học sinh Vũ Hoàng Long (Trường THPT số 1 TP Lào Cai) đoạt giải Ba - giải duy nhất của Đoàn Việt Nam tại cuộc thi quốc tế INTEL ISEF năm 2019. Sau khi phát hiện học sinh này có năng khiếu, yêu thích sáng tạo kỹ thuật từ THCS, năng khiếu bộc lộ rõ năm lớp 11, Long được nhà trường phổ thông tạo điều kiện tham gia học khóa học lập trình robot trên mạng.

Chăm chỉ tự học và nghiên cứu, cùng sự hỗ trợ từ nhà trường và GV, Long càng thể hiện được niềm yêu thích và đề xuất những ý tưởng tốt trong chế tạo sản phẩm KHKT”.

Không ít học sinh tham gia đề tài KHKT "trái tay" với môn học chuyên ở trường.
Không ít  học sinh tham gia đề tài KHKT "trái tay" với môn học chuyên ở trường. 

Mặc dù chuyên môn chính của thầy Trọng là dạy Hóa học, nhưng thầy cho biết các sản phẩm thi KHKT của  học sinh do thầy hướng dẫn nghiên cứu và đi thi đa số thuộc lĩnh vực hệ thống nhúng, robot và máy thông minh.

Đặc biệt, các sản phẩm sáng tạo đều do học sinh chủ động trong toàn bộ quá trình nghiên cứu, khi đi thi cấp tỉnh đều đoạt giải cao. Đã có 2 nhóm học sinh sau một thời gian “ươm mầm” năng khiếu đã đoạt giải quốc gia (1 giải Ba năm 2016 và 1 giải nhất 2019).

Còn thầy Đặng Toàn Vinh (Trưởng Khoa Thủy sản, Trường ĐH Hạ Long, Quảng Ninh) đã hướng dẫn 2 học sinh Lê Tuấn và Mạnh Tuấn Hưng (Trường THPT Chuyên Hạ Long) thực hiện thành công dự án nghiên cứu ở lĩnh vực vi sinh. Dự án đoạt giải Bạc danh giá của Hiệp hội sở hữu trí tuệ thế giới.

Đáng chú ý là 2 học sinh này theo học chuyên Toán và Lý, nhưng lại thực hiện dự án đi sâu về lĩnh vực vi sinh (chế phẩm chữa bệnh cho tôm).

Tuấn và Hưng cũng chia sẻ rằng, một khi đã có đam mê và năng khiếu về nghiên cứu thì những thành công sẽ đến, dù nghiên cứu lĩnh vực “trái tay” với môn học chuyên ở trường.

“Ngay trong trường em còn rất nhiều bạn có khả năng nghiên cứu KHKT. Những bạn học chuyên Sinh, chuyên Hóa… đều có thể làm dự án KHKT nếu có cơ hội gặp GV hướng dẫn phù hợp và được tạo điều kiện”, Lê Tuấn cho biết.

Hỗ trợ học sinh năng khiếu từ những điều cơ bản

Chia sẻ với Báo GD&TĐ về khả năng của học sinh THPT tham gia vào các dự án nghiên cứu KHKT, thầy Toàn Vinh cho biết: “Qua thực tế hướng dẫn học sinh, tôi thấy rằng, song song với hoạt động học tập chính khóa ở trường, học sinh các trường THPT, nhất là HS trường chuyên có nhiều khả năng trong hoạt động nghiên cứu KHKT.

Đặc biệt, học giỏi các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa… khi tham gia nghiên cứu KHKT các học sinh thể hiện được tư duy logic, trong khi hoạt động nghiên cứu rất cần có tư duy logic, sáng tạo. Về khía cạnh sáng tạo, học sinh cần được thầy cô hướng dẫn chỉ bảo thêm, nhằm giúp các em thể hiện được hết năng lực”.

Thầy Vương Quang Trọng (phải) hướng học sinh Vũ Hoàng Long một số sản phẩm kỹ thuật không liên quan đến môn Hóa học mà thầy Trọng dạy ở trường.
  Thầy Vương Quang Trọng (phải) hướng học sinh Vũ Hoàng Long một số sản phẩm kỹ thuật không liên quan đến môn Hóa học mà thầy Trọng dạy ở trường.

Theo thầy Vinh, để phát huy năng khiếu, hỗ trợ năng lực của học sinh, GV hướng dẫn học sinh nghiên cứu KHKT có thể phải bắt đầu với các em từ những điều cơ bản, sơ khai nhất của dự án.

Ngoài năng lực sáng tạo, tư duy logic, để nghiên cứu KHKT thành công, học sinh cần phải rèn luyện khả năng sử dụng tiếng Anh tốt.

“Mặt bằng chung hiện nay của học sinh về tiếng Anh đã được nâng lên rất nhiều so với những năm trước đây. Bởi vậy, khi học sinh tham gia nghiên cứu KHKT sử dụng được tiếng Anh là một lợi thế rất quan trọng. Nhờ biết tiếng Anh, các học sinh có thể tìm, đọc các tài liệu khoa học, thực tiễn… liên quan đến nội dung nghiên cứu” - Thầy Toàn Vinh nhận định.

Thực tế, khi GV hướng dẫn hỗ trợ, cung cấp các tài liệu tiếng Anh học sinh tham gia dự án có thể tiếp cận đọc và hiểu được, từ đó sẽ tìm thấy nhiều thông tin tham khảo quan trọng, giúp giải quyết được các vấn đề khó trong quá trình làm dự án.

Cần sự hỗ trợ, phối hợp giữa gia đình học sinh, GV, nhà trường phổ thông và các trường ĐH trong phát hiện, ươm mầm, hỗ trợ HS có năng khiếu.
Cần sự hỗ trợ, phối hợp giữa gia đình học sinh, GV, nhà trường phổ thông và các trường ĐH trong phát hiện, ươm mầm, hỗ trợ HS có năng khiếu. 

Có cả một chu trình rộng mở cho hoạt động nghiên cứu KHKT trong học sinh phổ thông, theo thầy Vinh, thầy Trọng, cần sự hỗ trợ, phối hợp giữa gia đình học sinh, GV, nhà trường phổ thông và các trường ĐH… trong phát hiện, “ươm mầm”, hỗ trợ học sinh có năng khiếu, xây dựng đề tài KHKT, cho đến việc tham gia giải thưởng sáng tạo KHKT các cấp.

Thậm chí, sau chặng đường thành công, đoạt giải thưởng trong nước và quốc tế của mỗi học sinh có dự án KHKT, còn cần tiếp tục hỗ trợ HS trong đăng ký sáng chế, thực hiện bài báo khoa học và có thể gồm cả việc hỗ trợ hồ sơ học bổng du học…

Nhưng quan trọng nhất, niềm hãnh diện và hiệu quả lâu dài nhất đối với mỗi học sinh nghiên cứu KHKT, đó là tạo ra sản phẩm khoa học có giá trị, được ứng dụng vào thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ