Gặp người thợ đá xây lăng Bác Hồ

Gặp người thợ đá xây lăng Bác Hồ

(GD&TĐ) - Khi nhắc đến Lê Thiều Hoa ở thị trấn Nhồi, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa mọi người chỉ biết đến anh là một nghệ nhân tài hoa, thành đạt, gần suốt cả cuộc đời gắn liền với nghề chế tác đá. Thế nhưng, hiện nay ở thị trấn Nhồi rất ít người biết được, chính nghệ nhân Lê Thiều Hoa là một trong những thanh niên được tuyển chọn tham gia xây lăng Bác Hồ.

Công việc những ngày cuối năm ở xưởng sản xuất và chế tác đá của anh Lê Thiều Hoa bận rộn hơn. Các đơn đặt hàng từ giữa năm và mấy tháng trước đều phải bàn giao trước Tết Nguyên đán. Những phần việc khó, khâu hoàn thiện các sản phẩm đều do anh và một số thợ lành nghề đảm nhiệm. Anh tâm sự: “Nghề đá như đã ngấm vào máu thịt của tôi, một ngày không được cầm chòong, cầm đục, cầm giũa, không được tạo bản vẽ lại thấy nhớ và thiếu”. Trên 40 năm làm nghề, gắn bó với nghề đục đẽo, chế tác đá, đã để lại trong anh nhiều kỷ niệm khó quên. Vinh dự nhất, tự hào nhất anh là một trong 5 thành viên của làng đá núi Nhồi được tuyển chọn tham gia xây lăng Bác Hồ.

Bức tượng Phật bà được nghệ nhân Lê Thiếu Hoa “Việt hóa” một cách tài tình và khéo léo
Bức tượng Phật bà được nghệ nhân Lê Thiếu Hoa “Việt hóa” một cách tài tình và khéo léo

Đá đen núi Nhồi, Đông Sơn, đá trắng, đá đỏ ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa là một trong những loại đá được chọn làm vật liệu để xây dựng lăng Bác. Ngày đó, người dân ở các địa phương có mỏ đá đều tham gia tích cực, không quản ngại ngày đêm, mưa gió khai thác đá nhanh nhất để gửi đi xây dựng lăng Bác. Với tinh thần “Lòng dân, gỗ, đá non sông” góp nên để xây dựng lăng Bác, nên các địa phương được góp vật liệu, trong đó có người dân làng đá núi Nhồi đều không khỏi xúc động và tự hào. 

Vào khoảng giữa năm 1973, khi đi làm về anh được chính quyền, địa phương thông báo: “Chuẩn bị đi làm nhiệm vụ đặc biệt”. Tất cả 5 người được “tuyển chọn” là những thợ giỏi đồng thời là những đoàn viên, thanh niên ưu tú của làng đá núi Nhồi. Đoàn nhận “nhận nhiệm vụ đặc biệt” do nghệ nhân Lê Văn Ngũ chỉ huy. Cả người chỉ huy và 4 thợ đá đều không biết mình nhận nhiệm vụ gì. Khi đến công trường thì mới biết đó là nhiệm vụ xây dựng lăng Bác Hồ.

Nhiệm vụ của tổ thợ đá làng Nhồi là mài đá, chỉnh sửa đá và ghép đá trong lăng Bác. Tất cả các công đoạn đều làm bằng thủ công. Do có nhiều kinh nghiệm, cộng với trình độ tay nghề cao, nên các phần việc được giao anh em trong tổ thợ đá làng Nhồi đều phối hợp, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. “Với lòng tiếc thương, tôn kính Bác, anh em chúng tôi đã động viên nhau, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn để hoàn thành công việc được giao. Cuối năm 1973, sau 5 tháng tham gia xây dựng lăng Bác, tất cả tổ thợ đá núi Nhồi lại trở về công việc thường ngày là chế tác đá” anh tâm sự. 

Sự thăng trầm của nghề làm đá núi Nhồi khiến nhiều người phải chuyển nghề, kiếm kế sinh nhai. Trong số 5 người thợ đá đi xây lăng Bác năm xưa, nay chỉ còn lại anh Lê Thiều Hoa gắn cuộc đời mình với đá. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia xây lăng Bác Hồ, anh Hoa được tạo điều kiện đi học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trung ương. Từ một thợ đá chỉ chế tác theo kinh nghiệm, sản xuất các mặt hàng truyền thống là chủ yếu, khi được đào tạo cơ bản anh đã chuyển sang chế tác đá mỹ thuật cho thu nhập cao. 

Nghệ nhân Lê Thiếu Hoa (bên trái) hướng dẫn thợ trẻ khâu hoàn thiện khắc chữ trên đá
Nghệ nhân Lê Thiếu Hoa (bên trái) hướng dẫn thợ trẻ khâu hoàn thiện khắc chữ trên đá

Hiện nay xưởng chế tác đá của gia đình anh Lê Thiều Hoa, ngoài sản xuất các mặt hàng phổ thông như con tiện, bàn ghế, lăng mộ, làm đá xẻ… anh còn thiết kế, chế tác các tác phẩm tượng nghệ thuật. Các đơn đặt hàng làm tượng nghệ thuật thông thường chỉ có một ảnh mẫu. Khi có ảnh mẫu, anh phải vẽ thiết kế theo ảnh không gian 3 chiều, tính toán tỉ lệ, kích thước, sau đó mới đến khâu chế tác. Có nguyên mẫu, nhưng chế tác được bức tượng đẹp còn tùy thuộc với năng khiếu người thợ. Người thợ giỏi phải có góc nhìn sâu và trí tưởng tượng tốt. 

Hôm chúng tôi đến thăm, anh đang hoàn thiện tác phẩm “Tình mẹ con” và “Phật bà nghìn tay, nghìn mắt”. Lúc hoàn thiện anh vừa làm vừa giới thiệu, truyền nghề cho lớp thợ trẻ. Nhiều công nhân, thợ trẻ do anh kèm cặp, bồi dưỡng đã tự đứng ra mở xưởng chế tác đá. Hiện tại xưởng chế tác đá của anh có 8 công nhân, thường xuyên có việc làm và thu nhập ổn định. Anh cho biết để giữ được chân thợ giỏi phải tạo cho họ có niềm đam mê với nghề, đưa ra ý tưởng và phát huy được tính tự lập, sáng tạo trong từng tác phẩm. Ngoài làm việc ở xưởng sản xuất, chế tác đá của gia đình, anh Lê Thiều Hoa còn tham gia lớp dạy nghề chế tác đá ở huyện Vĩnh Lộc. Mỗi khóa đào tạo thường kéo dài từ 3 đến 4 tháng, sau khi hoàn thành, các học viên có thể làm được các sản phẩm thông dụng. Khi thực hành nếu có vướng mắc các học viên lại được anh tư vấn, hướng dẫn. Với anh, việc giúp đỡ được nhiều bạn trẻ tiếp nối nghề đá truyền thống, có việc làm, thu nhập ổn định là niềm vui, hạnh phúc của người thợ lành nghề. 

Thời gian được tham gia xây dựng lăng Bác Hồ đối với nghệ nhân Lê Thiều Hoa không phải là dài. Nhưng quãng thời gian đó đối với anh thật nhiều ý nghĩa. Ngoài việc học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các thợ đá khắp mọi miền trên cả nước, anh còn rèn luyện được tác phong làm việc nghiêm túc, tỉ mỉ, cẩn trọng, cầu thị. Đức tính ấy, niềm đam mê ấy luôn được anh thể hiện qua từng sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật và truyền lại cho lớp lớp học trò. Những việc làm của anh đã góp phần nhen lên ngọn lửa lòng yêu nghề, nối tiếp truyền thống hàng nghìn năm tồn tại và phát triển của làng đá núi Nhồi.

                                                                   Bài, ảnh: Ông Quốc Chính 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ