Cùng con bước vào tuổi lớn

GD&TĐ - Khi phát hiện ra trẻ yêu sớm nhiều cha mẹ thường cuống cuồng lo lắng và bị động bởi không biết sẽ dạy và khuyên can con cách nào. Trong khi đó, tại trường học các thầy cô giáo cũng không thể kiểm soát hết và đủ thời gian để chỉ bảo các em. 

Cùng con bước vào tuổi lớn

Tuổi mới lớn đã và đang rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa ở góc độ tinh thần từ phía gia đình và nhà trường để quá trình hình thành và phát triển nhân cách được hoàn thiện.

Con yêu sớm - Cha mẹ bị động

Không phải ngẫu nhiên mà ngày càng nhiều cảnh báo được đưa ra từ phía các nhà tâm lý giáo dục, bác sĩ… về tình trạng học sinh yêu sớm. Chính vì vậy với các bậc phụ huynh, tình yêu ở lứa tuổi học trò đã trở thành mối lo lắng và tiềm ẩn nhiều hậu quả.

Thế nhưng khi đặt câu hỏi với nhiều học sinh ở lứa tuổi cấp THCS, THPT thì các em lại hồn nhiên cho biết chẳng bao giờ bố mẹ nói chuyện với chúng về tình yêu. Một chút kiến thức nào đó về tình yêu nếu biết thì chúng hầu như đọc qua sách báo, mạng thông tin hoặc các bạn cùng trang lứa nói vào tai nhau. Và thậm chí, với chúng tình yêu là gì cũng chả biết, chỉ biết bỗng một ngày cảm thấy thích bạn a, b cùng trường lớp, thích một anh lớn tuổi hơn, một anh sinh viên và gọi đó là tình yêu.

Có phụ huynh kể lại câu chuyện của mình trên diễn đàn cha mẹ rằng: Vợ chồng chị đã quá mệt mỏi khi phải đối phó với những chiêu trò của con gái lớp 10 lừa bố mẹ để đi chơi với người yêu. Anh chị đã áp dụng gần như mọi biện pháp để quản lý con gái như: đưa đón con đi học cả chính khóa lẫn học thêm, đi sinh nhật bạn cũng đưa đi đón về; cắt cả điện thoại di động lẫn Internet phòng riêng… nhưng cũng phải chịu thua. Con anh chị vẫn hẹn hò được với cậu bạn, khi thì đợi anh chị đi khuất khỏi lớp học thêm là trốn học đi chơi; lúc đi chợ khi đi đổ rác cũng có thể bắt gặp cô cậu đứng cùng nhau. Và không từ cả trường hợp con gái anh chị trèo cổng ra ngoài đi chơi với bạn trai…

Một học sinh lớp 8 khi được hỏi cũng chia sẻ: Ở trong lớp em có vài đôi yêu nhau. Có những đôi đã duy trì được mối quan hệ gần năm nay; có đôi vừa kỷ niệm một năm quen và yêu nhau. Em cho biết, các bạn ban đầu chỉ trò chuyện qua facebook nhưng dần dần thấy hợp nên quyết định yêu thử và cuối cùng thì yêu thật. Ban đầu còn các bạn thường thể hiện tình cảm kiểu nắm tay nhau, khoác vai rồi tiến đến ôm eo, hôn… Vì các bạn cũng khá kín đáo nên có thể thầy cô không biết hoặc biết chút ít còn bố mẹ thì càng không biết.

Cùng con vượt dốc

Điều tra từ những nhà tâm lý giáo dục cho thấy, hầu hết học sinh yêu sớm đều thuộc gia đình có bố mẹ mải mê công việc không có thời gian nhiều để quan tâm giáo dục con. Khi phát hiện ra, họ chỉ muốn bằng một trận đòn “thừa sống thiếu chết” để chấm dứt ngay lập tức mà không muốn mất thì giờ tìm hiểu nguyên nhân và có những biện pháp tế nhị, công phu để ngăn chặn con. Cũng có những ông bố bà mẹ không sử dụng đến vũ lực nhưng làm gì để giáo dục khuyên can và chấm dứt con yêu sớm thì họ cũng đành chịu. Tìm ra các giải pháp phù hợp để giải quyết tình trạng yêu sớm của trẻ từ phía các gia đình cũng được đặt ra khá bức thiết.

Kinh nghiệm từ các chuyên gia tâm lý cho thấy chỉ có thể chiến thắng một tình cảm bằng tình cảm. Nếu cha mẹ muốn con cắt đứt được tình cảm với người mà cháu sớm yêu, bạn phải thay thế vào chỗ trống ấy bằng một tình cảm khác, không để cháu hẫng hụt, bi quan. Đó là tình yêu thương của ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè, làm cho đứa trẻ thấy có rất nhiêu người yêu thương và lo lắng cho mình, mình không bị cô đơn hay để cho những người thân phải thất vọng.

Thay vì chửi bới đánh đập, bố mẹ hãy đến bên và dành cho con ít nhất mỗi ngày một cuộc trò chuyện. Hãy để con trẻ hiểu rằng thế nào là tình bạn, tình yêu chân chính. Không nên giảng giải lý luận dài dòng hoặc mạt sát người yêu của con hay khẳng định con là loại người hư hỏng. Bởi vì tất cả những kẻ đang yêu đều nghĩ rằng tình yêu của họ là chân chính và người họ yêu là tốt đẹp.

Cha mẹ hãy nói những điều cụ thể đơn giản như nếu mối quan hệ đó làm cho con người ta đến mất ăn mất ngủ, sức khỏe suy giảm, nguời ngợm bơ phờ, không còn bụng dạ học hành, thậm chí trốn học đi chơi, sẽ dẫn đến thân tàn ma dại thì đó là tình yêu sai lầm, người yêu đó là xấu xa, cần phải xa lánh và cứu lấy đời mình. Khi các em hiểu ra điều đó, sẽ tự điều chỉnh và trong thực tế nhiều em đã trở lại làm người trò giỏi, con ngoan.

Đặc biệt ở từng lứa tuổi cha mẹ cần có cách khuyên giải, giáo dục và xử lý khác nhau. Với giai đoạn tiểu học, việc trẻ có cảm xúc thích một người bạn khác giới cũng bình thường. Ở giai đoạn này việc thích này chỉ kéo dài một thời gian ngắn và không phải tình yêu.

Do vậy khi nói chuyện, phụ huynh cần phân tích cho trẻ biết cảm xúc đó là bình thường, dạy trẻ phân biệt cách thể hiện cảm xúc âu yếm đúng mực... Với học sinh bậc THCS, phụ huynh cần cung cấp cho trẻ kiến thức về giới tính và tình dục an toàn. Đặc biệt, trẻ cần được trang bị những kỹ năng sống cần thiết để không bị rơi vào khủng hoảng tình cảm. Phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ hiểu đúng về một tình cảm đẹp.

Chẳng hạn, người bạn trai tốt sẽ là người không có hành vi xúc phạm hoặc sàm sỡ người bạn gái của mình. Và một tình cảm tốt là cả hai cùng sống tốt, luôn vui vẻ và cùng nhau học tập tốt. Nếu ngược lại những điều trên, người bạn trai đó không phải người tốt và không nên tiếp tục tình cảm này…

Cũng theo lời khuyên từ chuyên gia, các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên quá căng thẳng, mà phải tìm ra các phương pháp xử lý. Bởi vì, việc ngăn cấm tình cảm của con cái điều tối kỵ, con cái sẽ trở nên khép kín và âm thầm chống lại những điều phụ huynh mong muốn. Thậm chí, chúng sẽ nói dối để được đi chơi, hoặc giả vờ ngây thơ không biết gì trước mặt cha mẹ, nhưng sau lưng lại tìm hiểu các thông tin từ bạn bè, trên mạng ảo… mà độ tin cậy của những thông tin này không thể lường trước được. 

Trước khi con biết yêu, cha mẹ cần phải chăm sóc nhiều hơn cả về mặt tinh thần. Hãy dành thời gian cho con nhiều hơn, làm bạn với con để con có nơi chia sẻ những tâm sự và thắc mắc của tuổi mới lớn. Khi con đã trót yêu, cha mẹ phải lựa lời phân tích thiệt hơn về tình cảm bồng bột của con, khéo léo tìm hiểu mối quan hệ riêng tư để từ đó cho trẻ các lời khuyên về lối sống, cách ứng xử. Điều cấm kỵ nhất là cha mẹ có hành vi nghe lén điện thoại hay đọc trộm nhật kí của con, ngăn cấm con tiếp xúc với bạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.